Bệnh quai bị được biết đến với tình trạng sưng hàm, đây là hiện tượng của tình trạng sưng tuyến nước bọt sau mang tai ở một hoặc cả hai bên; tình trạng này cũng thường được gọi là viêm tuyến mang tai.
Khi bị quai bị, ngoài vấn đề quai bị có lây hay không, cần làm gì để hạn chế biến chứng sức khỏe thì bệnh nhân quai bị có phải kiêng gió không hay có được bật quạt không cũng là thắc mắc của nhiều người.
Bài viết dưới tham khảo ý kiến bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 Tp.HCM.
Ngoài sưng tuyến nước bọt thì các triệu chứng quai bị khác có thể bắt đầu vài ngày, bao gồm: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ăn mất ngon… Các triệu chứng thường xuất hiện từ 16-18 ngày sau khi nhiễm bệnh, thời gian này cũng có thể dao động từ 12–25 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Cũng có một số trường hợp mắc bệnh quai bị có các triệu chứng rất nhẹ giống như cảm lạnh, hoặc không có triệu chứng gì và có thể không biết mình mắc bệnh. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh quai bị có thể gây ra các biến chứng nặng hơn. Hầu hết những người bị quai bị hồi phục hoàn toàn trong vòng hai tuần.
Trong dân gian, nhiều người vẫn truyền miệng rằng khi mắc bệnh quai bị cần phải kiêng gió và không nên bật quạt trong thời gian mắc bệnh. Nhiều thông tin cho rằng, việc tiếp xúc với gió khiến virus dễ lây lan cho người khác và gây nguy hiểm cho người bệnh. Thế nhưng, các chuyên gia y tế lại cho rằng vấn đề kiêng gió là không cần thiết.
Dưới đây là câu trả lời cho câu hỏi quai bị có phải kiêng gió không từ bác sĩ chuyên khoa:
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh quai bị khá lành tính và có thể tự khỏi sau chừng 10 ngày nếu không có biến chứng. Và người bệnh cũng không phải kiêng gió, nên bật quạt gió cho không gian phòng nghỉ thoáng mát. Bởi sự lây nhiễm đã diễn ra từ trước khi người bệnh có bệnh nhân sưng hàm.
Việc kiêng gió trong thời tiết nóng bức sẽ còn gây ra tình trạng mệt mỏi, thậm chí mất nước; mồ hôi nhễ nhại thiếu vệ sinh, có thể làm nhiễm trùng nặng hơn.
Bác sĩ Khanh chia sẻ, đối với trẻ em đến đúng độ tuổi thì cần được tiêm ngừa quai bị, đây là cách tốt nhất giúp trẻ phòng ngừa được căn bệnh này. Cũng như bệnh thủy đậu, quai bị cũng cần được chích 2 mũi vắc xin (vắc xin Sởi – Quai bị - Rubella khi trẻ được 12 tháng tuổi). Vì thế phụ huynh nên tìm hiểu các thông tin liên quan tới Vắc-xin tiêm phòng quai bị nên tiêm vào thời điểm nào để phòng ngừa hiệu quả cho trẻ.
Khi đã mắc bệnh, không nên áp dụng chườm đắp vôi hay bất cứ thứ gì lên vùng bị sưng vì dễ gây biến chứng nhiễm trùng tuyến nước bọt và nhiễm trùng huyết.
Người bệnh chỉ cần kiêng ăn uống đồ chua và kiêng vận động mạnh để tránh tuyến nước bọt bị kích thích khiến bệnh kéo dài hơn. Ngoài ra, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng để có phương án điều trị kịp thời.