Quy trình ghép tế bào gốc diễn ra như thế nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Quy trình ghép tế bào gốc diễn ra như thế nào?
Ghép tế bào gốc có 2 phương pháp là ghép tự thân và dị ghép. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp ghép khác nhau. Hiểu rõ quy trình ghép tế bào gốc sẽ giúp bệnh nhân chuẩn bị tốt hơn.

1. Quy trình ghép tế bào gốc tự thân

Ghép tế bào gốc tự thân là phương pháp lấy chính tế bào gốc từ bệnh nhân ghép lại cho họ. Quy trình ghép tế bào gốc tự thân gồm có 4 bước:

- Bước 1: Chuẩn bị tế bào gốc

Bác sĩ sẽ lựa chọn nguồn tế bào gốc từ tủy xương, máu ngoại vi, hoặc lấy từ máu cuống rốn. Trong đó lấy tế bào gốc từ máu ngoại vi là phổ biến nhất.

Tiêm thuốc kích bạch cầu vào bệnh nhân, khi đạt đủ số lượng tế bào thì tiến hành thu thập tế bào gốc. Dùng máy tách tế bào trong túi tế bào gốc. Tế bào gốc cần được lưu trữ trong nito lỏng ở -196 độ C. Nếu lưu trữ ở 2 đến 8 độ C thì chỉ lưu trữ được 72 giờ.

- Bước 2: Điều trị điều kiện hóa cho bệnh nhân

Tùy và tình trạng sức khỏe và loại bệnh mà bệnh nhân mắc phải, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau nhằm giúp bệnh nhân có đủ điều kiện tham gia quy trình ghép tế bào gốc.

- Bước 3: Truyền tế bào gốc

Sau khi kết thúc điều trị điều kiện hóa khoảng 24 giờ, bác sĩ sẽ tiến hành quy trình ghép tế bào gốc. Trong khi truyền tế bào gốc, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao để kịp thời xử lý biến chứng, nếu có.

- Bước 4: Theo dõi bệnh nhân sau quy trình ghép tế bào gốc

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ở lại viện để bác sĩ theo dõi và đánh giá hiệu quả truyền tế bào gốc. Bệnh nhân chỉ được xuất viện sau khi đã được bác sĩ đánh giá đủ điều kiện và dặn dò tái khám.

2. Quy trình ghép tế bào gốc đồng loại

Ghép tế bào gốc đồng loại còn gọi là dị ghép, là phương pháp truyền tế bào gốc tạo từ máu của người thân tương thích với bệnh nhân.

Quy trình ghép tế bào gốc đồng loại gồm 5 bước:

- Bước 1: 

Kiểm tra độ tương thích tế bào gốc giữa người cho và người nhận qua xét nghiệm HLA. Xét nghiệm HLA là 1 loại xét nghiệm máu kiểm tra xem kháng nguyên bạch cầu của người cho có phù hợp để cấy sang người nhận hay không. Nếu phù hợp thì bác sĩ sẽ tiến hành bước 2.

- Bước 2:

Kiểm tra sức khỏe lâm sàng của người cho và nhận để xét điều kiện thực hiện cấy ghép. Các xét nghiệm gồm điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu. Kiểm tra chức năng gan, phổi, thận và các bệnh truyền nhiễm.

- Bước 3: Chuẩn bị khối tế bào gốc.

Đây là bước phức tạp nhất trong quy trình ghép tế bào gốc, là bước chuẩn bị khối tế bào gốc.

Bác sĩ thường sẽ lựa chọn nguồn tế bào gốc từ máu ngoại vi. Tiêm thuốc kích bạch cầu vào người cho, khi đạt đủ số lượng tế bào thì tiến hành thu thập tế bào gốc. Dùng máy tác tế bào trong túi tế bào gốc. Tế bào gốc cần được lưu trữ trong nito lỏng ở -196 độ C. Nếu lưu trữ ở 2 đến 8 độ C thì chỉ lưu trữ được 72 giờ.

Trong thời gian chuẩn bị tế bào gốc, bác sĩ cũng đồng thời tiến hành điều trị điều kiện hóa cho bệnh nhân, nhằm giúp bệnh nhân đủ điều kiện và sức khỏe thực hiện quy trình ghép tế bào gốc. Tùy từng bệnh và tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị điều kiện hóa khác nhau.

- Bước 4: Truyền tế bào gốc

Sau khi bệnh nhân kết thúc điều trị điều kiện hóa khoảng 24 - 48 giờ thì bác sĩ sẽ tiến hành truyền tế bào gốc.

- Bước 5: Theo dõi bệnh nhân

Sau khi kết thúc quy trình ghép tế bào gốc, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ở lại viện để bác sĩ theo dõi và xử lý các biến chứng (nếu có) sau ghép. Bệnh nhân chỉ được ra viện khi được các bác sĩ đánh giá đủ điều kiện xuất viện và dặn dò tái khám.


Tác giả: Mai Nhung