Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt phổ thông, thuộc danh mục thuốc không kê đơn (thuốc OTC) dễ dàng mua được ở nhiều hiệu thuốc. Liều dùng paracetamol dựa theo độ tuổi, quá liều paracetamol có thể gây tổn thương gan và đe dọa tính mạng.
Paracetamol (còn gọi là acetaminophen) thuộc nhóm thuốc giảm đau hạ sốt mức độ từ nhẹ tới trung bình. Thuốc Paracetamol chủ trị trong các trường hợp như đau đầu, đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt, đau sau phẫu thuật, đau lưng, đau nửa đầu, đau cơ, đau khớp nhẹ (Trừ viêm sưng cơ khớp nặng), đau răng, sốt do các nhiễm trùng như cảm cúm, cảm lạnh hoặc sốt sau chủng ngừa,...
Theo FDA, paracetamol được đánh giá là an toàn với hầu hết mọi lứa tuổi, độ an toàn cao nên có thể sử dụng cả cho bà bầu, phụ nữ đang cho con bú hay trẻ nhỏ theo liều lượng nhất định và dưới sự quan sát của bác sĩ.
Paracetamol (còn gọi là acetaminophen) thuộc nhóm thuốc giảm đau hạ sốt mức độ từ nhẹ tới trung bình (Ảnh: ST)
Đọc thêm:
+ Uống rượu khi đang dùng thuốc có ảnh hưởng gì không?
+ Những loại thuốc cần lưu ý nếu bạn có thói quen uống cà phê mỗi ngày
Paracetamol được điều chế ở nhiều dạng khác nhau. Các dạng paracetamol phổ biến gồm có: Viên nén, viên đặt hậu môn, paracetamol dạng lỏng, dạng viên hòa tan và cả paracetamol dạng tiêm truyền qua đường tĩnh mạch. Hàm lượng paracetamol ở mỗi dạng điều chế sẽ khác nhau, có thể là 160mg, 250mg, 325 mg, 500 mg,... Khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn của nhà sản xuất.
Tuy vậy, các trường hợp sau đây chống chỉ định sử dụng paracetamol hoặc chỉ được sử dụng thuốc nếu có chỉ định của bác sĩ:
- Người bị bệnh dị ứng hoặc mẫn cảm với thành phần paracetamol.
- Người có tiền sử mắc các bệnh về gan, tổn thương gan như viêm gan, suy gan, xơ gan,...
- Người bị rối loạn sử dụng rượu (nghiện rượu) hoặc các chất kích thích khác.
- Người bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
- Người đang uống thuốc theo đơn của bác sĩ cần tham khảo trước, tránh các tương tác thuốc không mong muốn ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Paracetamol có thể tương tác với các thuốc và thực phẩm chức năng như: Các sản phẩm khác có chứa paracetamol, carbamazepine, colestyramine, imatinib và busulfan, ketoconazole, lix, isenatide, metoclopramide, phenobarbital, phenytoin và primidone, warfarin.
Không. Paracetamol không phải thuốc kháng sinh. Đây là thuốc giảm đau hạ sốt, nó cũng khác với aspirin vì không có thành phần chống viêm.
Mỗi lần uống bao nhiêu paracetamol hay liều dùng paracetamol ở trẻ em là mấy ống,... là rất nhiều băn khoăn liên quan tới liều dùng paracetamol. Paracetamol sẽ bắt đầu có tác dụng trong vòng một giờ, thường là khoảng 15 phút. Tác dụng của thuốc cũng thường kéo dài trong vài giờ, sau đó người bệnh có thể cảm thấy cơn đau sốt quay trở lại. Theo NHS hướng dẫn thì liều dùng paracetamol tùy thuộc vào lứa tuổi, theo đó:
- Liều dùng paracetamol ở người lớn: Là 325 mg - 500 mg mỗi 4 - 6 giờ và không quá 4 ngày. Người trưởng thành có thể dùng ibuprofen với paracetamol nếu cần thiết.
