Rối loạn thần kinh thực vật là căn bệnh đáng sợ với nhiều người bởi nó tác động đến hoạt động của hầu hết các cơ quan, gây ra những triệu chứng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh.
Để hiểu rối loạn thần kinh thực vật là gì, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là hệ thần kinh thực vật. Theo đó, hệ thống thần kinh thực vật có nhiệm vụ kiểm soát một số chức năng cơ bản bao gồm các chức năng tiêu hóa, cảm giác, nhịp tim, nhịp thở và thân nhiệt.
Hệ thần kinh thực vật của con người bao gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Cụ thể:
- Hệ thần kinh giao cảm có nhiệm vụ kích hoạt các phản ứng khẩn cấp khi cần thiết, đóng vai trò kích thích các cơ quan.
- Hệ thần kinh phó giao cảm có nhiệm vụ giúp bảo tồn năng lượng và phục hồi các mô để duy trì các chức năng thông thường.
Rối loạn thần kinh thực vật là bệnh lý được định nghĩa là sự mất cân bằng giữa 2 hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Sự mất cân bằng này xảy ra khi các dây thần kinh bị tổn thương. Rối loạn thần kinh thực vật có thể dao động từ thể nhẹ đến mức đặc biệt nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân gây ra bệnh lý rối loạn thần kinh thực vật có thể chỉ ảnh hưởng tạm thời, nhưng một số trường hợp khác lại mạn tính hoặc kéo dài và có thể tiếp tục trở nặng theo thời gian. Ví dụ tiểu đường và Parkinson là hai tình trạng mạn tính có thể dẫn đến bệnh lý rối loạn thần kinh thực vật.
Đọc thêm:
11 nguyên nhân rối loạn thần kinh thực vật phổ biến
Kiểm tra bạn có mắc 2 dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật này không
Rối loạn thần kinh thực vật có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Rối loạn thần kinh thực vật có thể xuất phát từ một số bệnh lý hoặc xuất hiện do ác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây rối loạn thần kinh thực vật:
- Bệnh tiểu đường không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả. Khi tiểu đường không được điều trị hoặc có điều trị nhưng không đem lại hiệu quả sẽ gây tổn thương dây thần kinh ở khắp cơ thể. Qua đó, sự tích tụ protein bất thường trong các cơ quan ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thần kinh.
- Các bệnh tự miễn: Khi người bệnh mắc các bệnh tự miễn như hội chứng Sjogren, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp... hệ miễn dịch sẽ tấn công và làm tổn thương các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả dây thần kinh.
- Các nguyên nhân khác gây rối loạn thần kinh thực vật như tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc điều trị ung thư, các rối loạn di truyền..cũng có thể gây ra rối loạn thần kinh thực vật.
Khi người bệnh mắc rối loạn thần kinh thực vật ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu bệnh thường không rõ ràng và người bệnh cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, rối loạn thần kinh thực vật sẽ trở nặng, khiển người bệnh hoang mang, sợ hãi.
Rối loạn thần kinh thực vật có thể ảnh hưởng đến một phần nhỏ hoặc toàn bộ hệ thần kinh tự chủ của người bệnh.Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của rối loạn thần kinh thực vật:
- Nhịp tim nhanh bất thường. Đây là dấu hiệu thường gặp và dễ nhận biết nhất.
- Đau nhói vùng ngực hoặc đau thắt ngực.
- Chóng mặt, dễ ngất xỉu. Nguyên nhân của triệu chứng này là do nhịp tim quá nhanh khiến thiếu máu lên não hoặc hạ huyết áp tư thế một cách đột ngột.
- Khó thở, đặc biệt là ở những nơi tập trung nhiều người.
- Tay chân run và đổ mồ hôi nhiều. Dấu hiệu này là do hệ thần kinh thực vật bị kích thích quá mức.
- Mất ngủ. Đây là một trong những dấu hiệu thường gặp.
