Quy trình phẫu thuật điều trị ung thư xương

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Quy trình phẫu thuật điều trị ung thư xương
Điều trị ung thư xương bằng phương pháp phẫu thuật phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Trước khi tiến hành phẫu thuật người bệnh phải trải các bước xét nghiệm hình ảnh và sinh thiết ung thư.

Phẫu thuật là phương pháp tối ưu có tác dụng loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư xương. Để tiến hành phẫu thuật, người bệnh phải trải qua một quy trình điều trị ung thư xương bài bản. Thông thường, quá trình này sẽ bao gồm các bước sau đây:

1. Chẩn đoán bằng các xét nghiệm hình ảnh

Trước khi phẫu thuật điều trị ung thư xương, người bệnh sẽ phải trải qua các xét nghiệm hình ảnh. Các xét nghiệm này giúp bác sĩ định hình vị trí và kích thước của các khối u xương. Đồng thời, chúng giúp bác sĩ xác định mức độ ảnh hưởng của khối u đối với các bộ phận khác. 

Dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng bệnh, người bệnh sẽ được chỉ định các loại xét nghiệm khác nhau. Các loại xét nghiệm hình ảnh trong điều trị ung thư xương bao gồm:

Chụp X- quang: Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng đầu tiên khi người bệnh có dấu hiệu đau xương. Hình ảnh từ phim X-quang có thể cho thấy các phản ứng màng xương, gián đoạn xương mất chất khoáng...

Chụp xạ hình xương: Xạ hình xương cho hình ảnh tổng quát toàn bộ hệ thống xương, giúp phát hiện các tổn thương lành tính và ác tính.

Chụp cắt lớp vi tính (CT): Giúp phát hiện được hình ảnh u xương, kích thước hình dạng, vị trí chính xác của khối u.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI không chỉ giúp xác định các khối u mà còn phát hiện tình trạng xâm lấn tủy và các mô xung quanh.

Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET): Là kỹ thuật dùng một lượng glucose phóng xạ vừa đủ và đưa vào mạch máu của người bệnh. Lượng glucose phóng xạ này sẽ di chuyển theo mạch máu vào đến xương và được chụp lại bằng máy. Phương pháp này tạo ra hình ảnh về vị trí của các tế bào có bất thường chuyển hóa trong cơ thể.  

2. Sinh thiết ung thư trong quy trình điều trị ung thư xương

Sinh thiết ung thư là biện pháp được sử dụng khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh mắc ung thư xương. Sinh thiết trong điều trị ung thư xương được thực hiện bằng cách lấy một mẫu mô (sinh thiết) khỏi khối u để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sinh thiết sẽ cho thấy mẫu mô có tế bào ung thư hay không. Đồng thời, giúp các bác sĩ biết được tế bào khối u đang phát triển đến giai đoạn nào.

Các loại thủ tục sinh thiết được sử dụng để chẩn đoán ung thư xương bao gồm:

Sinh thiết kim: Khi sinh thiết bằng kim, bác sĩ sẽ đưa một cây kim mỏng xuyên qua da của người bệnh và hướng thẳng đến các khối u. Bằng cách này, bác sĩ sẽ lấy được mẫu mô từ các cơ quan hoặc khối u dưới da.

Sinh thiết mở: Bác sĩ sẽ dùng dao mổ lấy một mẫu mô từ khối u hoặc khoét bỏ toàn bộ nếu khối u vẫn còn nhỏ. Nếu khối u được xác định là lành tính thì người bệnh không cần phải điều trị ung thư xương nữa. Còn nếu khối u được xác định là ung thư, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị tiếp tục.

3. Tiến hành phẫu thuật điều trị ung thư xương

Bước cuối cùng trong quy trình phẫu thuật điều trị ung thư xương là tiến hành phẫu thuật. Mục tiêu của việc phẫu thuật là giải quyết tận gốc khối u, loại bỏ các tế bào ung thư. Do đó, ngoài khối u các bác sĩ sẽ loại bỏ thêm các mô lành tính xung quanh khối u. Bởi các mô lành tính này có thể là tác nhân khiến bệnh ung thư xương tái phát trở lại.

Phụ thuộc vào vị trí và diễn tiến bệnh mà các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư xương phù hợp. Nếu các khối u xương nằm tại các chi thì phương pháp phẫu thuật thường là cắt cụt chi hoặc phẫu thuật bảo tồn chi. Còn đối với các vị trí u xương khác, phương pháp được sử dụng sẽ là nạo (Curettage), phẫu thuật lạnh (Cryosurgery), hoặc xi măng xương (Bone cement).

Mỗi phương pháp điều trị ung thư xương sẽ có tỷ lệ thành công và thời gian phục hồi khác nhau. Nhưng nhìn chung, thời gian phục hồi sau phẫu thuật phụ thuộc rất lớn vào việc tập luyện phục hồi chức năng của người bệnh.

Hiệu quả của phẫu thuật điều trị ung thư xương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật thì một quy trình điều trị chuẩn cũng đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, để đảm bảo chất lượng điều trị, người bệnh nên thăm khám và điều trị tại các bệnh viện uy tín trong điều trị ung thư xương. 


Tác giả: Thùy Dung