Polyp hậu môn là tên gọi dùng để chỉ cấu trúc bất thường nhô ra khỏi thành hậu môn, tạo nên do sự tăng sinh bất thường của niêm mạc hậu môn. Nó thường có dạng hình tròn hoặc bầu dục nối với hậu môn bởi một cuống nhỏ, vì vậy polyp hậu môn có khả năng di chuyển được trong lòng hậu môn hoặc sa hẳn ra phía ngoài hậu môn.
Polyp hậu môn là bệnh lý đường tiêu hóa xuất hiện khá phổ biến, tuy nhiên nó dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như trĩ, sa trực tràng,... nếu không thăm khám kỹ. Mặc dù hầu hết các trường hợp polyp hậu môn không gây quá nhiều nguy hiểm. Nhưng nếu không được quan tâm đúng mức nó có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau, thậm chí có nguy cơ ung thư hóa.
Như đã nói, polyp hậu môn hình thành do sự tăng sinh của niêm mạc hậu môn. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, kể đến như:
- Sự chèn ép: Sự chèn ép xảy ra liên tục có thể khiến áp lực ở trực tràng, hậu môn tăng cao tạo điều kiện cho sự xuất hiện của polyp. Nguyên nhân thường gặp hàng đầu là sự chèn ép do khối u, táo bón.
- Nhiễm khuẩn: Khi hậu môn bị tổn thương do một nguyên nhân nào đó, các vi khuẩn sẽ lợi dung vết thương để xâm nhập tạo điều kiện cho polyp phát triển. Những nguyên nhân dễ gây đến nhiễm khuẩn ở hậu môn trên thực tế như quan hệ tình dục đường hậu môn, táo bón, nứt hậu môn,...
- Tắc tĩnh mạch hậu môn: Khi tĩnh mạch hậu môn bị cản trở, tắc vì một nguyên nhân bất kỳ nào đó cũng sẽ ngăn cản quá trình trao đổi máu tại hậu môn. Điều này khiến các cấu trúc hậu môn bị thiếu dinh dưỡng khiến polyp dễ hình thành hơn.
- Dị dạng hậu môn: Sự dị dạng tại hậu môn như cong ống hậu môn, hẹp hậu môn,... cũng là một trong các nguyên nhân có thể gây nên polyp hậu môn.
- Đau, rát ở hậu môn: Khi mắc bệnh, người bệnh có thể cảm thấy đau, rát ở khu vực hậu môn. Trong các trường hợp bệnh nhẹ, cảm giác đau, rát có thể không biểu hiện rõ ràng hoặc thậm chí là không có. Tuy nhiên cảm giác này có thể dễ phát hiện hơn khi bệnh nhân đại tiện.
- Đại tiện ra máu: Sự chảy máu ở polyp có thể khiến máu xuất hiện theo phân khi đại tiện. Máu theo phân trong bệnh polyp hậu môn có đặc điểm là có màu đỏ tươi, chỉ xuất hiện ở mặt ngoài của khối phân. Điều này khiến bệnh nhân có thể nhầm lẫn với bệnh trĩ.
- Có khối bất thường nhô ra khỏi hậu môn: Các khối polyp hậu môn có thể nằm hoàn toàn trong ống hậu môn hoặc nhô ra khỏi ống hậu môn. Người bệnh có thể phát hiện được các khối mềm này khi vệ sinh hậu môn. Tùy theo mức độ bệnh của bệnh nhân, vị trí xuất hiện polyp, đặc điểm của polyp như chiều dài, kích thước,... mà polyp có thể nhô ra hoàn toàn hoặc có thể hồi quy trở về lòng hậu môn.
- Các biểu hiện của thiếu máu: Sự mất máu âm ỉ qua thời gia kéo dài do xuất huyết tại polyp có thể khiến bệnh nhân có các biểu hiện đặc trưng của thiếu máu. Những triệu chứng thiếu máu thường thấy nhất kể đến như người mệt mỏi, giảm tập trung, tóc móng dễ gãy, da xanh xao,...
Ngoài các biểu hiện trên, thông qua thăm khám hậu môn trực tràng thì bác sĩ còn có thể phát hiện được cấu trúc bất thường có cuống tại hậu môn, có thể có máu xuất hiện theo găng.
