Quá trình chuẩn bị trước khi điều trị ung thư lưỡi

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Quá trình chuẩn bị trước khi điều trị ung thư lưỡi
Để điều trị ung thư lưỡi có kết quả tốt thì quá trình chuẩn bị trước điều trị phải được tiến hành cẩn thận và chu đáo. Bản thân người bệnh cũng cần có ý thức hợp tác với các bác sĩ trong quá trình chuẩn bị này.

Khai thác tiền sử, bệnh sử, thăm khám lâm sàng cho người bệnh và hoàn thành các xét nghiệm là những bước bắt buộc trước khi điều trị ung thư lưỡi. Đồng thời, bản thân người bệnh cũng cần có ý thức tự chuẩn bị trước khi bước vào quá trình điều trị. Cùng tìm hiểu rõ hơn về các bước chuẩn bị trước điều trị ung thư lưỡi trong bài viết sau.

1. Gặp gỡ bác sĩ và kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi điều trị ung thư lưỡi

Để chuẩn bị tốt cho quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được sắp xếp một cuộc gặp với các bác sĩ chuyên khoa. Trong cuộc gặp này, người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử bản thân, gia đìn, hỏi về diễn biến bệnh và các triệu chứng hiện có. Việc người bệnh cần làm là khai báo chính xác hoặc điền vào các bảng câu hỏi mà bác sĩ cung cấp.

Bác sĩ cũng sẽ mô tả sơ qua về cách tiến hành, khả năng thành công, tác dụng phụ và chi phí của các phương pháp điều trị. Điều này, giúp bệnh nhân có cái nhìn tổng quan trong việc lựa chọn các phương án điều trị ung thư lưỡi cho mình.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi điều trị ung thư lưỡi. Điều này nhằm mục đích xác định bệnh nhân có đủ sức khỏe để tham gia điều trị hay không. Kiểm tra sức khỏe còn cho thấy hiện tượng dị ứng với các thành phần trong thuốc điều trị hay không. Ngoài ra, bằng phương pháp quan sát, thăm khám bác sĩ sẽ ghi nhận tổn thương ở lưỡi và các hạch ở cổ.

2. Thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán

Chẩn đoán bằng xét nghiệm là công đoạn quan trọng trước khi tiến hành điều trị. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ xác định tình trạng tiến triển, giai đoạn và tiên lượng của bệnh. Để chuẩn bị cho việc điều trị ung thư lưỡi, người bệnh sẽ được yêu cầu làm các xét nghiệm sau đây:

Nội soi Tai mũi họng: Soi tai mũi họng, bác sĩ sẽ đánh giá tổn thương tại lưỡi và có thể khảo sát các tổn thương kết hợp nếu có.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): CT scan sử dụng tia X chuyên dụng có hoặc không có tiêm chất tương phản để khảo sát tổn thương vùng miệng và cổ họng. Do đó, đây là phương pháp hiệu quả giúp xác định các tổn thương ở lưỡi và cổ họng, đánh giá được mức độ xâm lấn, di căn hạch vùng cổ.

Cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng sóng radio và sóng từ trường, có hoặc không có tiêm chất tương phản, để tạo ra hình ảnh chi tiết của vùng miệng và cổ họng. MRI cũng cũng có thể đánh giá mức độ xâm lấn của khối u ra xung quanh cũng như các hạch vùng cổ.

Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET/CT): Phương pháp này sử dụng một lượng chất phóng xạ phù hợp, khi tiêm vào cơ thể chúng tập trung nhiều vào các tế bào u để tạo ra các hình ảnh chi tiết về chuyển hóa của khối u. Vì vậy, PET/CT giúp phát hiện tổn thương ung thư tại chỗ và bao quát được cả những tổn thương di căn khác toàn cơ thể.

Chụp XQ uống barrit: Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nuốt barium lỏng sau đó chụp X-quang. Phương pháp này sẽ cho thấy các hiện tượng bất thường ở cổ họng và thực quản của người bệnh.

Sinh thiết ung thư: Là phương pháp sử dụng kim sinh thiết để lấy một mẫu mô nhỏ tại các khu vực nghi ung thư. Mẫu mô này sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm để kiểm tra có dấu hiệu của ung thư hay không.

3. Ăn uống và vệ sinh cá nhân trước khi điều trị

Trước khi điều trị ung thư lưỡi, người bệnh cần có những sự chuẩn bị nhất định. Trong đó, vệ sinh và ăn uống là vấn để quan trọng nhất mà người bệnh cần lưu ý. Cụ thể:

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách để tránh vi khuẩn tích tụ ở lưỡi gây viêm nhiễm.

- Bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ hấp thu, đặc biệt là các loại thức ăn mềm. Vì phần lưỡi bị tổn thương sẽ khiến người bệnh đau nhức và gặp nhiều khó khăn khi nuốt thức ăn. Người bệnh nên ăn các loại thực phẩm như cháo trắng, sữa, rau xanh, ngũ cốc, các loại sinh tố hoa quả…

- Tránh sử dụng các chất kích thích như bia rượu trước, trong sau thời gian điều trị. Nguyên nhân là chất cồn trong loại đồ uống này sẽ khiến lưỡi bị tổn thương và khó hồi phục. Thuốc lá cũng được coi là kẻ thù của căn bệnh ung thư lưỡi. Bởi việc hút thuốc có thể là tác nhân kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư.

Việc chuẩn bị cho quá trình điều trị ung thư lưỡi phải có sự phối hợp giữa bác sĩ và người bệnh. Do đó, người bệnh cần thường xuyên liên hệ với bác sĩ điều trị để quá trình chuẩn bị được tốt nhất.


Tác giả: Thùy Dung