Quai bị ở bà bầu: Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh qua từng giai đoạn

Quai bị ở bà bầu: Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh qua từng giai đoạn
Quai bị ở bà bầu khá hiếm gặp nếu bạn đã tiêm vaccin phòng bệnh trước khi mang thai. Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn, nếu sức đề kháng của bạn bị suy giảm thì hoàn toàn có thể bị quai bị trong thời kỳ mang thai. Tìm hiểu các dấu hiệu đặc trưng để phát hiện bệnh sớm.

Quai bị là một loại bệnh lý do virus gây ra. Bệnh có khả năng lây lan từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp, ăn uống và sử dụng chung vật phẩm chứa mầm bệnh.

So với quai bị ở trẻ em thì quai bị ở bà bầu lại nguy hiểm hơn nhiều. Bởi nó có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Dưới đây là một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh quai bị ở bà bầu, các mẹ không nên bỏ qua để bảo vệ sức khoẻ của mình.

1. Dấu hiệu quai bị ở bà bầu tại tuyến nước bọt

Quai bị ở bà bầu có những dấu hiệu đặc trưng nào? Biểu hiện bệnh có giống với quai bị ở trẻ em? Dưới đây là dấu hiệu quai bị trong từng giai đoạn cụ thể.

1.1. Giai đoạn ủ bệnh quai bị

Giống như quai bị ở trẻ em, quai bị ở bà bầu thường không có dấu hiệu đặc trưng trong thời kỳ ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh quai bị ở bà bầu thường kéo dài từ 12 - 25 ngày. Trung bình là 18 ngày trước khi khởi phát đột ngột.

Trong giai đoạn ủ bệnh, mẹ bầu rất khó để xác định bản thân có bị quai bị hay không. Bởi các dấu hiệu bất thường chỉ xuất hiện đột ngột trong thời kỳ khởi phát. Một số dấu hiệu thường thấy ở người bệnh là mệt mỏi, chán ăn, sưng và đau tuyến nước bọt,...

Quai bị ở bà bầu: Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh qua từng giai đoạn - Ảnh 1.

Dấu hiệu quai bị ở bà bầu tại tuyến nước bọt - Ảnh: Internet

1.2. Dấu hiệu quai bị ở bà bầu giai đoạn khởi phát

Một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh quai bị ở bà bầu chính là sốt cao. Bệnh nhân quai bị có thể sốt từ 38 - 40 độ C, thời gian kéo dài tùy cơ địa của từng người.

Sốt cao thường xuất hiện sau giai đoạn ủ bệnh. Nghĩa là sau 18 - 25 ngày kể từ khi bà bầu tiếp xúc với mầm bệnh. Trước giai đoạn này cơ thể bạn sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào.

Bước sang thời kỳ khởi phát, ngoài sốt cao, người bệnh có xuất hiện các triệu chứng như: Đau đầu, chán ăn, khó nuốt, đau nhức xương khớp, đau họng và đau góc hàm khi nói chuyện.

Ở giai đoạn khởi phát người bệnh còn bị đau ở ba điểm Rillet- Barthez bao gồm: Mõm chũm, khớp thái dương hàm và góc dưới của xương hàm. Sau đó tuyến mang tai sẽ to dần lên gây đau nhức. Cơn đau dữ dội hơn khi thăm khám hoặc nhai thức ăn.

1.3. Dấu hiệu quai bị ở bà bầu giai đoạn toàn phát

Bước sang giai đoạn toàn phát, sau khi sốt từ 24 - 48 giờ, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện dấu hiệu viêm tuyến mang tai. Ban đầu sưng to và đau nhức ở một bên. Sau đó nó lan nhanh sang bên còn lại và các tuyến nước bọt khác.

Khi thăm khám, miệng ống Stenon phù nề, sưng đỏ nhưng không có mủ. Hầu hết các trường hợp quai bị ở bà bầu thương bị sưng cả hai bên.

Diện tích sưng không đối xứng, có bên to, bên nhỏ căng bóng, sờ thấy nóng. Khi ấn không bị lõm và đau. Da tại vùng sưng có màu sắc và tính đàn hồi bình thường, không bị đỏ.

Phụ nữ mang thai có thể đọc thêm bài viết: Sưng đau tuyến nước bọt là gì? Khi nào là dấu hiệu của quai bị.

Dấu hiệu quai bị ở bà bầu giai đoạn toàn phát

Dấu hiệu quai bị ở bà bầu giai đoạn toàn phát - Ảnh: Internet

1.4. Dấu hiệu giai đoạn phục hồi

1 tuần sau giai đoạn toàn phát người bệnh sẽ bước sang thời kỳ phục hồi. Lúc này tuyến mang tai giảm đau, nhỏ dần. Các triệu chứng như đau họng, khó nuốt khi ăn giảm và từ từ khỏi hẳn.

2. Dấu hiệu quai bị ở bà bầu ngoài tuyến nước bọt

Bên cạnh biểu hiện thường thấy tại tuyến nước bọt, quai bị ở bà bầu còn gây tổn thương thần kinh và các cơ quan khác.

- Viêm màng não, thường xuất hiện sau viêm tuyến mang tai. Biểu hiệu đặc trưng là sốt cao, nhức đầu, nôn mửa, rối loạn hành vi, cứng cổ, co giật,...

- Viêm tụy cấp nhẹ, không có triệu chứng đặc trưng. Tuy nhiên với trường hợp nặng người bệnh có thể bị sốt cao, đau và phản ứng thành bụng. Diễn tiến viêm tụy cấp thường lành tính, đôi khi tạo nang giả ở người bệnh.

- Biểu hiện ở các bộ phận khác gồm tuyến lệ, tuyến ức, tuyến giáp, tuyến vú, buồng trứng...

Hầu hết bệnh nhân quai bị có những biểu hiện trên. Tuy nhiên một số trường hợp quai bị ở bà bầu không có triệu chứng cụ thể như: Không sốt, không nổi hạch tuyến mang tai, không mệt mỏi,... Những trường hợp này vô cùng nguy hiểm bởi biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà họ không phát hiện sớm để phòng tránh.

Dấu hiệu quai bị ở bà bầu ngoài tuyến nước bọt

Dấu hiệu quai bị ở bà bầu ngoài tuyến nước bọt - Ảnh: Internet

3. Những lưu ý cho bà bầu khi bị quai bị

Khi có dấu hiệu sốt kèm theo sưng viêm quai hàm bạn cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh. Bác sĩ sẽ giúp bạn làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Sau khi các triệu chứng dần biến mất mẹ bầu nên tái khám định kỳ vào các tuần thai 12, 22, 32... theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu mắc quai bị ở bà bầu, bạn cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng hoặc vội vàng. Hãy lắng nghe ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó bạn cần thường xuyên theo dõi sự phát triển của thai nhi sau khi khỏi bệnh. Đồng thời thực hiện các biện pháp sàng lọc trước khi sinh để phát hiện những nguy cơ xấu.

Các chuyên gia cho biết, bà bầu bị quai bị khi mang thai nếu được theo dõi và điều trị kịp thời vẫn có thể sinh con khỏe mạnh. Do đó, bạn không cần quá lo lắng khi gặp quai bị ở bà bầu.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ và bé, tốt hơn hết bạn tiêm phòng quai bị trước khi có kế hoạch mang thai. Trong trường hợp cơ thể có dấu hiệu bất thường hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.


Tác giả: HT