Paracetamol sẽ bắt đầu có tác dụng trong vòng một giờ, thường là khoảng 15 phút (Ảnh: ST)
- Liều dùng paracetamol ở trẻ em:
+ Paracetamol đường uống: Được tính theo mg trên mỗi kilogam cân nặng của trẻ, cụ thể là từ 10 - 15 mg/kg/liều mỗi 4 - 6 giờ và tối đa là 5 liều paracetamol trong 24 giờ, không dùng paracetamol quá 75 mg/ngày.
+ Paracetamol dạng đặt hậu môn: Trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi là 80 mg mỗi 6 giờ và liều tối đa không quá 320 mg/ngày. Trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi là 80 mg mỗi 4 - 6 giờ và liều tối đa không quá 400 mg/ngày. Trẻ từ 3 - 6 tuổi là 120 mg mỗi 4 - 6 giờ và liều tối đa không quá 600 mg/ngày. Trẻ từ 6 - 12 tuổi là 325 mg mỗi 4 - 6 giờ và liều tối đa không quá 1625 mg/ngày. Trẻ trên 12 tuổi là 650 mg mỗi 4 - 6 giờ và liều tối đa không quá 3900 mg/ngày.
Dù dùng paracetamol ở dạng viên nén, viên uống hay paracetamol dạng lỏng thì đều cần dùng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, trong đó với paracetamol dạng lỏng nên dùng dụng cụ đo liều chuyên dụng; paracetamol viên sủi thì cần pha trong ít nhất 100 - 150ml nước và uống ngay lập tức; paracetamol đặt hậu môn thì cần làm rỗng ruột và bàng quang trước khi đặt thuốc đồng thời đặt nhanh vào hậu môn khi tháo vỏ tránh thuốc bị tan chảy hay paracetamol dạng viên nén nhai thì cần nhai thật kỹ trước khi nuốt,...
Giống như bất kỳ một loại thuốc nào thì paracetamol dù được coi là an toàn nhưng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng. Theo NHS.uk, các tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn và nôn mửa, táo bón. Các tác dụng phụ hiếm gặp khác của paracetamol có thể gồm:
- Phản ứng dị ứng dẫn tới phát ban, mề đay, sưng tấy cơ thể, sưng môi lưỡi hay sưng họng.
- Đỏ mặt (flushing).
- Huyết áp thấp.
- Nhịp tim nhanh.
- Rối loạn máu.
- Tổn thương gan thận trong trường hợp uống quá liều paracetamol và đe dọa tính mạng.
Ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường khi uống paracetamol, người bệnh nên ngừng thuốc ngay lập tức và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Nhanh chóng tìm kiếm chăm sóc y tế khẩn cấp nếu sử dụng paracetamol có các triệu chứng gồm:
+ Sưng môi, miệng, lưỡi, cổ họng đột ngột.
+ Thở nhanh, thở khò khè, khó thở.
+ Căng cứng cổ họng, khó khăn trong nhai nuốt.
+ Da, lòng bàn tay, lòng bàn chân, lưỡi, môi chuyển sang màu xanh tím hoặc xanh xám, nhợt nhạt.
+ Cảm thấy buồn ngủ, chóng mặt, lú lẫn đột ngột thậm chí ngất xỉu.
+ Yếu ớt, kém phản xạ. Với trẻ nhỏ, đầu của trẻ có thể nghiêng sang một bên, ngả về phía sau hoặc phía trước, hoặc trẻ có thể gặp khó khăn khi ngẩng đầu lên hoặc tập trung vào khuôn mặt của bạn.
+ Phân có màu đen, màu hắc ín; nước tiểu có lẫn máu hoặc đục.
+ Chảy máu hoặc bầm tím bất thường sau khi uống thuốc, vàng mắt hoặc vàng da.
Dùng quá liều acetaminophen có thể gây ra bệnh gan nghiêm trọng và đe dọa tính mạng người bệnh. Theo WebMD, người trưởng thành không nên uống quá 4000 miligam (4 gam) paracetamol trong 24 giờ và 50 - 75mg/24 giờ đối với trẻ em. Lạm dụng paracetamol ở phụ nữ mang thai cũng có thể ảnh hưởng tới thai nhi và tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Người lớn tuổi dùng paracetamol lâu dài cũng có thể khiến lượng phân tử hemoglobin trong tế bào hồng cầu giảm, dẫn tới mệt mỏi, uể oải và mất năng lượng.
