Rung nhĩ: Hiểu biết đúng cách để phòng ngừa hiệu quả

Rung nhĩ: Hiểu biết đúng cách để phòng ngừa hiệu quả
Rung nhĩ là bệnh lý nguy hiểm, bởi nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhồi máu cơ tim và đột quỵ não. Vậy rung nhĩ là bệnh lý như thế nào? các triệu chứng, yếu tố nguy cơ và cách điều trị bệnh lý rung nhĩ là gì? Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ những điều đó.

Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Bệnh lý này xảy ra khi quá trình hình thành và lan truyền xung điện của tim hoạt động không bình thường, dẫn tới rối loạn sự co bóp của tim. Khi xung động không xuất phát từ nút xoang mà xuất phát từ những vị trí khác dẫn tới kích thích cơ nhĩ khiến nó liên tục hoạt động ở trạng thái rung rung chứ không co bóp đồng bộ, nhịp nhàng.

Theo thống kê, những bệnh nhân mắc rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần những người không bị mắc bệnh. Rung nhĩ còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhồi máu cơ tim và đột quỵ não, loại bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Chính vì nguy hiểm như vậy nên việc phòng ngừa tai biến đột quỵ là quan trọng và là mục tiêu nền tảng trong điều trị rung nhĩ.

1. Triệu chứng của rung nhĩ

Nhều bệnh nhân bị rung nhĩ hoàn toàn không có bất kì triệu chứng gì xuất hiện, nhưng có những bệnh nhân lại xuất hiện triệu chứng bệnh ngay từ khi mới mắc. Bởi các triệu chứng này còn tùy thuốc vào các yếu tố như độ tuổi, nguyên nhân gây bệnh và sự ảnh hưởng của rung nhĩ đến sự co bóp của tim. Song, nhìn chung, khi bị rung nhĩ sẽ xuất hiện những triệu chứng như: tim đập rất nhanh (đánh trống ngực), khó thở, hụt hơi, choáng váng, vã mồ hôi, đau ngực, và tiểu tiện nhiều lần.

Khi rung nhĩ không được điều trị kịp thời, và tim phải đập rất nhanh trong thời gian dài, sẽ khiến cơ tim bị giãn và quá trình tống máu ra ngoài không hiệu quả. Từ đó có thể gây ra suy tim sung huyết.

2. Tại sao lại xuất hiện tình trạng rung nhĩ?

Có nhiều yếu tố tác động khiến rung nhĩ dễ xuất hiện, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vẫn không thể tìm thấy nguyên nhân gây ra bệnh. Theo chuyên gia, rung nhĩ thường xuất hiện ở những người bị bệnh động mạch vành, và tăng huyết áp. Ngoài ra, bệnh lý này cũng thường được phát hiện ở những bệnh nhân bị hở van tim, hẹp van hai lá, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, cường giáp, người có bệnh tim bẩm sinh và những bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật tim. Rung nhĩ cũng có thể xuất hiện ở những bệnh nhân bị phổi cấp tính hoặc mạn tính. Người cao tuổi có nguy cơ mắc rung nhĩ cao hơn những người trẻ. Đây đều được coi là những yếu tố nguy cơ gây ra rung nhĩ.

Rung nhĩ: Hiểu biết đúng cách để phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 1.

Hình ảnh tắc động mạch não giữa gây nhồi máu não ở bệnh nhân rung nhĩ (Nguồn: internet).

3. Điều trị rung nhĩ thế nào?

Để điều trị hiệu quả và chống được đột quỵ thì cần hoàn thành 3 mục tiêu chính là kiểm soát tần số thất, chuyển rung nhĩ về nhịp xoang và dùng thuốc chống đông phòng ngừa huyết khối. Có nhiều phương pháp để điều trị rung nhĩ như phương pháp sốc điện chuyển nhịp về xoang, hay triệt đốt rung nhĩ qua đường ông thống, một phương pháp dùng năng lượng để tạo ra những vết cắt nhỏ trên bề mặt nội mạc nhĩ trái nhằm cô lập các đường xung động bất thường do rung nhĩ gây ra.

Ngoài hai phương pháp ở trên, các bác sĩ cũng thường phải sử dụng thuốc chống đông máu cho bệnh nhân nhằm làm giảo nguy cơ nhồi máu não. Tuy nhiên, phương pháp này có tác dụng phụ là nguy cơ chảy máu tăng lên. Chính vì vậy, cần có sự lựa chọn kĩ càng cũng như tính toán lợi ích về các nguy cơ khi sử dụng thuốc. Đặc biệt, bệnh nhân nên trao đổi với các bác sĩ chuyên ngành rồi loạn nhịp tim, các bác sĩ tim mạch để hiểu rõ những nguy cơ của các loại thuốc chống đông để qua đó quyết định lựa chọn loại thuốc điều trị tốt nhất cho mình.

Theo Sức khỏe Đời sống

Tác giả: DNA