Quy trình nuôi ăn bằng ống và những điều cần lưu ý

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Quy trình nuôi ăn bằng ống và những điều cần lưu ý
Nuôi ăn bằng ống đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, nhưng cũng kèm theo đó là các rủi ro. Vì vậy, người chăm sóc cần tìm hiểu kỹ quy trình nuôi ăn bằng ống và những điều cần lưu ý để hỗ trợ bệnh nhân hiệu quả nhất.

1. Hướng dẫn quy trình nuôi ăn bằng ống

Bước 1: Chuẩn bị

- Rửa tay bằng xà bông hoặc bằng các dung dịch sát khuẩn để giảm nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân.

- Chuẩn bị dụng cụ: Sắp đầy đủ các dụng cụ cần thiết trước khi cho bệnh nhân ăn để việc cho ăn diễn ra thuận lợi hơn, tránh làm gián đoạn quy trình nuôi ăn bằng ống vì thiếu dụng cụ. Các dụng cụ cần thiết là: khăn bông sạch, phễu dẫn thức ăn, bình đựng thức ăn, ly nước đun sôi để nguội.

- Chuẩn bị cho người bệnh: Cho người bệnh ngồi hoặc nằm cao đầu khoảng 30 độ. Choàng khăn bông sạch qua cổ để hứng thực phẩm vương vãi ra ngoài (nếu có).

Bước 2: Cho ăn

- Gắn phễu vào đầu ống để đưa thức ăn vào ống dễ dàng hơn, không bị rớt ra ngoài. Trong suốt quy trình nuôi ăn bằng ống, để phễu lên cao, cách dạ dày bệnh nhân khoảng 20cm.

- Đổ khoảng 20ml nước sôi để nguội vào phễu để tráng ống, giúp ống trơn hơn, thức ăn di chuyển vào dạ dày dễ dàng hơn, hạn chế bám dính thức ăn trong lòng ống, tránh trường hợp bị tắc ống thông.

- Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn. Nhiệt độ lý tưởng nhất là khoảng 30 - 40 độ C, bằng nhiệt độ cơ thể.

- Từ từ cho thức ăn vào trong phễu với áp lực nhẹ, nhưng cần cho liên tục để tránh bọt khí vào dạ dày, sẽ làm bệnh nhân bị đầy hơi, chướng bụng. Không nên cho ăn quá nhanh, có thể làm bệnh nhân bị sặc, nghẹn hoặc kích thích dạ dày. Mỗi bữa cũng chỉ nên cho bệnh nhân ăn khoảng 300 - 400ml thức ăn.

- Khi bệnh nhân ăn xong, tráng sạch lại ống bằng cách đổ nước đun sôi để nguội vào phễu. 

Bước 3: Thu dọn

- Bỏ phễu, lau khô và gập kín đầu ống lại để tránh thức ăn trào ngược. Có thể bọc đầu ống bằng 1 túi nilon sạch để tránh bụi bẩn. Cố định đầu ống thông ở đầu giường, hoặc cố định trên vai áo bệnh nhân nếu người bệnh thường xuyên di chuyển. Đảm bảo ống thông gọn gàng, hạn chế va chạm, làm xê dịch vị trí của ống.

- Tháo khăn choàng ở cổ, lau sạch mũi và miệng cho bệnh nhân.

- Kết thúc quy trình nuôi ăn bằng ống, rửa sạch các dụng cụ, tiệt trùng, sấy khô, để ở nơi sạch sẽ.

2. Những lưu ý khi nuôi ăn bằng ống

- Sau khi kết thúc quy trình nuôi ăn bằng ống, cần giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế ngồi hoặc nằm cao đầu ít nhất 30 phút để tránh tình trạng trào ngược thức ăn.

- Cần kiểm tra chắc chắn ống thông ở đúng vị trí mới bắt đầu tiến hành quy trình nuôi ăn bằng ống.

- Dụng cụ và thực phẩm cần đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân. Bởi đa số những bệnh nhân nuôi ăn bằng ống đều có sức khỏe và sức đề kháng rất kém. Thực phẩm cho bệnh nhân nuôi ăn bằng ống có thể mua sẵn, hoặc tự gia đình chế biến, tùy vào điều kiện kinh tế.

- Thay ống theo định kỳ hoặc thay sớm hơn nếu ống bị bẩn.

- Trong suốt quy trình nuôi ăn bằng ống, cần theo dõi bệnh nhân sát sao. Khi thấy bệnh nhân có biểu hiện nôn hoặc khó thở thì cần dừng cho ăn và liên hệ ngay với bác sĩ.

Ăn qua ống thông là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân gặp khó khăn trong ăn uống, nhưng kèm theo đó cũng là rất nhiều rủi ro. Chính vì vậy, người chăm sóc cần tìm hiểu, thực hiện chính xác quy trình nuôi ăn bằng ống để hỗ trợ bệnh nhân hiệu quả hơn. Người chăm sóc cần liên hệ với bác sĩ khi thấy có các dấu hiệu bất thường như: tiêu chảy, nôn, đỏ và sưng đau vị trí đặt ống thông, tiết dịch hôi,....


Tác giả: Mai Nhung