Rụng tóc, hói đầu là gì? 10 điều bạn nên biết về chứng bệnh "mất thẩm mỹ" này!

Rụng tóc, hói đầu là gì? 10 điều bạn nên biết về chứng bệnh "mất thẩm mỹ" này!
Rụng tóc, hói đầu tuy không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ. Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc. Người bệnh cần nhận biết và can thiệp sớm, bởi để lâu có thể dẫn đến hói vĩnh viễn.

1. Rụng tóc, hói đầu là gì?

Chu kỳ tăng trưởng tóc thường bao gồm ba giai đoạn:

- Giai đoạn tăng trưởng: Ở giai đoạn này, tóc mọc khoảng 1 cm mỗi tháng, kéo dài khoảng 2 đến 4 năm. Khoảng 90% tóc trên da đầu của bạn là trong giai đoạn này.

- Giai đoạn dừng tăng trưởng: Các nang tóc bắt đầu co lại trong 2 - 3 tuần. Đây cũng được gọi là giai đoạn chuyển tiếp.

- Giai đoạn thoái hóa: Nang lông không hoạt động khoảng 3 - 4 tháng, khiến cho tóc rụng đi. Khi tóc rụng vào cuối giai đoạn thoái hóa, những sợi tóc mới sẽ mọc thay thế vào.

Việc rụng một ít tóc từ da đầu mỗi ngày là điều bình thường. Trung bình chúng ta rụng 50 - 100 sợi tóc mỗi ngày. Nhưng nếu tóc của bạn mỏng hoặc rụng nhanh hơn bình thường, bạn có thể bị hói. Rụng tóc, hói đầu chính là tình trạng mất tóc nhiều khiến một hoặc nhiều mảng da đầu bị trống và trơn lì, không thấy lỗ chân lông.

Rụng tóc, hói đầu thường gặp ở độ tuổi trung niên, sau 40. Tuy nhiên tình trạng này ngày càng trẻ hóa do lối sống hiện đại áp lực và sinh hoạt kém điều độ.

2. Dấu hiệu

Dấu hiệu của hói đầu là tóc rụng nhiều bất thường làm lộ da đầu, tạo thành những mảng hói trắng bóng.

Ở nam giới, rụng tóc, hói đầu thường xảy ra ở giữa trán, 2 bên thái dương hoặc đỉnh đầu. Một trong dấu hiệu hói đầu phổ biến nhất ở nam giới là đường chân tóc bị lõm xuống, tạo thành hình chữ M khi hai bên rụng tóc với tốc độ nhanh hơn so với giữa da đầu.

Ảnh 2.

Nam giới thường bị rụng tóc 2 bên thái dương (Ảnh: Internet)

Ở nữ giới, rụng tóc thường bắt đầu từ 2 bên trán và đường ngôi giữa. Tóc thường mỏng và thưa dần ở trên đỉnh đầu.

Ngoài rụng tóc quá mức, các dấu hiệu đi kèm là:

- Da đầu bị ngứa ngáy khó chịu, thậm chí là tấy đỏ và nóng rát.

- Móng tay chân mất đi độ bóng, trở nên thô ráp, xuất hiện vết đốm hoặc đường kẻ trắng, bề mặt móng xuất hiện vết lõm.

3. Nguyên nhân

3.1. Nguyên nhân gây rụng tóc, hói đầu là gì?

- Quá trình lão hóa tự nhiên: Hầu hết mọi người trải qua rụng tóc khi họ già đi.

- Di truyền: Gen gây hói đầu có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái. Loại gen có thể ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm của nang tóc với một loại hormone có tên là DHT, khiến các nang tóc co lại. Ban đầu, tóc có xu hướng mọc mảnh hơn và ngắn hơn. Dần dần, phải mất nhiều thời gian hơn để tóc mọc trở lại. Cuối cùng, các nang lông co lại khiến cho tóc không thể mọc.

- Thiếu hụt dinh dưỡng: Rụng tóc, hói đầu có thể xảy ra khi cơ thể bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng và đột ngột. Thường là sau phẫu thuật, chấn thương làm mất máu nhiều, giảm cân cấp tốc,...

- Thay đổi nội tiết tố: Stress kéo dài có thể làm xáo trộn nội tiết tố, gây rụng tóc, hói đầu. Ở nữ giới, việc mang bầu, sinh con, giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh cũng có thể làm thay đổi nồng độ hormone.

- Tác động vật lý: Do thói quen xấu hay bứt tóc, cột tóc quá chặt, do tóc tiếp xúc với nhiệt độ hoặc hóa chất từ việc uốn - duỗi - nhuộm.

Ảnh 3.

Thói quen nghiện bứt tóc có thể gây hói đầu (Ảnh: Internet)

- Tác dụng phụ của thuốc: Rụng tóc từ một số loại thuốc thường là tạm thời. Khi bạn dừng thuốc, tóc sẽ phát triển trở lại. Một số loại thuốc được biết đến liên quan đến rụng tóc bao gồm: thuốc hóa trị, thuốc trị mụn, thuốc chống nấm, thuốc chống đông máu, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc huyết áp, thuốc hạ cholesterol, thuốc chống trầm cảm,...

- Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Có một số loại bệnh có thể làm rối loạn hormone gây rụng tóc, hói đầu như: nhiễm trùng da đầu, bệnh suy giáp, cường giáp, thiếu máu, thiếu sắt,...

3.2. Đối tượng nào có nguy cơ cao bị rụng tóc, hói đầu?

- Bạn có bố hoặc mẹ bị rụng tóc, hói đầu.

- Những người trên 50 tuổi.

- Giảm cân đáng kể.

- Bạn bị mắc một số bệnh ảnh hưởng đến tóc như tiểu đường, lupus, nấm da đầu,...

- Bị căng thẳng, stress thường xuyên.

- Phụ nữ mang thai.

4. Chẩn đoán

- Thử nghiệm kéo: Bác sĩ sẽ tác động một lực kéo nhẹ nhàng lên một nhúm tóc khoảng 40 - 60 sợi trên 3 vùng da đầu khác nhau. Nếu mỗi khu vực rụng ít hơn 3 sợi tóc thì là bình thường. Nếu có hơn 10 sợi tóc, kết quả thử nghiệm kéo xác đinh rụng tóc, hói đầu là dương tính.

- Thử nghiệm nhổ: Bác sĩ sẽ thực hiện nhổ tóc tận gốc. Chân tóc bị nhổ sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định giai đoạn tăng trưởng.

- Sinh thiết da đầu: Các mẫu tóc thường được lấy ở xung quanh biên của các mảng hói. Kiểm tra tóc có bị nhiễm khuẩn hay không sẽ giúp xác định là loại trừ nguyên nhân gây rụng tóc.

- Kiểm tra lượng tóc rụng hàng ngày: Phương pháp này thường được sử dụng khi thử nghiệm kéo là âm tính. Nó được thực hiện bằng cách đếm số lượng tóc bị rụng mỗi ngày. Tóc được thu thập trong một túi nhựa trong 14 ngày. Các sợi được ghi lại. Nếu số lượng tóc> 100 / ngày, nó được coi là bất thường. Ngoại trừ sau khi gội đầu, số lượng tóc rụng có thể lên đến 250 là bình thường.

- Xét nghiệm máu: Có thể giúp tìm ra bệnh lý tiềm ẩn liên quan đến tình trạng rụng tóc, hói đầu.

5. Điều trị

5.1. Điều trị bằng thuốc

Có cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn được phê duyệt để điều trị chứng rụng tóc, hói đầu. Có thể mất ít nhất 6 tháng để nhìn thấy hiệu quả sau khi bắt đầu sử dụng thuốc. Do đó người bệnh cần kiên trì, tuân thủ đúng liều lượng, hướng dẫn và thời gian uống thuốc.

Một số loại thuốc trị rụng tóc, hói đầu phổ biến là:

- Minoxidil: Là thuốc bôi ngoài da đầu không cần kê đơn, có thể mua sẵn ở các hiệu thuốc.

- Finasteride: Là thuốc kê toa trị hói đầu ở nam giới. Nó khiến tóc chậm rụng và kích thích mọc tóc mới.

- Spironolactone: Là thuốc kê toa trị hói đầu ở nữ giới. Nó làm giảm sản xuất androgen và ngăn chặn tác dụng của DHT, loại hormone có thể làm tăng rụng tóc.

- Liệu pháp hormone: Thuốc tăng estrogen và progesterone có thể được dùng để điều trị rụng tóc, hói đầu ở phụ nữ đang trong thời kỳ tiền mãn kinh.

**Lưu ý: Các nhóm thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh không được tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh gây nguy hiểm cho sức khoẻ.

5.2. Laser

Liệu pháp laser mức độ thấp có thể được sử dụng để tăng lưu thông ở da đầu và kích thích nang tóc. Đây là phương pháp điều trị rụng tóc, hói đầu an toàn và cho hiệu quả tốt.

5.3. Phẫu thuật cấy tóc

Hai thủ tục cấy tóc phổ biến nhất là cắt dải nang tóc và chiết đơn vị nang tóc. Sự khác biệt giữa 2 thủ tục này là quy trình chiết nang tóc.

- Cắt dải nang tóc là lấy một phần da từ phía sau đầu, nơi tóc vẫn đang phát triển bình thường để chiết tách thành các nang nhỏ hơn. Các nang nhỏ này sẽ được chèn vào các phần của da đầu nơi tóc hiện không mọc được.

- Chiết đơn vị nang tóc là bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy các nang tóc khỏe mạnh ra khỏi da đầu. Sau đó tạo ra các lỗ nhỏ, nơi tóc không mọc và đặt các nang khỏe mạnh vào các lỗ này.

5.4. Tiêm huyết tương giàu protein (PRP)

Phương pháp PRP sử dụng tiểu cầu từ máu của chính bệnh nhân sau đó tiêm vào các vị trí rụng tóc, hói đầu giúp tóc phát triển lại.