- Cơ thể thiếu sức sống, luôn mệt mỏi, uể oải.
- Gặp các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy, táo bón.
- Khó đi tiểu, tiểu không tự chủ.
- Gặp các vấn đề về thị lực như nhìn mờ, khó khăn khi lái xe ban đêm.
- Các vấn đề về tình dục: Nam giới khó xuất tinh hoặc duy trì tình trạng cương dương, nữ giới khô âm đạo hoặc khó đạt cực khoái....
Như vậy, rối loạn thần kinh thực vật có thể khác nhau về nguyên nhân, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng. Dưới đây là các rối loạn thần kinh thực vật phổ biến:
- Hội chứng nhịp đập nhanh tư thế: Hội chứng nhịp đập nhanh tư thế xuất hiện do sự tổn thương hệ thống thần kinh tự chủ. Triệu chứng của hội chứng này thường tăng lên khi ở tư thế đứng và giảm khi nằm xuống. Chẳng hạn, khi người bệnh ở tư thế đứng thẳng có thể gây ra chóng mặt, buồn nôn... nhưng khi nằm xuống sẽ giúp cải thiện các triệu chứng này.
- Bệnh teo đa hệ thống: Đây là một rối loạn thần kinh thực vật hiếm gặp thường xảy ra ở người lớn trên 40 tuổi. Triệu chứng của bệnh teo đa hệ thống giống với bệnh Parkinson.
- Ngất do cường phế vị: Đây là là trạng thái mất ý thức tạm thời do nhịp tim và huyết áp giảm đột ngột, từ đó làm giảm tuần hoàn máu não. Ngất do cường phế vị thường không gây nhiều nguy hiểm. Theo đó, người bệnh bị ngất xỉu có thể do mất nước, ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài, tác động bởi môi trường xung quanh và cảm xúc căng thẳng....
- Bệnh rối loạn thần kinh tự quản cảm giác di truyền: Tình trạng này có thể khiến người bệnh mất khả năng cảm giác đau, cảm nhận nhiệt độ và đồng thời ảnh hưởng đến một loạt các chức năng khác của cơ thể.
- Hội chứng Holmes-Adie: Đây là hội chứng chủ yếu ảnh hưởng đến các dây thần kinh kiểm soát cơ mắt, gây ra các vấn đề về thị lực cho người bệnh. Theo đó, một bên đồng tử có thể sẽ lớn hơn bên còn lại, và co lại từ từ dưới tác động của ánh sáng mạnh.
- Một số dạng khác của rối loạn thần kinh thực vật: Rối loạn thần kinh thực vật còn có một số loại khác liên quan tới những tổn thương dây thần kinh như bệnh tiểu đường, rối loạn tự miễn dịch, huyết áp cao không kiểm soát, bệnh Parkinson...
Rối loạn thần kinh thực vật là bệnh lý có thể gặp ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, có những đối tượng thường mắc bệnh lý này hơn những người khác.
Theo đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn thần kinh thực vật là hệ thống miễn dịch bị tấn công, tâm lý bị rối loạn hoặc các bộ phận của cơ thể bị tổn thương, các bệnh tự miễn hoặc do yếu tố di truyền.
Ngoài ra, những người mắc các bệnh lý liên quan tới tim mạch, bệnh tiểu đường hay ung thư...cũng làm tăng nguy cơ mắc rối loạn thần kinh thực vật.
Đọc thêm: 9 điều cần biết về rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật do nhiều nguyên nhân và có thể là biến chứng của nhiều bệnh lý. Vì thế, để chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám thực thể người bệnh. Theo đó, việc chẩn đoán thường có thể được thực hiện dựa trên các triệu chứng và tiền sử gia đình bệnh nhân.
Cụ thể, các xét nghiệm chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật bao gồm: xét nghiệm máu toàn bộ, xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện, phân tích nước tiểu, thử nghiệm Histamine..
