Quản lý cơn đau cho bệnh nhân ung thư thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Quản lý cơn đau cho bệnh nhân ung thư thực quản
Quản lý cơn đau cho bệnh nhân ung thư thực quản là công tác có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều trị. Quản lý tốt tình trạng đau đớn do ung thư thực quản giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng sống, tin tưởng cuộc sống, tiếp nhận điều trị hiệu quả hơn.

Về cơ bản, quản lý cơn đau cho bệnh nhân ung thư thực quản cũng có quy trình tương tự với quản lý cơn đau do các loại ung thư khác và cần được thực hiện nghiêm túc bởi bác sĩ điều trị và sự phối hợp tích cực của bệnh nhân và người nhà.

1. Đánh giá tình trạng đau

Đánh giá tình trạng đau của bệnh nhân ung thư thực quản là bước đầu tiên và là tiền đề để có thể quản lý tình trạng đau một cách hiệu quả.

Thông thường bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng, mức độ đau đớn của bệnh nhân dựa trên các thang điểm đánh giá đau thông dụng như thang điểm đánh giá đau qua vẻ mặt, thang điểm đánh giá chất lượng cơn đau, hay thang điểm đau theo dạng số,... kết quả thu được qua đánh giá sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn khách quan về tình trạng đau của bệnh nhân.

Ngoài ra, để có thể giúp bác sĩ điều trị nắm rõ hơn về tình trạng đau do ung thư thực quản, bệnh nhân cần có sự phối hợp tích cực bằng việc khai báo một cách thành thật về các triệu chứng của bản thân như đau như thế nào, đau mạnh hay yếu, đau khởi phát ra sao, đau liên tục hay ngắt quãng,... Khai man hay khai thiếu sót các triệu chứng đau cũng có thể giảm hiệu quả quản lý cơn đau.

2. Điều trị đau

Hiện nay, để điều trị đau cho bệnh nhân ung thư thực quản có khá nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng trên lâm sàng. Tuy nhiên về cơ bản được sử dụng nhiều nhất vẫn là các phương pháp điều trị đau kinh điển như sử dụng thuốc, hóa trị và xạ trị.

2.1. Sử dụng thuốc giảm đau

Sử dụng thuốc giảm đau là phương pháp điều trị đau ung thư thực quản được sử dụng phổ biến nhất hiện nay do ưu điểm về sự tiện lợi, giá thành, hiệu quả nhanh và phù hợp với nhiều mức độ đau khác nhau.

Đối với bệnh nhân ung thư thực quản có mức độ đau ở mức độ đau nhẹ hoặc trung bình, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau như paracetamol hoặc các thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid.

Nếu tình trạng đau của bệnh nhân từ mức trung bình đến nặng, đáp ứng kém với các thuốc giảm đau như paracetamol và các kháng viêm giảm đau không Steroid thì bệnh nhân có thể được xem xét sử dụng các thuốc Oipoids để giảm đau ung thư thực quản.

2.2. Xạ trị

Xạ trị ngoài có tác dụng là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân ung thư thực quản thì có có tác dụng giảm đau rất hiệu quả, khoảng 60%-80% bệnh nhân cảm thấy giảm đau sau khi xạ trị. Điều này là nhờ tác dụng của tia xạ khiến các tế bào ung thư bị tiêu diệt làm giảm kích thước khối u và làm giảm đau.

2.3. Hóa trị

Bên cạnh xạ trị, hóa trị cũng là một phương pháp điều trị có tác dụng giảm đau tốt. Các loại hóa chất sử dụng trong hóa trị cho bệnh nhân ung thư thực quản sẽ khiến khối u trở nên teo nhỏ và giúp giảm đau. Thời gian phát huy hiệu quả giảm đau sau hóa trị ung thư thực quản tùy thuộc vào hóa chất sử dụng.

3. Một số liệu pháp giảm đau không điều trị

Bên cạnh những phương pháp điều trị đau như sử dụng thuốc, hóa trị hay xạ trị giảm đau ung thư thực quản,... bệnh nhân còn có thể sử dụng một số liệu pháp giảm đau không điều trị để giảm đau ung thư thực quản một cách an toàn, hạn chế các tác dụng phụ.

3.1. Vật lí trị liệu

Thường sử dụng chườm nóng, chườm lạnh để giảm đau cho bệnh nhân ung thư thực quản. Tuy nhiên chườm nóng, chườm lạnh cho tác dụng giảm đau khá nông nên thường áp dụng cho bệnh nhân bị đau vùng cổ.

3.2. Châm cứu

Châm cứu sử dụng kim châm hoặc nhiệt nóng tác động vào các vị trí huyệt đạo trên cơ thể. Những tác động này khiến cơ thể sinh ra các đáp ứng và sản sinh các chất trung gian hóa học (đặc trưng là endorphin) tác dụng ức chế trung khu cảm giác đau làm bệnh nhân cảm thấy giảm đau.

3.3. Luyện tập thể dục

Luyện tập thể dục là cách giúp bệnh nhân ung thư thực quản nâng cao sức khỏe, đồng thời cũng có hiệu quả giúp bệnh nhân giảm đau rất tích cực. Bệnh nhân nên nhờ bác sĩ của mình tư vấn chế độ luyện tập thích hợp để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất.

Một số phương pháp khác cũng có thể được sử dụng để giảm đau cho bệnh nhân ung thư thực quản như matxa, các liệu pháp tâm lý,... Đều là những phương pháp giảm đau có hiệu quả được đánh giá tích cực trên bệnh nhân ung thư thực quản.

Có thể thấy rằng, quản lý tốt tình trạng đau đớn cho bệnh nhân ung thư thực quản có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân, giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng sống, lạc quan hơn về cuộc sống và tiếp nhận điều trị hiệu quả hơn. Vì vậy, cả bác sĩ điều trị và bệnh nhân cần đặc biệt quan tâm và có phương pháp quản lý đúng đắn với tình trạng đau của người bệnh.

Nguồn dịch: https://www.everydayhealth.com/esophageal-cancer/managing-esophageal-cancer-pain.aspx


Tác giả: QN