Quai bị ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị

Quai bị ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị
Quai bị là một trong những căn bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở trẻ em. Dù không quá nguy hiểm nhưng nó có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu về bệnh quai bị ở trẻ em qua thông tin trong bài viết dưới đây!

Tuy không nguy hiểm như quai bị ở người lớn, quai bị ở trẻ em cũng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe trẻ. Vì thế, hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng ngừa và điều trị bệnh quai bị ở trẻ em là điều cực kì cần thiết.

1. Nguyên nhân

Quai bị là một căn bệnh do virus Paramyxovirus gây nên. Căn bệnh này chỉ xuất hiện ở người, thường gặp nhất ở những đối tượng là trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ ở độ tuổi từ 6 – 10 tuổi.

Thời gian quai bị thường bùng phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển sang lạnh. Ngoài ra, căn bệnh này thường xuất hiện ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, ký túc xá,...

2. Triệu chứng của bệnh quai bị ở trẻ em

Quai bị là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan nhưng lại khó phát hiện vì những triệu chứng khởi phát gần giống với cảm cúm thông thường. Những triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em điển hình qua các giai đoạn như sau:

Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh của quai bị ở trẻ em thường kéo dài trong khoảng từ 17 – 18 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ không có nhiều triệu chứng biểu hiện nên có thể lây lan mầm bệnh cho nhiều người khác khi tiếp xúc mà không có biện pháp phòng ngừa cẩn thận.

Giai đoạn khởi phát bệnh

Ở giai đoạn này, trẻ có các biểu hiện cụ thể sau đây:

- Trẻ bị sốt cao 38 – 39 độ;

- Chán ăn, kém ăn, miệng khô;

- Đau đầu;

- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi;

- Đau góc hàm và đau họng;

- Tuyến mang tai có cảm giác đau nhức và to dần.

Quai bị ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị bệnh quai bị ở trẻ em - Ảnh 1.

Đau góc hàm là một trong những triệu chứng của bệnh quai bị ở trẻ em - Ảnh Internet.

Giai đoạn toàn phát

Sau giai đoạn khởi phát trong khoảng từ 24 - 48 giờ, trẻ mắc quai bị sẽ có dấu hiệu viêm tuyến nước bọt hay còn được gọi là tuyến mang tai. Đây là dấu hiệu thường gặp đối với bệnh quai bị ở trẻ em.

Theo đó, ban đầu, trẻ sẽ có dấu hiệu sưng một bên mang tai, sau 1 - 2 ngày sẽ sưng bên còn lại. Hai bên má của trẻ mắc quai bị bị sưng viêm sẽ không đối xứng, vùng da bị sưng căng bóng, sờ nóng, không đỏ, đau. Khi trẻ há miệng, nhai nuốt hoặc ăn phải những thức ăn có vị chua, trẻ sẽ bị đau.

Giai đoạn lui bệnh

Quai bị ở trẻ em không nguy hiểm vì nếu được chăm sóc tốt và điều trị kịp thời trẻ sẽ hoàn toàn khỏi bệnh trong vòng 10 ngày. Tuyến nước bọt của trẻ cũng không bị sưng và không hóa mủ (trừ những trường hợp bị biến chứng, nhiễm khuẩn và bội nhiễm).

3. Phòng ngừa bệnh ở trẻ em

Tuy là quai bị là căn bệnh có thể lây lan nhanh chóng nhưng bệnh quai bị ở trẻ em có thể được phòng ngừa bằng vắc xin.

Theo đó, vaccine phòng ngừa bệnh quai bị là một phần trong loại vắc xin tích hợp sởi – quai bị – rubella (MMR). Vắc xin này thường được tiêm ngừa cho bé từ 12 – 15 tháng tuổi. Liều thứ 2 của vắc xin MMR sẽ được tiêm khi trẻ được 4 – 6 tuổi.

Mặt khác, như đã nói quai bị dễ lây lan nên có thể phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em bằng cách:

- Khi có dịch bệnh nên hạn chế cho trẻ tới những nơi tập trung đông người.

- Cho trẻ dùng riêng các vật dụng cá nhân.

- Nên cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Để bảo vệ sức khỏe của con, phụ huynh cần đọc thêm bài viết: Vắc xin quai bị và tổng hợp những thông tin chắc chắn cần biết.

4. Điều trị và chăm sóc trẻ bị quai bị

Quai bị nói chung và quai bị ở trẻ em nói riêng chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, điều trị quai bị ở trẻ em chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng đỡ cơ thể, nằm nghỉ tuyệt đối khi có sưng tinh hoàn.

Cần cách ly bệnh nhân mắc quai bị ít nhất 10 – 15 ngày từ khi phát hiện bệnh để tránh bùng dịch. Trong hầu hết các trường hợp, khi được chăm sóc đúng cách, trẻ có thể phục hồi trong vòng 2 tuần.

Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị quai bị:

- Cho trẻ uống nhiều nước. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh cho trẻ uống nước ép trái cây vì chúng kích thích sản xuất nước bọt, có thể gây đau cho trẻ.

- Tiến hành chườm lạnh trên vùng bị sưng để giảm bớt cơn đau cho trẻ.

- Trong chế độ dinh dưỡng của trẻ, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm hoặc lỏng (cháo, súp) vì khi trẻ nhai có thể gây đau.

Ngoài ra, cần tránh xa những loại thức ăn có tính axit xitric như cam, chanh, bưởi... và những thực phẩm chế biến sẵn bởi vì chúng có thể khiến bệnh quai bị của trẻ thêm trầm trọng. Trẻ bị quai bị cũng cần được bổ sung những loại rau xanh, dưa đỏ, xoài.

Quai bị ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị bệnh quai bị ở trẻ em - Ảnh 2.

Khi bị quai bị, trẻ nên ăn thức ăn mềm như cháo, súp - Ảnh Internet.

- Trẻ bị quai bị cần được nghỉ ngơi đầy đủ.

- Vệ sinh miệng sạch sẽ bằng cách súc miệng bằng nước muối ấm, nước muối sinh lý hay nước súc miệng.

- Khi chưa có chỉ định của các bác sĩ, không nên tự ý dùng các loại thuốc uống, bôi đắp lên vùng bị sưng.

- Khi bị sốt, tiến hành hạ sốt bằng Paracetamol.

- Trong trường hợp trẻ mắc quai bị bị viêm tinh hoàn, cần cho trẻ mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau và dùng corticoid liều cao ngay từ đầu, thường dùng Prednisolon 60mg/ ngày, sau đó giảm dần trong 7 – 10 ngày. Cần lưu ý tránh cho trẻ vận động, chạy nhảy nhiều vào những ngày bệnh quai bị đang diễn tiến cấp tính.

Bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc trên khi điều trị bệnh quai bị ở trẻ em, chúng ta cần lưu ý rằng tuyệt đối không dùng các phương pháp điều trị truyền miệng hay kiểu mê tín dị đoan. Những cách điều trị này chẳng những không thể chữa khỏi bệnh quai bị mà còn có thể gây hại cho trẻ vì rất dễ gây nhiễm trùng nghiêm trọng.


Tác giả: Ngọc Điệp