Bị rạn da sau sinh là tình trạng da bị tổn thương do lực căng quá mức. Các tổn thương thường là các đường rãnh nhỏ kéo dài. Ban đầu nó có màu đỏ hoặc đỏ tía, sau đó trắng dần lên, rõ trên da. Rạn da thường xuất hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Tuy nhiên, sau sinh thì các vết rạn này lõm sâu hơn, xuất hiện rõ ràng hơn.
Theo thống kê, có tới 90% phụ nữ bị rạn da sau sinh. Đa số các trường hợp rạn da sau sinh xảy ra ở bụng. Một số khác có thể gặp vết rạn ở cả đùi, mông và ngực.
Rạn da sau sinh không gây đau hay nguy hiểm gì cho sức khỏe. Nếu có, đôi khi sản phụ sẽ cảm thấy ngứa ở vùng da bị rạn. Nguyên nhân là do vùng da bị rạn trở nên nhạy cảm hơn, cơ địa bà bầu lại dễ dị ứng. Khi gặp các tác nhân thì thời tiết hanh khô hoặc bụi bẩn thì dễ bị ngứa. Tuy nhiên, hiện tượng ngứa sẽ mau chóng mất đi. Mặc dù rạn da sau sinh khá lành tính, nhưng nó lại ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ, khiến mẹ bầu luôn cảm thấy tự ti.
Nguyên nhân dẫn đến rạn da sau sinh là do bụng to nhanh để mở rộng không gian cho thai nhi phát triển. Trọng lượng cơ thể người mẹ tăng nhiều và nhanh trong thai kỳ cũng khiến cho da bị kéo giãn đột ngột. Da bụng, da đùi, da ngực bị kéo căng không kịp thích ứng, khiến các sợi collagen và elastine bị đứt gãy, da mất đàn hồi, tạo thành các vết rạn.
Ngoài việc tăng kích thước bụng và tăng cân nhanh, có một số yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng rạn da sau sinh là:
- Rạn da sau sinh có tính di truyền. Nếu mẹ hoặc chị em gái của bạn từng bị rạn da sau sinh thì bạn có nguy cơ rất cao cũng bị.
- Mang thai khi tuổi đã lớn, da đã bị lão hóa, sẽ dễ bị tổn thương và xuất hiện các vết rạn hơn.
- Những người không có thói quen luyện tập thể dục và chăm sóc da thường xuyên thì da yếu hơn, kém đàn hồi hơn, dễ bị rạn da sau sinh hơn.
Để phòng tránh rạn da sau sinh thì các mẹ cần có biện pháp chăm sóc da ngay từ khi biết mình mang thai:
- Uống đủ nước, ăn đủ chất để cung cấp độ ẩm và dinh dưỡng cho da, da sẽ khỏe mạnh và đàn hồi tốt hơn.
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý để tránh lão hóa da sớm.
- Từ những ngày đầu mang thai, chăm chỉ thoa kem dưỡng hoặc các tinh dầu tốt cho da (như dầu dừa, dầu oliu) vào những vùng da có nguy cơ bị rạn cao như bụng, đùi, ngực và mông.
Xóa bỏ các vết rạn da sau sinh là điều khá khó. Để điều trị rạn da sau sinh, mọi người cần kiên trì và thử nhiều phương pháp.
- Đối với các vết rạn sau sinh nhỏ và mờ, mọi người có thể tự điều trị tại nhà bằng các thoa kem trị rạn hoặc dùng tinh dầu để massage. Các nguyên liệu điều trị rạn da sau sinh tại nhà hiệu quả nhất là dầu dừa nguyên chất, dầu oliu, nước cốt chanh trộn sữa tươi, lòng trắng trứng gà, vitamin E,....
- Đối với các vết rạn sau sinh nghiêm trọng, mẹ cần phải điều trị bằng các phương pháp hiện đại hơn như chiếu laser, lăn kim, thoa kem đặc trị, phẫu thuật thẩm mỹ,....
Trong quá trình điều trị rạn da sau sinh, các mẹ nhớ ăn uống đủ chất và không quên dưỡng da để da nhanh hồi phục hơn, việc điều trị có hiệu quả tốt hơn. Điều quan trọng là mẹ hãy sắp xếp thời gian điều trị rạn da sau sinh sớm nhất có thể nhé. Để càng lâu, các vết rạn xơ hóa thì việc điều trị càng trở nên khó khăn.