Để bổ sung chắc chắn hơn cho chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một số các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết. Những xét nghiệm, cận lâm sàng thường thực hiện trên bệnh nhân nghi ngờ polyp hậu môn bao gồm:
- Nội soi: Nội soi là cận lâm sàng có giá trị đặc biệt trong chẩn đoán polyp hậu môn. Nhờ hình ảnh thu được thông qua ống nội soi ngả hậu môn mà bác sĩ có thể đánh giá bệnh nhân có polyp hay không, hình dạng, kích thước, vị trí, số lượng và các thông số đặc điểm khác của polyp.
- Chụp CT-Scan: Chụp CT-Scan cũng có thể được sử dụng để đánh giá các trường hợp nghi ngờ có polyp hậu môn. Để hiển thị rõ ràng hơn hình ảnh của polyp thì người ta có thể sử dụng thêm các loại thuốc cản quang được bơm vào lòng hậu môn như bari,...
- Giải phẫu bệnh của polyp: Thực hiện giải phẫu bệnh của mô bệnh sinh thiết được từ polyp là điều cần thiết để đánh giá mức độ lành tính hay ác tính của mô. Thường thì mô sinh thiết sẽ được lấy kèm khi nội soi cho bệnh nhân.
- Các xét nghiệm khác: Một số các xét nghiệm khác có thể được thực hiện như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân,... để đánh giá tình trạng mất máu do polyp của người bệnh.
Điều trị polyp hậu môn bằng phương pháp nội khoa là phương pháp được chỉ định cho các trường hợp mắc polyp hậu môn đơn giản, mức độ nhẹ với kích thước khối polyp nhỏ hơn 2cm. Các loại thuốc được sử dụng chủ yếu để điều trị polyp hậu môn là các thuốc kháng viêm giảm đau.
Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc chỉ đem đến hiệu quả ngăn sự phát triển của polyp chứ không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn làm tiêu biến khối polyp được.
Đối với các trường hợp polyp hậu môn đã được điều trị bằng phương pháp nội khoa nhưng không đáp ứng, hoặc các trường hợp nặng với khối polyp lớn thì phẫu thuật có thể được chỉ định để điều trị cho người bệnh.
- Thông qua nội soi: Đây là phương pháp phẫu thuật polyp hậu môn được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Thông qua nội soi người ta có thể đưa các thiết bị chuyên dụng và ống hậu môn để cắt, đốt, thắt giúp loại bỏ polyp hậu môn.
- Xơ hóa: Nhờ vào các kỹ thuật đặc biệt, các hóa chất khác nhau mà người ta có thể khiến cấu trúc của polyp bị xơ hóa, các tổ chức của polyp không được nuôi dưỡng đủ nên sẽ khiến polyp tự rụng sau một thời gian.
- Đông lạnh Polyp: Cho polyp tiếp xúc với nitơ lỏng khiến cấu trúc của polyp bị đông cứng, không được nuôi dưỡng và các mô của polyp sẽ tự chết và rụng đi.
- Sử dụng sóng cao tần: Ngoài những phương pháp trên, sóng cao tần cũng có thể được sử dụng để diều trị polyp hậu môn. Dưới tác dụng của sóng cao tần, máu trong các mạch nuôi của polyp bị đông và không nuôi dưỡng được mô.
Nếu các trường hợp polyp có kích thước quá lớn hoặc có các tổn thương liên quan mà các phương pháp đã kể trên không thể giải quyết được thì người bệnh có thể được phẫu thuật bằng phương pháp truyền thống.
Mặc dù hầu hết các trường hợp polyp hậu môn không quá nguy hiểm, nhưng nếu không được quan tâm xử lý kịp thời thì bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như:
- Nhiễm trùng: Các vết trầy xước ở polyp do ma sát với khối phân khi đại tiện, hoặc hoạt động hằng ngày có thể trở thành cửa ngõ cho sự xâm nhập của vi khuẩn gây nên nhiễm trùng.
