Rau cải dại hay còn gọi là rau tề thái, cỏ tâm giác, tên khoa học là Capsella bursa pastoris (L.) Medic.,thuộc họ Chữ thập Brassicaceae (Cruciferae).
Rau cải dại có màu xanh lục, thân gầy và nhỏ, có lông mịn, phân nhánh hoặc không phân nhánh. Rau thường cao từ 20-40cm. Lá phần gốc mọc sát mặt đất, cuống ngắn hoặc không cuống; phiến lá xẻ thành nhiều răng cưa thô to và có lông nhỏ trên phiến lá. Phía trên của lá thì không có cuống, ôm lấy thân cây. Hoa cải dại nhỏ có 4 cánh màu trắng, mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá.
Rau cải dại có ăn được không? Đây là một loại rau họ cải, bạn có thể chế biến thành các món ăn như một loại rau thông thường. Vậy cây cải dại chữa bệnh gì?
Rau cải dại là một nguồn dinh dưỡng dồi dào, có chứa các chất dinh dưỡng sau:
- Vitamin A - đây là loại vitamin tham gia vào hệ thống miễn dịch, hệ thống sinh sản và rất quan trọng đối với thị lực.
- Vitamin C (axit ascorbic) - là chất chống oxy hóa cần thiết cho quá trình sản xuất collagen và phân hủy protein trong cơ thể.
- Axit linoleic - một loại axit béo omega-6 có thể bảo vệ tim.
- Axit béo không bão hòa đa Omega-3 - là nguồn năng lượng thiết yếu cho cơ thể.
Ngoài ra, rau cải dại có chứa thành phần hoạt tính khác như flavonoid, polypeptide, choline, acetylcholine, histamine, tyramine.
Đọc thêm:
+ Cải bẹ xanh: Loại rau có vị cay nồng được ví như "nữ hoàng vitamin K", tốt cho tim mạch và huyết áp
Rau cải dại có tác dụng gì? Từ xa xưa, cây cải dại được sử dụng như một loại thuốc thảo dược để chữa nhọt, sốt, rối loạn kinh nguyệt, bệnh đường tiêu hoá.
Trong y học hiện đại, một số nghiên cứu đã thực hiện về tác dụng của rau cải dại nhưng vẫn còn hạn chế. Mặc dù chưa thể kết luận chính xác nhưng rau cải dại có rất nhiều lợi ích tiềm năng đối với sức khoẻ. Đây cũng là một loại rau bổ dưỡng nên việc bạn bổ sung vào chế độ ăn uống một cách phù hợp cũng sẽ không gây hại gì.
Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cây cải dại có thể làm giảm sản xuất các hợp chất có hại trong cơ thể và cũng ngăn chặn một số quá trình viêm bằng cách ngăn chặn một số con đường trong cơ thể. (1)
Một nghiên cứu khác năm 2023 đã tìm hiểu xem chiết xuất từ cây cải dại có thể giúp giảm tổn thương tim do thuốc hóa trị doxorubicin gây ra hay không. Nghiên cứu phát hiện ra rằng loại cây này có thể giúp giảm căng thẳng oxy hóa, có thể liên quan đến tình trạng viêm. (2)
Tuy nhiên, cây cải dại chứa nhiều hợp chất khác nhau, chẳng hạn như flavonoid, ancaloit, sterol, axit béo và axit amin, và các nhà nghiên cứu không xác định được hợp chất cụ thể nào có tác dụng giảm viêm.
Cây cải dại chữa bệnh gì? Trong một số nghiên cứu cho thấy rau cải dại có thể hỗ trợ làm giảm các tình trạng chảy máu quá nhiều hoặc bị xuất huyết. Chẳng hạn như một nghiên cứu năm 2017 trên 100 phụ nữ bị xuất huyết sau sinh. Những người được dùng chiết xuất cây cải dại cộng với oxytocin ngay sau khi sinh ít bị chảy máu sau sinh hơn những người chỉ được tiêm oxytocin. Oxytocin là một loại hormone giúp ngăn ngừa chảy máu sau sinh. (3)
Hay trong một nghiên cứu năm 2018 trên 84 phụ nữ cũng phát hiện ra rằng những người dùng thuốc chống viêm axit mefenamic cùng với 1.280 miligam (mg) chiết xuất từ cây cải dại hàng ngày trong thời kỳ kinh nguyệt của họ đã giảm đáng kể tình trạng chảy máu kinh nguyệt so với những người chỉ dùng axit mefenamic. (4)
Bài thuốc từ cây cải dại giúp giảm xuất huyết hoặc chảy máu quá nhiều
+ Bài thuốc giảm kinh nguyệt quá nhiều: Rau cải dại khô 40g, nước 200ml, sắc còn 100ml; chia 3 lần uống trong ngày.
+ Bài thuốc chữa chảy máu cam: Sử dụng 30g rau cải dại tươi, 120g thịt lợn nạc; nấu canh ăn.
+ Bài thuốc cho các trường hợp sản hậu xuất huyết: Rau cải dại tươi 30g; sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày.
Ngoài 2 công dụng nổi bật trên, cây cải dại còn có nhiều công dụng khác đối với sức khoẻ như:
+ Hỗ trợ điều trị đục thuỷ tinh thể và nhiễm trùng
+ Giảm cholesterol, từ đó ngăn ngừa mỡ máu
+ Giúp giảm mỡ gan
+ Giảm bệnh trĩ
+ Một số công dụng chưa được khoa học nghiên cứu như giúp ngăn ngừa loét dạ dày, giảm sưng, hạ huyết áp, phòng ngừa ung thư, giảm triệu chứng viêm đường tiết niệu.
Mặc dù đã có những nghiên cứu và cho thấy kết quả tích cực từ cây cải dại, nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu khác trước khi đưa ra kết luận về những tác dụng này.
Chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng phụ của rau cải dại. Tuy nhiên, sử dụng cải dại ở chuột với liều cao có thể gây buồn ngủ, khó thở, giãn đồng tử. Nhưng lưu ý rằng tác dụng phụ ở động vật có thể không xảy ra ở con người.
Rau cải dại cũng có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc an thần và thuốc làm loãng máu. Do đó, nếu đang sử dụng bất kể loại thuốc nào, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiêu thụ loại rau này.
Bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ rau cải dại khi bạn có vấn đề về tuyến giáp, vì nó có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Ngoài ra, cũng không có dữ liệu nào xác nhận liệu loại cây này có an toàn cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú hay không.
Liều lượng khuyến cáo cho cây cải dại có thể khác nhau. Liều lượng cải dại được sử dụng trong các nghiên cứu như sau:
- Nhỏ 10 giọt dưới lưỡi để điều trị băng huyết sau sinh.
- 2 đến 4g hãm cùng nước sôi, sử dụng 2 đến 4 lần một ngày khi chảy máu kinh nguyệt quá nhiều.
Hy vọng qua bài biết bạn đã có câu trả lời cho vấn đề "cây cải dại chữa bệnh gì?". Mọi người có thể chế biến cây cải dại như một loại rau bình thường như nấu canh, xào,... Hoặc đem phơi khô và uống như một loại trà.
Nguồn tham khảo:
1. Shepherd's Purse: Uses and Safety
2. What to Know About Sheperd's Purse