Răng chết tủy phải làm sao? Điều trị răng chết tuỷ bằng cách nào?

Răng chết tủy phải làm sao? Điều trị răng chết tuỷ bằng cách nào?
Tủy răng có chức năng quan trọng cung cấp chất dinh dưỡng nuôi răng chắc khỏe. Rất nhiều người băn khoăn nếu răng chết tủy phải làm sao và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Tủy răng có vai trò là nuôi dưỡng răng và giúp răng nhận diện, cảm nhận môi trường bên ngoài. Khi tủy răng bị tổn thương, nó có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng, viêm thậm chí là chết tủy. Vậy bạn đã biết chết tủy là gì và răng chết tủy phải làm sao, điều trị như thế nào?

1. Răng chết tủy là gì?

Nằm sâu bên trong thân răng là tủy răng, chúng được bao bọc bởi men răng và ngà răng bên ngoài. Trong tủy răng có chứa nhiều dây thần kinh, các mao mạch bạch huyết, động mạch và tĩnh mạch.

Tủy răng tồn tại ở 2 dạng là ống tủy và buồng tủy. Ở các răng cửa chỉ có 1 ống tủy, các răng hàm sẽ có nhiều hơn, răng hàm nhỏ có 2 ống tủy và răng hàm lớn có từ 3 đến 4 ống tủy. Khi người bệnh bị viêm tủy lâu ngày không điều trị, vi khuẩn tấn công dẫn đến nhiễm trùng và cuối cùng là chết tủy.

Răng chết tủy phải làm sao? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị  răng chết tủy - Ảnh 2.

Hình ảnh răng bị chết tủy (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

- Bệnh viêm tủy răng có nguy hiểm không?

- Viêm tuỷ răng là gì và các giai đoạn của bệnh?

2. Nguyên nhân

Các nguyên nhân gây ra chết tủy răng có thể bao gồm do răng bị mẻ, vỡ và do nhiễm trùng nướu. Trong đó:

- Sâu răng là nguyên nhân phổ biến nhất gây chết tủy. Răng sâu có thể được trám lại và trở nên bình thường. Tuy nhiên nếu để lâu, lỗ sâu sẽ ăn vào đến buồng tủy khiến tủy bị tổn thương nặng dần và chết tủy.

- Mẻ, vỡ nứt răng do tai nạn hoặc va đập từ bên ngoài cũng là nguyên nhân khiến tủy không còn được bảo vệ bởi men răng và ngà răng. Các mạch máu và hệ thống dây thần kinh bị tổn thương lâu ngày khiến tủy mất khả năng hoạt động và hoại tử.

Răng chết tủy phải làm sao? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị  răng chết tủy - Ảnh 3.

Sâu răng là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chết tủy răng (Ảnh: Internet)

- Viêm nha chu, viêm chân răng hay các trường hợp nhiễm trùng nướu... cũng khiến tình trạng chảy máu và có mủ xảy ra. Vi khuẩn sẽtấn công vào chân răng, các ống tủy rồi lan sang buồng tủy gây viêm nhiễm và chết tủy.

3. Triệu chứng khi răng chết tủy

Khi tủy nhiễm trùng hoặc thậm chí hoại tử, có thể hình thành mủ ở chóp chân răng. Tình trạng này không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến áp xe. Áp xe phá hủy cấu trúc xương quanh răng và gây cảm giác đau nhức khó chịu.

Đặc biệt, các cơn đau nhức sẽ xảy ra thường xuyên hơn vào ban đêm. Nướu của người bệnh sẽ sưng tấy và răng dễ bị gãy, vỡ. Các triệu chứng của bệnh nhân sẽ khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn, mức độ tổn thương của răng.

- Giai đoạn viêm tủy hồi phục. Đây là giai đoạn mà nếu được phát hiện thì tủy có khả năng hồi phục. Tại thời điểm này, các cơn đau nhức xuất hiện, nặng nhất là đêm. Tình trạng ê buốt răng cũng xuất hiện. Các dấu hiệu đặc biệt rõ ràng và dai dẳng khi người bệnh ăn đồ nóng, lạnh.