5.5. Liệu pháp dinh dưỡng

Theo các nghiên cứu, việc tăng lượng axit béo omega-3, omega-6 và chất chống oxy hóa trong 6 tháng sẽ giúp tăng mật độ và tốc độ phát triển tóc ở nữ giới.

6. Biến chứng của rụng tóc, hói đầu là gì?

Rụng tóc, hói đầu hiếm khi gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Trừ khi nó là dấu hiệu của một tình trạng y tế tiềm ẩn thì người bệnh cần đi thăm khám và điều trị sớm.

Rụng tóc, hói đầu không được can thiệp điều trị sớm có thể phát triển thành hói đầu vĩnh viễn.

7. Phương pháp phòng tránh hói đầu là gì

- Massage da đầu nhẹ nhàng thường xuyên để giúp lưu thông máu, nang tóc khỏe mạnh hơn, kích thích mọc tóc.

- Sử dụng dầu gội và dầu xả chiết xuất thiên nhiên, ít hóa chất.

- Có một mối liên hệ rõ ràng giữa việc hút thuốc và tình trạng hói đầu ở nam giới. Hãy bỏ hút thuốc lá để phòng tránh rụng tóc, hói đầu.

- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát stress.

- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng giàu protein, sắt và vitamin.

Ảnh 4.

Thực phẩm giàu sắt tốt cho việc phòng tránh rụng tóc (Ảnh: Internet)

- Nếu bạn nghĩ rằng thuốc bạn đang sử dụng có thể gây rụng tóc, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn khác phù hợp hơn.

- Sử dụng tinh dầu bưởi để nuôi dưỡng nang tóc.

8. Dinh dưỡng cho người bị rụng tóc, hói đâu

8.1. Nên ăn gì?

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ chất để giúp tóc phát triển khỏe mạnh.

- Thực phẩm giàu Omega 3 như cá hồi sẽ kích thích tóc mọc nhanh hơn, tóc bóng khỏe hơn.

- Thực phẩm giàu kẽm như quả hạch, hạt bí ngô, đậu nành, lòng đỏ trứng,... giúp giảm tình trạng rụng tóc và bong tróc da đầu.

- Các loại đậu sẽ cung cấp folic giúp đẩy mạnh quá trình tái sinh tóc, tăng tốc độ phát triển của tóc.

- Sữa và các chế phẩm từ sữa sẽ cung cấp canxi và protein giúp tóc khỏe mạnh hơn.

8.2. Nên kiêng gì?

- Tránh chế độ ăn quá nhiều vitamin A có thể gây rụng tóc.

- Hạn chế đồ ngọt như bánh kẹo, socola, nước ngọt,... sẽ khiến rối loạn chuyển hóa chất béo, tăng rụng tóc, khiến tóc khô và yếu hơn.

Ảnh 5.

Ăn nhiều đồ ngọt có thể gây rối loạn chuyển hoá chất béo (Ảnh: Internet)

- Các thực phẩm cay nóng, thực phẩm chứa chất kích thích có thể kích ứng da đầu gây rụng tóc nhiều hơn.

9. Các câu hỏi thường gặp

9.1. Rụng tóc, hói đầu có nguy hiểm không?

Rụng tóc, hói đầu thường không phải là một vấn đề y tế nghiêm trọng. Và nó không gây hại cho sức khỏe của bạn. Nhưng nó thường khiến người bệnh lo lắng vì ảnh hưởng đến ngoại hình.

9.2. Khi nào tôi nên đi khám bác sĩ?

- Rụng tóc ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, khiến bạn tự ti và lo âu.

- Rụng tóc đột ngột có thể báo hiệu một tình trạng y tế tiềm ẩn cần điều trị nên cần đi khám sớm.

9.3. Rụng tóc, hói đầu có chữa được không?

Nếu được can thiệp sớm thì rụng tóc, hói đầu hoàn toàn có thể chữa được. Tuy nhiên cần điều trị thời gian dài. Nếu để lâu, nang tóc hóa sẹo và mất chức năng thì hói đầu có thể là vĩnh viễn, không chữa trị được.

9.4. Hói đầu có di truyền không?

Đa số các trường hợp hói đầu là do di truyền và không thể phòng tránh. Theo thống kê, 85% trường hợp hói đầu ở nam giới là do di truyền. Trong đó, 25% có biểu hiện rụng tóc sớm trước 21 tuổi.

9.5. Gội đầu nhiều có gây hói đầu không?

Trái với quan niệm của nhiều người, các hoạt động như đội mũ, đội tóc giả, gội đầu thường xuyên,... không phải nguyên nhân gây hói đầu. Tuy nhiên chúng cũng khiến rụng tóc nhẹ, mọi người cần hạn chế để tránh là yếu nang tóc.

10. Một số hình ảnh về rụng tóc, hói đầu


rung toc hoi dau chu m

Ảnh: Internet

rung toc hoi dau o nam

Ảnh: Internet

rung toc hoi dau o nu

Ảnh: Internet

rung toc hoi dau do nam

Ảnh: Internet

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/signs-of-balding#other-causes-of-hair-loss


Tác giả: Mai Nhung