- Táo bón: Cừng với sự lớn lên của polyp hậu môn, không gian của trực tràng và hậu môn cũng sẽ thu nhỏ lại. Điều này khiến đường tống phân ra khỏi cơ thể bị cản trở khiến phân bị ứ lại dễ gây nên táo bón. Khi táo bón xảy ra nó lại càng thúc đẩy sự phát triển mạnh hơn của polyp.
- Sa trực tràng: Sa trực tràng cũng là một biến chứng khá thường thấy của bệnh. Nó được lý giải là do khối polyp phát triển lớn dần kéo theo sự di chuyển của trực tràng xuống dưới vị trí giải phẫu bình thường.
- Thiếu máu: Thiếu máu vừa được xem như một biểu hiện nhưng cũng là một biến chứng của bệnh. Chảy lâu dài có thể gây nên các đặc điểm của thiếu máu mãn tính do mất máu.
- Ung thư hóa: Ung thư hóa là biến chứng nguy hiểm nhất của polyp hậu môn. Do vậy việc thực hiện giải phẫu bệnh đối với cấu trúc mô của polyp hậu môn là rất cần thiết.
Dinh dưỡng là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân polyp hậu môn. Một chế độ dinh dưỡng đúng sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa tốt hơn sự tiến triển của bệnh và giảm thiểu sự biểu hiện của các triệu chứng:
- Những thực phẩm nên sử dụng: Các thực phẩm được khuyên sử dụng cho bệnh nhân polyp hậu môn là những thực phẩm dễ tiêu hóa chẳng hạn như các loại thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, trái cây), những thực phẩm có tính nhuận tràng, thực phẩm chứa nhiều nước,... để tránh táo bón xảy ra. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được khuyên nên sử dụng nhiều hơn các loại thực phẩm giàu chất sắt và acid folic để quá trình tạo máu được diễn ra hiệu quả hơn.
- Những thực phẩm nên kiêng dùng: Các loại thực phẩm dễ gây kích thích hậu môn như đồ ăn cay nóng, các loại gia vị mạnh như tiêu, ớt,... là những thực phẩm không tốt cho bệnh nhân bị polyp hậu môn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng hạn chế sử dụng bia và các loại đồ uống gas để tránh làm tăng áp lực ổ bụng.
Không có cách nào giúp bạn tránh khỏi hoàn toàn nguy cơ mắc polyp hậu môn, tuy nhiên bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau đây để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
- Sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm có tính nhuận tràng, uống nhiều nước để phòng chống táo bón. Hạn chế các loại thực phẩm dễ gây táo bón, khó tiêu hóa như ổi xanh,...
- Hạn chế ngồi lâu để ngăn ngừa táo bón xảy ra, nên thay đổi tư thế bằng cách đứng lên hoặc đi lại nhẹ nhàng sau mỗi khoảng làm việc để thư giãn cho vùng hậu môn và vùng chậu.
- Quan hệ tình dục an toàn, tránh quan hệ tình dục bằng đường hậu môn.
- Polyp hậu môn có di truyền không?
Sự xuất hiện polyp hậu môn có liên quan nhiều đến yếu tố di truyền, cha mẹ bị bệnh thì con cái cũng dễ dàng xuất hiện bệnh hơn. Ngoài ra, bệnh nhân xuất hiện polyp hậu môn có sự ảnh hưởng của di truyền thì nguy cơ ung thư hóa cũng cao hơn so với trường hợp bệnh gây nên bởi các nguyên nhân khác.
- Bệnh nhân polyp hậu môn cần lưu ý gì khi đại tiện?
Đối với các bệnh nhân polyp hậu môn, một số lưu ý khi đại tiện là rất quan trọng để có thể giúp bệnh nhân hạn chế sự biểu hiện của bệnh cũng như ngăn ngừa biến chứng. Những lưu ý bệnh nhân cần nhớ kể đến như vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn (tránh chà xát, có thể dùng nước), không nhịn đại tiện tránh gây táo bón, ngồi đại tiện đúng tư thế,...
- Khi nào bệnh nhân nên gặp bác sĩ?
Các bất thường xảy ra tại hậu môn có thể báo hiệu cho một vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Do vậy, người bệnh không nên chủ quan khi có bất kỳ triệu chứng nào xảy ra. Nếu có, hãy đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.