- Giai đoạn viêm tủy không phục hồi. Những cơn đau nhức ở giai đoạn này sẽ xuất hiện thường xuyên và kéo dài hơn. Đôi khi cơ đau có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Nếu nướu răng bị tổn thương, chúng sẽ sinh mủ và đẩy các mô thịt lên trên gây ê buốt dữ dội.

- Giai đoạn hoại tử tủy. Đây là giai đoạn răng đã chết tủy, mức độ khá nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể không còn cảm thấy đau nhức nhưng răng đã lung lay, gãy, thậm chí rơi khỏi hàm.

4. Răng chết tủy có nguy hiểm không?

Răng chết tủy nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng viêm quanh chóp chân răng, áp xe quanh chóp răng, viêm quanh cuống răng. Thậm chí căn bệnh này có thể dẫn đến rụng răng, viêm xương và viêm hạch rất nguy hiểm với sức khỏe người mắc phải.

Bên cạnh đó, răng bị chết tủy lâu ngày cũng sẽ trở nên giòn và dễ vỡ hơn khi gặp tác động mạnh. Nếu không có giải pháp điều trị kịp thời thì sẽ bị mất răng vĩnh viễn.

5. Răng chết tủy phải làm sao?

Các bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt đã chỉ ra rằng, chỉ nên nhổ răng chết tủy khi mà không còn có thể bảo tồn được chức năng nhai của răng. Hay nói cách khác, nếu răng đã chết tủy nhưng vẫn còn chức năng nhai thì các bác sĩ sẽ tìm cách khắc phục, bảo tồn. Nếu răng đã bị tổn hại nghiêm trọng, nhổ răng sẽ được chỉ định để để bảo vệ các răng bên cạnh.

Răng chết tủy phải làm sao? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị  răng chết tủy - Ảnh 4.

Các bước điều trị bảo tồn cho răng chết tủy nhưng vẫn còn chức năng nhai (Ảnh: Internet)

Nếu đã được bác sĩ chỉ định phải nhổ răng, việc trồng răng bằng phương pháp cấy ghép implant rất cần thiết để tránh tiêu xương dẫn tới biến dạng khuôn mặt. Tuy nhiên nếu chỉ cần điều trị bảo tồn răng, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước như sau:

- Mở tủy là bước đầu tiên cần thực hiện, với các răng trước sẽ mở từ mặt sau và mặt nhai đối với các răng hàm.

- Tiếp theo, bác sĩ sẽ lấy hết tủy bệnh, làm sạch buồng tủy và ống tủy kết hợp với làm rộng và tạo dạng để chuẩn bị trám bít. Nếu cần thực hiện nhiều lần và cách ngày, bác sĩ sẽ đặt miếng trám tại lỗ sâu để bảo vệ răng giữa các lần hẹn.

- Sau đó, các miếng trám tạm được tháo bỏ, trám bít buồng tủy và ống tủy. Sử dụng gutta-percha chèn vào trong từng ống tủy,và hàn chặt vào đó bằng xi măng.

- Cuối cùng, mão răng sẽ được đặt lên trên thân răng đã được điều trị tủy để phục hồi lại hình dáng tự nhiên. Nếu răng đã bị vỡ quá lớn thì có thể phải đặt chốt để gia cố trước khi bọc mão.

Tình trạng răng chết tủy phải làm sao? Thực tế, nếu được chăm sóc đúng cách, răng chết tủy sẽ được phục hồi và có thể không cần thay thế suốt đời. Để chắc chắn đã điều trị thành công, bạn có thể chụp X - quang so sánh răng trước và sau khi điều trị. Việc này sẽ giúp phát hiện liệu xương có tiếp tục bị tiêu hay chúng đang được tái tạo.


Tác giả: Anh Dũng