Quản lý sơ sinh tốt có thể ngăn nhiễm virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con

Quản lý sơ sinh tốt có thể ngăn nhiễm virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA cho biết, hiện nay, có một số báo cáo khoa học cho thấy những trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ sau khi sinh, khi người mẹ trước đó bị nhiễm virus này.


Tuy nhiên, nguyên nhân gây nhiễm virus SARS-CoV-2 (từ trong bụng mẹ hay do tiếp xúc gần sau khi sinh) trong các trường hợp trên vẫn chưa được làm sáng tỏ.

1. Ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con bằng cách nào?

Một nghiên cứu gần đây (được xem là nghiên cứu lớn nhất cho đến hiện nay trong lĩnh vực này) được thực hiện ở ba bệnh viện New York Presbyterian Hospitals ở New York, Mỹ, cho thấy việc quản lý vệ sinh tốt trong quá trình chăm sóc con sau sinh có thể ngăn nhiễm virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con.

Quản lý sơ sinh tốt có thể ngăn nhiễm virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con - Ảnh 1.

Việc quản lý vệ sinh tốt trong quá trình chăm sóc con sau sinh có thể ngăn nhiễm virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con (Ảnh Internet)

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng 3 đến ngày 17 tháng 5, ở 3 bệnh viện trên có tổng cộng 1481 ca sinh con và trong đó có 116 bà mẹ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong số liệu ghi nhận triệu chứng bệnh COVID-19 của các bà mẹ thì 26% cho biết không bao giờ có triệu chứng và 74% là có triệu chứng. Trong các bà mẹ có triệu chứng thì 46% là có triệu chứng trước 2 tuần trước khi sinh (more than 2 weeks before delivery) và không có triệu chứng lúc sinh (asymptomatic at delivery), còn lại 54% có triệu chứng trong 2 tuần trước khi sinh (within 2 weeks before delivery) hoặc trong lúc sinh (during labour).

Tổng cộng có 120 đứa bé được sinh ra từ những bà mẹ nhiễm bệnh trên (có cả sinh mổ, sinh thường đúng ngày và sinh thường sớm hơn ngày dự sinh). Sau 24 giờ tất cả những đứa bé sơ sinh đều được kiểm tra xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR và không cho thấy bị nhiễm virus SARS-CoV-2. 82 đứa trẻ được theo dõi tiếp tục và ghi nhận các số liệu sau đó.

2. Người mẹ nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 chăm sóc con như thế nào?

Tất cả các bà mẹ nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 đều được cho phép chăm sóc, gần gũi da chạm da (skin-to-skin care) và cho con bú, nhưng phải thực hiện các biện pháp thực hành vệ sinh thật kỹ trước khi tiếp xúc con như:

- Rửa tay.

- Lau sạch bầu ngực.

- Sử dụng khẩu trang y tế.

Quản lý sơ sinh tốt có thể ngăn nhiễm virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con - Ảnh 2.

Các bà mẹ đều được chăm sóc, gần gũi da chạm da và cho con bú nhưng phải thực hiện các biện pháp vệ sinh thật kỹ (Ảnh minh họa: báo Nhân Dân)

Sau khi chăm sóc và cho con bú xong, những đứa trẻ được đặt trong những lồng kín “Giraffe isolette” (dạng lồng ấp trẻ sơ sinh), các lồng này cũng ở chung phòng với người mẹ và cách người mẹ tối thiểu 6 feet (1.8 mét). Những đứa trẻ được tiếp tục theo dõi và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lại sau 5-7 ngày và 14 ngày đều cho thấy không bị nhiễm.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng việc truyền nhiễm virus SARS-CoV-2 cho trẻ sơ sinh khó có thể xảy trong bụng mẹ và khi trẻ được sinh ra thì việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa vệ sinh đúng cách cũng có thể giúp tạo điều kiện cho người mẹ có thể chăm sóc con và cho con bú trực tiếp mà vẫn an toàn.

Đây là tin tốt lành giúp cho các bà mẹ mang thai lỡ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì đừng quá lo lắng và biết cách giữ an toàn cho đứa trẻ.

CDC Mỹ hướng dẫn thực hiện việc tách biệt tạm thời người mẹ khỏi trẻ sơ sinh

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, môi trường lý tưởng để chăm sóc trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh khi mới được sinh ra trong bệnh viện là chung phòng với người mẹ.

Do đó, việc tách biệt tạm thời trẻ sơ sinh khỏi người mẹ (bị nghi ngờ hoặc được xác nhận nhiễm Covid-19) để giảm nguy cơ lây lan virus sang trẻ sơ sinh cần phải được xem xét. Các bác sĩ nên thảo luận với người mẹ về những nguy cơ và lợi ích của việc tách biệt tạm thời người mẹ khỏi trẻ sơ sinh. Quyết định về việc tách biệt tạm thời cần phải được đưa ra đúng theo mong muốn của người mẹ.

- Nếu người mẹ chọn tách biệt tạm thời để giảm nguy cơ lây lan virus. Nhưng vẫn muốn cho con bú bằng sữa mẹ thì người mẹ nên vắt sữa mẹ và để một người khỏe mạnh không có nguy cơ mắc Covid-19 cho trẻ sơ sinh bú bình bằng sữa vắt của mình nếu có thể.

Nên vắt sữa bằng máy cứ mỗi 2-3 giờ một lần (ít nhất 8-10 lần trong 24 giờ, kể cả vào ban đêm), đặc biệt là trong vài ngày đầu tiên để tạo tín hiệu cho vú tạo ra sữa và ngăn chặn sự nhiễm trùng cho đường dẫn sữa và vú.

Thường xuyên vắt sữa bằng tay hoặc máy vắt sữa, lý tưởng nhất là bằng máy vắt sữa theo tiêu chuẩn của bệnh viện, là điều cần thiết để thiết lập và tạo ra nguồn cung cấp sữa trong khi tách biệt tạm thời.

- Nếu người mẹ đã xuất viện nhưng chưa đáp ứng các tiêu chí ngừng cách ly có thể chọn tiếp tục tách biệt khỏi trẻ sơ sinh tại nhà để giảm nguy cơ lây lan virus (nếu có sẵn người chăm sóc khỏe mạnh).

Các bà mẹ không thể tạo ra sữa trong bệnh viện sau khi sinh hoặc phải tạm thời ngừng cho con bú sữa mẹ, có thể cho con bú sữa mẹ lại với sự trợ giúp từ các bác sĩ nhi khoa. Việc tách biệt khỏi trẻ sơ sinh có thể khiến một số bà mẹ mới bắt đầu hoặc đang cho con bú sữa mẹ gặp khó khăn nhất định.


Tác giả: TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA