Quy trình rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm

Quy trình rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm
Việc điều trị ngộ độc thực phẩm tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của nó. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng thì việc rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm là cần thiết.

1. Khi nào cần rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm?

Trong hầu hết các trường hợp, ngộ độc thực phẩm có thể được giải quyết nhanh chóng mà không cần điều trị đặc biệt. Chủ yếu là chăm sóc, bù nước, bù điện giải. Có thể sử dụng thuốc kháng sinh nếu bị nhiễm trùng.

Trong khi đó, rửa dạ dày là phương pháp dùng lượng lớn nước để làm sạch đường tiêu hóa, ngăn chặn sự hấp thụ độc tố. Nó thường gây rối loạn nước và điện giải nên ít khi bác sĩ áp dụng rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm.

Rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm thường áp dụng trong các trường hợp sau:

- Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nặng, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hoặc nguy hiểm cho tính mạng. Ví dụ như ngộ độc nấm, cá nóc, cóc, thuốc trừ sâu,...

- Bệnh nhân bị ngộ độc nghiêm trọng mà không thể gây nôn được. Ví dụ như trường hợp hôn mê, rối loạn ý thức, giảm hoặc mất phản xạ nôn,...

- Rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm càng sớm càng tốt. Nếu kịp thời rửa dạ dày trong vòng 1 giờ sau khi ăn thực phẩm có chứa độc tố thì có thể loại bỏ được 80% lượng độc chất ra khỏi cơ thể. Sau 6 giờ, độc tố đã được hấp thu phần lớn, việc rửa dạ dày không còn nhiều tác dụng.

Quy trình rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh 2.

Bộ dụng cụ rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm. (Ảnh Internet)

2. Quy trình rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm

Bước 1: Chuẩn bị rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm

- Nếu bệnh nhân vẫn tỉnh táo thì cần giải thích trước khi rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm để bệnh nhân hợp tác.

- Cho bệnh nhân ngồi trên ghế tựa, đầu hơi ngả về phía trước. Nếu để bệnh nhân nằm thì cần kê đầu hơi cao. Choàng nilon trước ngực, che kín cho bệnh nhân. Đặt thùng đựng nước thải trên sàn nhà.

- Chuẩn bị dịch rửa dạ dày. Thông thường, bác sĩ sẽ dùng nước ấm để rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm. Trong trường hợp đã xác định rõ được chất độc thì bác sĩ có thể pha thêm thuốc để trung hòa chất độc thành không độc. Chẳng hạn như ngộ độc sắn sẽ dùng dung dịch xanh metylen để rửa dạ dày.

- Bác sĩ tiến hành đặt ống xông để rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm cho bệnh nhân. Ống xông đặt đường miệng sẽ to hơn ống xông đặt đường mũi. Đưa từ từ đến khi đầu ống xông vào đến dạ dày thì sẽ sấy có dịch và thức ăn chảy ra trong lòng ống. Điều chỉnh để đầu ống xông luôn ở vị trí thấp nhất trong dạ dày. Cố định đầu ống xông ở ngoài.

rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm

Đặt ống xông qua đường miệng để rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm. (Ảnh Internet)

- Nối túi đựng dịch rửa dạ dày với đầu ngoài ống xông. Treo túi lên cao cách mặt giường khoảng 1m. Còn túi đựng dịch ra thì đặt thấp hơn mặt giường.

Bước 2: Tiến hành rửa dạ dày

- Đóng khóa đường dịch ra. Mở khóa đường dịch vào. Khi cho dịch chảy nhanh vào dạ dày được khoảng 200ml thì đóng khóa đường dịch vào lại.

- Bác sĩ sẽ dùng tay xoa bóp và ép vùng thượng vị để thức ăn có chứa độc chất bị hòa loãng trong dịch. Mở khóa đường dịch ra. Đồng thời ép và xoa bụng để dịch chảy ra nhanh hơn. Đợi cho đến khi chảy hết số lượng dịch được đưa vào.

- Lặp lại cho đến khi dịch dạ dày chảy ra trong. Thông thường sẽ rửa hết khoảng 3 - 5 lít dịch. Chú ý luôn quan sát người bệnh kỹ càng. Ngừng rửa khi dịch chảy ra có lẫn máu hoặc bệnh nhân kêu đau bụng.

- Kết thúc quá trình rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm, bác sĩ sẽ rút ống xông. Cho bệnh nhân lau và súc miệng. Tháo bỏ áo nilon. Cho bệnh nhân nằm nghỉ và dặn dò những điều cần chú ý sau khi rửa dạ dày.


Tác giả: Mai Nhung