Dùng quá liều acetaminophen có thể gây ra bệnh gan nghiêm trọng và đe dọa tính mạng người bệnh (Ảnh: ST)
Paracetamol gây tổn thương gan là do bên trong paracetamol có chứa một chất có thể biến thành chất độc cho gan, đó là N-acetylbenzoquinonimin. Khoảng 4% thuốc paracetamol khi uống sẽ biến thành chất độc này. Sau khi sử dụng thuốc, paracetamol sẽ được hấp thu vào máu và chuyển hóa qua gan. Lúc này, gan sẽ phải “huy động” glutathione để trung hòa chất độc từ paracetamol. Trong trường hợp người dùng sử dụng thuốc paracetamol quá liều thì cơ thể không thể huy động đủ lượng glutathione cần thiết giúp trung hòa paracetamol. Và điều này khiến chất độc gây hại cho gan sẽ tồn tại trong cơ thể và dẫn đến nhiễm độc gan hay thậm chí là hoại tử tế bào gan.
Triệu chứng quá liều paracetamol có thể gồm: Tiêu chảy, tăng tiết mồ hôi, mất cảm giác thèm ăn, buồn nôn và nôn mửa, đau bụng hoặc co thắt, sưng đau hoặc nhạy cảm ở vùng bụng trên hoặc vùng dạ dày.
Ngộ độc paracetamol rất dễ gặp nhưng lại là một dạng ngộ độc rất hay bị bỏ sót dẫn tới việc chẩn đoán không được kịp thời gây ra rất nhiều hệ quả đáng tiếc, trong đó có tử vong. Với những người sử dụng paracetamol quá liều thông thường sẽ có biểu hiện ngộ độc sau 1 - 3 ngày uống. Nói cách khác, lúc này các biểu hiện ngộ độc mới rõ ràng. Trong đó các bệnh lý thường gặp nhất là suy gan và bệnh viêm gan.
Dấu hiệu ngộ độc paracetamol theo từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 (sau 1 đến vài giờ): Ở giai đoạn này, nguời bệnh thường có triệu chứng như: chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn và nôn; người ra nhiều mồ hôi và cũng có thể tăng chỉ số GOT hay GPT sau khi uống thuốc từ 30 phút cho tới 24 giờ.
- Giai đoạn 2: Sau khoảng 24 - 72 giờ uống thuốc, nếu bị ngộ độc người bệnh sẽ có các triệu chứng bao gồm chán ăn và buồn nôn, nếu có nôn sẽ ít hơn so với giai đoạn đầu. Lúc này bệnh nhân có thể bị đau hạ sườn phải. Các chỉ số GOT và GPT tiếp tục tăng lên. Chỉ số Bilirubin có thể tăng hoặc không. Ngoài ra hàm lượng prothrombin có thể bị giảm kèm theo suy giảm chức năng thận.
- Giai đoạn 3 (sau 72 - 96 giờ): Ở giai đoạn này, tình trạng nôn mửa trở nên nghiêm trọng hơn. Thông qua xét nghiệm có thể thấy chức năng gan suy giảm, vàng da, vàng mắt và sự tích tụ bilirubin nhiều kèm theo rối loạn đông máu, thận suy, viêm tụy và những bệnh lý não do gan. Nếu như sinh thiết tế bào gan có thể quan sát được trung tâm tiểu thùy có dấu hiệu hoại tử.
- Giai đoạn 4 (sau khoảng 5 ngày): Nếu như bệnh nhân vượt qua giai đoạn 3 thì chức năng gan đã được hồi phục trở lại và sau khoảng 30 ngày thì các tổ chức gan sẽ lành trở lại. Tuy nhiên nếu xảy ra trường hợp ngộ độc paracetamol nặng có thể gây suy đa dạng và tử vong.
Nếu tình trạng ngộ độc là do uống nhiều liều nhỏ trong thời gian dài, dấu hiệu đầu tiên của vấn đề có thể là chức năng gan bất thường, đôi khi kèm theo vàng da và/hoặc chảy máu.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Paracetamol
2. Side effects of paracetamol for adults
3. Side effects of paracetamol for children