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi rối loạn thần kinh thực vật là một rối loạn có ảnh hưởng đến chức năng tự động cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa, sự rối loạn này là do sự mất cân bằng giữa hai hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Điều trị bệnh lý này như thế nào là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh vì dù không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người bệnh.
Theo đó, điều trị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng. Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn thần kinh thực vật là do một bệnh lý nào đó thì điều quan trọng là phải kiểm soát căn bệnh đó càng sớm càng tốt.
Ví dụ, khi người bệnh bị rối loạn thần kinh thực vật do bệnh tiểu đường, bệnh nhân cần kiểm soát lượng đường trong máu bằng chế độ ăn uống, tập thể dục và sử dụng thuốc. Đối với các bệnh tự miễn, các bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thuốc để kiểm soát hệ thống miễn dịch và giảm viêm trong cơ thể.
Để kiểm soát các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho bệnh nhân cụ thể như sau:
- Người bệnh gặp các vấn đề về tiêu hóa: Người bệnh cần nâng đầu giường lên một chút để tránh ợ nóng. Các bác sĩ cũng cho bệnh nhân dùng thuốc: thuốc nhuận tràng và các loại khác để trị đau bụng, tiêu chảy. Đồng thời, người bệnh cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học,
- Vấn đề về tiết mồ hôi: Dùng vài loại thuốc có thể giúp bệnh nhân tiết ra ít mồ hôi hơn, bao gồm glycopyrrolate và botulinum toxin.
- Các vấn đề về tim và huyết áp: Người bệnh cần đứng lên từ từ để không bị chóng mặt. Bên cạnh đó, cần sử dụng thuốc để kiểm soát nhịp tim như thuốc chẹn beta, sử dụng thuốc làm tăng huyết áp như fludrocortison hoặc midodrine và pyridostigmine...
- Các vấn đề về tình dục: Đối với nam giới, các bác sĩ thường sẽ chỉ định người bệnh dùng các loại thuốc như sildenafil, tadalafil và vardenafil có thể giúp duy trì cương dương. Còn với phụ nữ có thể thử sử dụng chất bôi trơn gốc nước để làm cho quá trình quan hệ thoải mái hơn.
Trong điều trị rối loạn thần kinh thực vật, một trong những vấn đề quan trọng nhất là người bệnh cần có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý. Bạn có thể thực hiện bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng ít nhất 30 phút/ngày và giữ tinh thần thoải mái.
Người bệnh cần lưu ý trong quá trình điều trị, tinh thần lạc quan là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để cải thiện tình trạng bệnh.
Mặc dù đây là bệnh lý không nguy hiểm nhưng lâu dài có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
Theo đó, mỗi người nên thực hiện lối sống lành mạnh, luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan, yêu đời. Bên cạnh đó, việc tập thể dục đều đặn hàng ngày không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp giải tỏa căng thẳng, stress hiệu quả.
Ngoài ra, để phòng tránh rối loạn thần kinh thực vật, cần lưu ý không sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác. Việc kiểm soát căng thẳng, giảm stress cũng rất quan trọng. Vì thế, cần sắp xếp hợp lý giữa nghỉ ngơi và làm việc, không nên làm việc quá nhiều, không thức khuya thường xuyên.
Các bài tập hít thở sâu hoặc xoa vùng trên rốn hàng ngày sẽ có tác dụng rất tốt trong việc phòng và điều trị bệnh. Theo đó, có thể lựa chọn tập yoga tại nhà hoặc thiền định giúp tĩnh tâm, thư giãn và thả lỏng cơ thể hiệu quả.
Quan trọng hơn, khi bị các bệnh lý mà dễ dẫn tới rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh cần điều trị dứt điểm bệnh nền để tránh dẫn tới biến chứng rối loạn thần kinh thực vật.
Trên đây là tổng hợp những thông tin giải đáp cho câu hỏi rối loạn thần kinh thực vật là gì cũng như những kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị bệnh. Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ, bệnh nhân cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để đầy lùi các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật.