Bệnh rò hậu môn là căn bệnh khá nhạy cảm và khiến nhiều người e ngại, không đi thăm khám và chữa trị sớm dẫn đến nhiều biến chứng cũng như ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Rõ hậu môn được định nghĩa là tình trạng nhiễm khuẩn mạn tính và là căn bệnh phổ biến thứ 2 chỉ sau bệnh trĩ ở vùng hậu môn trực tràng. Đường rò là một đường hầm, do quá trình viêm mạn tính nên phía trong là một tổ chức hạt mạn tính.
Theo các bác sĩ, tình trạng rò hậu môn là hậu quả của một apxe quanh hậu môn trực tràng không được điều trị vỡ ra tạo thành đường rò. Như vậy rò hậu môn và áp xe trực tràng là 2 giai đoạn của một quá trình bệnh lý, trong đó áp xe trực tràng là giai đoạn cấp tính còn rò hậu môn là giai đoạn mãn tính.
Ở những bệnh nhân bị rò hậu môn sẽ xuất hiện những nốt nhỏ ở hậu môn và cả tầng sinh môn. Cụ thể, các nốt này thường xuyên chảy dịch vàng, có mùi hôi. Khi người bệnh xì hơi và phân sẽ bị rỉ qua lỗ rò khiến hậu môn xuất hiện mụn mủ, sưng nóng, có cảm giác căng rát, đau tức… Ngoài ra, những người mắc căn bệnh này khi quan hệ tình dục rất khó chịu và đau rát.
Rò hậu môn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng nhưng phổ biến hơn cả là những người ở độ tuổi trung niên. Rò hậu môn có nhiều mức độ khác nhau như rò hậu môn hoàn toàn, rò hậu môn không hoàn toàn, rò hậu môn đơn giản, phức tạp, rò hậu môn trong cơ thắt, ngoài cơ thắt, qua cơ thắt,…
Đọc thêm:
Polyp hậu môn là gì? Những điều cần biết về polyp hậu môn
Ngứa hậu môn là gì? Căn bệnh khó nói và 9 điều cần biết
Nhiều chuyên gia cho biết, rò hậu môn do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, như đã nói, nguyên nhân chủ yếu là bắt nguồn từ các áp xe hậu môn trực tràng không được điều trị hay điều trị không đúng lúc hoặc không đúng kỹ thuật.
Ngoài ra, rò hậu môn còn có thể là biến chứng sau phẫu thuật của các bệnh lý khác như trĩ, cắt tầng sinh môn, vi khuẩn lao, phẫu thuật trực tràng,…
Rò hậu môn cũng có thể xuất phát từ viêm ruột, ung thư hoặc chấn thương. Đa số những trường hợp bị rò hậu môn khi đến thăm khám thì tình trạng đã trở nên nghiêm trọng vì người bệnh thường chủ quan và có tâm lý ái ngại. Tuy nhiên, rò hậu môn nếu để trong thời gian dài có thể tiến triển thành ung thư hậu môn - trực tràng.
Những dấu hiệu của rò hậu môn thường thấy sau một thời gian ổ áp xe quanh hậu môn tự vỡ, vết thương tự liền lại được nhưng để lại một lỗ đóng vẩy khô thỉnh thoảng chảy mủ hoặc có dịch màu vàng mùi hôi, tái đi tái lại nhiều lần.
Cụ thể, khi bị rò hậu môn, cơ thể sẽ xuất hiện những triệu chứng dưới đây:
- Đau và sưng quanh hậu môn.
- Quanh hậu môn xuất hiện lỗ rò và có dịch chứa cả máu tiết ra, có mùi hôi.
- Vùng da quanh hậu môn bị kích ứng, ửng đỏ.
- Khi đi đại tiện có cảm giác đau rát.
- Chảy máu ở hậu môn.
- Cơ thể mệt mỏi, bị sốt do nhiễm trùng.
Dù không đe dọa trực tiếp tới tính mạng nhưng rò hậu môn có thể để lại nhiều tác hại khôn lường. Dưới đây là những tác hại của rò hậu môn.
- Rò hậu môn gây nhiễm trùng: Sở dĩ tình trạng rò hậu môn gây nhiễm trùng vì căn bệnh này gây ra hiện tượng lở loét, chảy mủ, cùng với đó là số lượng lớn các vi khuẩn ẩn nấp ở hậu môn, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
- Tăng số lượng đường rò, lỗ rò: Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, rò hậu môn sẽ lây lan khiến các cơ quan xung quanh hậu môn bị viêm nhiễm, từ đó số lượng lỗ rò, đường rò cũng sẽ tăng lên khiến hậu môn gặp trở ngại khi co bóp, ảnh hưởng đến việc đại tiện cũng như gây khó khăn trong quá trình điều trị.
- Rò hậu môn làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng: Đây là một nguy cơ nghiêm trọng cần lưu ý khi bị rò hậu môn. Nguyên nhân là vì khi rò hậu môn đa phát sẽ tạo ra các lỗ rò khác như: lỗ rò trực tràng bàng quang, trực tràng âm đạo,,…tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bộ phận xung quanh, thậm chí còn có thể dẫn đến ung thư trực tràng nếu không được điều trị kịp thời.
- Giảm chất lượng cuộc sống: Vì căn bệnh gây cho bệnh nhân có cảm giác khó chịu và đau đớn nên người bệnh thường chán nản, mệt mỏi, gây tác động tiêu cực tới công việc và đời sống hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Để điều trị bệnh rò hậu môn, các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ rò và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, cách điều trị hiệu quả và triệt để nhất là phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là để vá các nốt rò hậu môn.
Các bác sĩ cho biết muốn phẫu thuật rò hậu môn khỏi và không tái phát, phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Tìm được vị trí lỗ khuẩn.
- Lấy hết các xơ, phá hết các ngóc ngách.
- Không được làm tổn thương cơ thắt.
- Lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.
- Chăm sóc vết mổ rò hậu môn phải đảm bảo liền từ dưới lên, liền từ trong liền ra.
Thông thường, một cuộc phẫu thuật điều trị bệnh rò hậu môn sẽ diễn ra theo trình tự sau:
– Thăm khám để xác định chính xác tình trạng bệnh lý và tư vấn cách chữa trị phù hợp. Tùy tình hình các đường rò, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp.
– Bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ như siêu âm, chụp CT, chụp MRI… để đánh giá chính xác tình hình sức khỏe hiện tại cũng như xem xét kỹ hình ảnh, ngóc ngách các đường rò.
– Ca mổ sẽ được thực hiện trong phòng mổ vô khuẩn một chiều để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
– Tiến hành phẫu thuật: bác sĩ sẽ tiếp cận chính xác khu vực rò để lấy hết tổ chức xơ và phá hủy đường rò từ bên trong, cùng với đó bác sĩ kết hợp nạo sạch mủ trong lỗ rò, phá hết ngóc ngách của đường rò, đồng thời chặn đứng nguy cơ có thể xảy ra tình trạng rò tiếp theo. Còn phần nào đã hoại tử vì mủ xâm chiếm trước đó thì sẽ được cắt bỏ và cuối cùng là đóng kín lỗ rò bên trong lại.
- Trước khi phẫu thuật: Người bệnh cần ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ để ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi nhất. Thông thường, người bệnh sẽ nhịn ăn tuyệt đối trong khoảng 6 giờ đồng hồ trước khi phẫu thuật. Vì vị trí phẫu thuật nằm ở khu vực hậu môn, trực tràng nên 1 tiếng trước khi mổ người bệnh sẽ được sử dụng thuốc sổ với mục đích làm rỗng ruột già, tạo môi trường vô khuẩn trong phẫu thuật.
- Sau khi phẫu thuật: Bệnh nhân cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng của bác sĩ về những thực phẩm nên và không nên ăn. Bên cạnh đó, người bệnh lưu ý không vận động mạnh, không chơi thể thao
Khi phẫu thuật xong, bệnh nhân nên chăm sóc vùng hậu môn bằng cách ngâm hậu môn bằng nước ấm, kết hợp với Povidone ở nồng độ thích hợp theo chỉ định của bác sĩ. Việc ngâm hậu môn có mục đích khử trùng vết thương, giảm đau mau lành hơn.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý vết mổ nên được để mở, không băng kín. Khi vừa mổ xong, người bệnh nên sử dụng quần rộng rãi, thoáng mát và không nên mặc quần lót. Người bệnh cũng cần thay băng gạc thường xuyên vì vết thương có thể chảy dịch khiến gạc ướt và bẩn. Nếu băng gạc để lâu không thay sẽ là cơ hội để vi khuẩn xâm nhập và gây ra tình trạng viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần lưu ý không nên tắm bồn để hạn chế viêm nhiễm, không ngồi lâu một chỗ, không đứng quá nhiều, không được rặn quá mạnh khi đi vệ sinh, chú ý thăm khám để biết chính xác tình trạng vết thương sau mổ.
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với việc hồi phục sức khỏe sau mổ cũng như làm vết mổ nhanh lành. Sau đây là khuyến cáo của các bác sĩ về chế độ ăn uống dành cho người bệnh sau khi phẫu thuật rò hậu môn:
– Ưu tiên thực phẩm giàu vitamin và chất xơ để giúp vết thương chóng hồi phục như: các loại trái cây, rau củ tươi, các loại thực phẩm có tác dụng nhuận tràng, tốt cho hệ tiêu hóa.
– Uống đủ nước để quá trình trao đổi chất được hoạt động bình thường.
– Tiêu thụ những loại thực phẩm giàu protein như đậu, thịt…
–Hạn chế muối trong các món ăn, người bệnh nên ăn nhạt và ăn chín.
– Không ăn những thực phẩm cay nóng, gia vị không tốt cho sức khỏe, dầu mỡ chiên rán hay chất kích thích.
– Không nên ăn thịt cừu, hải sản....
Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh rò hậu môn cũng như quy trình mổ rò hậu môn và những lưu ý cần thiết trước cũng như sau khi mổ. Người bệnh cần lưu ý tuyệt đối không tự ý điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chữa trị kịp thời nếu có bất cứ dấu hiệu nào gây khó chịu ở vùng hậu môn.