Quy trình chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp được thực hiện như thế nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Quy trình chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp được thực hiện như thế nào?
Bệnh viêm khớp dạng thấp là căn bệnh liên quan đến xương khớp khá phổ biến hiện nay. Trước khi điều trị, người bệnh sẽ được chẩn đoán bằng một quy trình chẩn đoán nghiêm ngặt và bài bản.

Bệnh viêm khớp dạng thấp thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu do biểu hiện bệnh tương đối giống với các căn bệnh khác. Do đó, để chẩn đoán chính xác, người bệnh phải trải qua khá nhiều xét nghiệm và kĩ thuật chẩn đoán. Cùng tìm hiểu về quy trình thăm khám bệnh viêm khớp dạng thấp trong bài viết sau đây.

1. Hỏi bệnh sử và khám thực thể 

Hỏi bệnh sử là bước đầu tiên và không thể thiếu trong quy trình chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Người bệnh sẽ được yêu cầu điền vào bảng hỏi hoặc trả lời trực tiếp câu hỏi của bác sĩ. Nội dung của bảng hỏi và các câu hỏi của bác sĩ sẽ xoay quanh những vấn đề sau:

- Tiền sử bệnh của gia đình: Gia đình người bệnh có tiền sử mắc các bệnh về xương khớp, đặc biệt là bệnh viêm khớp dạng thấp hay không?

- Thời gian bệnh khởi phát.

- Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp và người bệnh gặp phải.

- Các phương pháp điều trị mà người bệnh đã sử dụng trước khi đến gặp bác sĩ.

Sau khi nắm được bệnh sử của người bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành một số bước kiểm tra bên ngoài. Các bước kiểm tra này nhằm mục đích xác định vị trí khớp có tình trạng sưng, đau hoặc viêm. Tại bước này, bác sĩ sẽ tiến hành quan sát bằng mắt thường hoặc ấn nhẹ vào các vùng sưng, đau. Người bệnh có khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp khi bác sĩ phát hiện những biểu hiện bên ngoài sau:

- Có các khớp bị sưng nhưng không phải do chấn thương hoặc do tụ dịch khớp.

- Có ít nhất 1 khớp nhỏ bị sưng tại các bộ phận như: ngón tay, ngón chân, cổ tay…

- Tình trạng viêm khớp có biểu hiện đối xứng ở 2 bên cơ thể.

2. Thực hiện một số xét nghiệm bắt buộc

Khi đã xác định được vị trí nghi viêm khớp dạng thấp, người bệnh sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh làm xét nghiệm máu và các xét nghiệm hình ảnh.

Xét nghiệm máu có thể cho biết tốc độ lắng máu (ESR) và protein phản ứng C (CRP) diễn ra trong cơ thể người bệnh. Nguyên nhân là những người bị viêm khớp dạng thấp thường có tốc độ lắng hồng cầu tăng cao hoặc protein phản ứng C (CRP). Do đó, việc xét nghiệm máu có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. 

Để xác định rõ hơn về vị trí và các tổn thương khớp, người bệnh sẽ phải làm các xét nghiệm hình ảnh. Thông thường, bệnh nhân nghi mắc viêm khớp dạng thấp sẽ được chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau:

- Siêu âm khớp: Phương pháp này giúp phát hiện tình trạng có dịch khớp hoặc các tổn thương phần mềm quanh khớp.

- Chụp X-quang khớp: Đây là phương phát được sử dụng để phát hiện các dấu hiệu bào mòn sụn khớp, hẹp khe khớp. Hay nghiêm trọng hơn là tình trạng đặc xương dưới sụn gai xương và hiện tượng dính khớp.

- Chụp CT: Chụp CT sẽ được yêu cầu trong những trường hợp đau cột sống nghi do viêm tủy xương gây ra.

- Chụp MRI: Giúp đánh giá tình trạng viêm màng hoạt dịch, bào mòn xương, phù xương do viêm màng hoạt dịch gây xung huyết…

- Xạ hình xương: Có công dụng đánh giá toàn bộ hệ thống xương, phát hiện sớm bệnh lý về xương khớp. Đặc biệt là các tình trạng viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, ung thư xương nguyên phát và ung thư di căn xương.

3. Chẩn đoán phân biệt trong quy trình chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp

Để phòng trừ trường hợp người bệnh mắc các căn bệnh có biểu hiện giống với viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ phải tiến hành các chẩn đoán phân biệt. Bệnh viêm khớp dạng thấp thường bị nhầm lẫn với các dạng viêm khớp tự miễn sau:

- Viêm khớp do virus: Rubella, parvovirus và  viêm gan B  và C có thể dẫn đến các triệu chứng viêm khớp ngắn hạn giống với viêm khớp dạng thấp.

- Bệnh thấp khớp Palindromic: Viêm khớp định kỳ có thể dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus và các bệnh tương tự.

- Đau đa cơ do thấp khớp: Căn bệnh này phổ biến ở người bệnh trong độ tuổi 50. Bệnh ít gây ra các cơn đau hơn so với viêm khớp dạng thấp, vị trí đau thường là vai và hông.

Bằng kỹ thuật xét nghiệm, phương pháp chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định được bạn có mắc viêm khớp dạng thấp hay không. Do đó, khi phát hiện triệu chứng bệnh người bệnh cần đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám kịp thời. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh viêm khớp dạng thấp nhanh hồi phục hơn.


Tác giả: Thùy Dung