Polyp cổ tử cung là bệnh gì? Những điều cần biết về bệnh polyp cổ tử cung

Polyp cổ tử cung là bệnh gì? Những điều cần biết về bệnh polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là ở độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Vậy polyp cổ tử cung có nguy hiểm không? Tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây!

Polyp cổ tử cung tuy không đe dọa tới tính mạng người bệnh nhưng có thể ảnh hưởng tới khả năng thụ thai của chị em. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, polyp cổ tử cung hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm.

1. Bệnh polyp cổ tử cung là gì?

Để hiểu polyp cổ tử cung là bệnh gì cần nắm bắt khái niệm cổ tử cung. Theo đó, cổ tử cung thường có chiều dài từ 2,5 - 3cm. Cổ tử cung là phần dưới của tử cung, nối tử cung với phần trên của âm đạo. Chức năng của cổ tử cung là đường dẫn giúp trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ tinh. Ngoài ra, trong lúc phụ nữ chuyển dạ thì phần này trở nên rộng và mỏng hơn nhằm giúp thai nhi trong bụng có thể chui qua dễ dàng.

Polyp cổ tử cung xảy ra khi phần trên của cổ tử cung xuất hiện các u nhỏ. Bệnh lý này được định nghĩa là tình trạng tăng sinh bất thường của các tế bào trên cổ tử cung. Cụ thế, polyp có kích thước từ vài mm đến vài cm, thường có dạng như ngón tay, bóng đèn hay dạng nấm, có thể đơn độc hoặc mọc thành chùm.

Polyp cổ tử cung có màu hồng, mềm và khi chạm vào dễ chảy máu. Polyp thường nằm trên bề mặt cổ tử cung hoặc ở bên trong ống cổ tử cung, trong một số trường hợp polyp có thể thò ra ngoài qua cổ tử cung và nằm trong âm đạo.

Vậy bệnh lý polyp tử cung có nguy hiểm không? Trên thực tế, các polyp thường lành tính hoặc không có tế bào ung thư. Rất hiếm trường hợp polyp cổ tử cung gây ra ung thư cổ tử cung.

Polyp cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh 1.

Polyp cổ tử cung là tình trạng tăng sinh bất thường của các tế bào trên cổ tử cung - Ảnh Internet.

Đọc thêm bài viết: Bị bệnh polyp cổ tử cung có thai được không?

2. Triệu chứng của polyp cổ tử cung

Bệnh lý polyp cổ tử cung thường bị nhầm lần với một số bệnh lý khác do có biểu hiện không rõ ràng. Thông thường, polyp cổ tử cung được phát hiện khi chị em đi thăm khám phụ khoa hoặc có những dấu hiệu bất thường.

2.1. Những triệu chứng của polyp cổ tử cung

- Ra máu âm đạo bất thường: Polyp cổ tử cung gây chảy máu âm đạo bất thường. Đây là triệu chứng thường gặp nhất của polyp cổ tử cung. Theo đó, hiện tượng ra máu ở âm đạo có thể sau khi quan hệ tình dục, giữa chu kỳ kinh, sau khi thụt rửa âm đạo hay ra máu sau giai đoạn mãn kinh.

- Dịch tiết âm đạo nhiều, có màu trắng hoặc vàng, có mùi hôi tanh.

- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, số ngày kinh kéo dài, lượng kinh nhiều và đau bụng dưới trong những ngày "đèn đỏ".

- Tiểu buốt, đi tiểu nhiều nhưng lượng nước tiểu ít.

2.2. Dấu hiệu bệnh polyp cổ tử cung hoại tử

Khi polyp cổ tử cung bị hoại tử, khối polyp cổ tử cung có thể tự mất đi nhưng một số trường hợp có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Vậy dấu hiệu của polyp cổ tử cung hoại tử là gì?

Dưới đây là những dấu hiệu khi polyp cổ tử cung bị hoại tử:

- Cảm giác đau đớn, không thoải mái khi quan hệ tình dục.

- Xuất hiện tình trạng ra máu bất thường như bệnh polyp cổ tử cung.

- Có thể âm đạo xuất hiện khí hư màu trắng hoặc màu vàng.

Như vậy, polyp cổ tử cung hoại tử có những triệu chứng tương tự như bệnh polyp cổ tử cung. Cần lưu ý, tình trạng hoại tử của polyp cổ tử cung sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công vào các lớp biểu mô của cổ tử cung gây ra những bệnh phụ khoa như viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung,…

Không những vậy, polyp cổ tử cung bị hoại tử gây ra tình trạng chảy máu kéo dài gây ra tình trạng mệt mỏi ,đau đớn khi quan hệ làm ảnh hưởng chuyện “chăn gối” của vợ chồng.

Ngoài ra, polyp cổ tử cung bị hoại tử nếu như không kịp thời phát hiện và điều trị thì nguy cơ ung thư cổ tử cung sẽ rất cao. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, ngay khi có các triệu chứng bất thường, chị em cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.

Polyp cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh 2.

Đau đớn khi quan hệ tình dục là một trong những triệu chứng pplyp cổ tử cung hoại tử - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Tổng hợp những cách điều trị viêm cổ tử cung tốt nhất cho chị em hiện nay

Nhận biết sớm 7 dấu hiệu ung thư cổ tử cung dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường

3. Nguyên nhân gây polyp cổ tử cung

Cho đến này, nguyên nhân gây ra bệnh lý polyp cổ tử cung hiện giờ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, có một số nguyên nhân gây ra tình trạng mắc polyp cổ tử cung:

- Nồng độ Estrogen cao, đặc biệt là với những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và tiền mãn kinh. Theo đó, nồng độ Estrogen trung bình ở độ tuổi từ 19−29 là 149 pg/ml, tuổi 30−39 là 210 pg/ml, tuổi 40–49 là 152 pg/ml, tuổi 50–59 là 130 pg/ml. Riêng với phụ nữ đang hành kinh dao động ở mức 50−400 pg/ml. Nếu nồng độ Estrogen cao hơn mức bình thường này, chị em có nguy cơ bị polyp cổ tử cung cao hơn.

- Bị viêm nhiễm âm đạo - cổ tử cung: Mắc các bệnh viêm nhiễm ở những bộ phận sinh dục là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh polyp tử cung.

- Tắc nghẽn mạch máu: Tình trạng tắc nghẽn mạch máu là do một số phẫu thuật hoặc một số biện pháp phòng tránh thai làm cho nội mạc tử cung bị nhiễm trùng,.... Từ đó, làm thành nội mạc tử cung dày lên dễ hình thành nên các hạt polyp, gây ra polyp cổ tử cung.

- Mắc bệnh lạc nội mạc tử cung: Với những phụ nữmắc bệnh lạc nội mạc tử cung thì lớp niêm mạc không được đưa ra ngoài trong kỳ kinh nguyệt. Lớp niêm mạc này sau khi nằm ở trong cổ tử cung lâu dần sẽ hình thành nên các khối polyp cổ tử cung

- Phá thai không an toàn: Phá thai ở những cơ sở không uy tín không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh polyp tử cung. Việc nhau thai, hoặc một số bộ phận của thai nhi bị sót lại sau phẫu thuật là nguyên nhân chủ yếu gây viêm nội mạc tử cung, từ đó dẫn đến bệnh polyp cổ tử cung.

- Tác dụng phụ của thuốc: Những đối tượng bị tăng cân hoặc thừa cân do sử dụng các loại thuốc kháng sinh như thuốc huyết áp, thuốc điều trị ung thư,… sẽ có nguy cơ mắc polyp cổ tử cung cao hơn các đối tượng khác.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thói quen sinh hoạt không điều độ hoặc đời sống tình dục không lành mạnh cũng là thủ phạm dẫn tới bệnh lý polyp cổ tử cung.

4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh polyp cổ tử cung

Pplyp cổ tử cung có thể gặp ở mọi phụ nữ. Tuy nhiên, có những đối tượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh polyp cổ tử cung:

- Độ tuổi: Phụ nữ ở độ tuổi từ 40-50 tuổi và có nhiều hơn 1 con có nguy cơ mắc bệnh polyp cổ tử cung cao nhất.

- Đang trong thời gian thai kỳ; Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị bệnh polyp nhiều hơn do sự gia tăng hormone Estrogen.

- Viêm nhiễm: Những phụ nữ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như nhiễm vi khuẩn, HPV, herpes, nấm hoặc có thai, sẩy thai, nạo hút thai, thay đổi nội tiết cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh polyp cổ tử cung.

5. Phương pháp chẩn đoán polyp cổ tử cung

Bệnh lý polyp cổ tử cung là một trong những căn bệnh chẩn đoán dễ dàng. Theo đó, khi khám phụ khoa, các bác sĩ đã có thể phát hiện ra polyp cổ tử cung.

Tuy nhiên, những trường hợp polyp ống cổ tử cung sẽ khó phát hiện hơn thì cần sự hỗ trợ của siêu âm.

6. Điều trị Polyp cổ tử cung

Khi phát hiện bị mắc bệnh polyp cổ tử cung, người bệnh đều mong muốn điều trị sớm để loại bỏ sự khó chịu và các bất thường do polyp. Trên thực tế, việc loại bỏ polyp cổ tử cung thường đơn giản, có thể thực hiện ngay tại phòng khám và không cần dùng thuốc giảm đau.

Cụ thể, các phương pháp xử trí polyp cổ tử cung bao gồm:

- Biện pháp xoắn chân polyp cổ tử cung trên bề mặt.

- Buộc chỉ phẫu thuật quanh chân polyp và cắt bỏ chúng.

- Dùng vòng kẹp loại bỏ polyp cổ tử cung

- Một số phương pháp loại bỏ chân polyp như phương pháp Ni tơ lỏng, dao điện đốt chân, tia lazer.

Cần lưu ý đối với những trường hợp polyp ống cổ tử cung và chân polyp to, người bệnh có thể được làm thủ thuật tại phòng mổ. Lúc này, các bác sĩ sẽ mở ống cổ tử cung cắt polyp và đốt chân, sau đó sẽ khâu phục hồi ống cổ tử cung.

Sau khi các bác sĩ tiến hành làm các thủ thuật, người bệnh thông thường sẽ được chỉ định dùng kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Tiếp đó, polyp sẽ được gửi giải phẫu bệnh để kiểm tra tế bào. Người bệnh có thể ra chút máu âm đạo trong vòng 1-2 ngày nhưng hiện tượng này sẽ tự hết. Khi điều trị polyp cổ tử cung cần kiêng quan hệ tình dục 4 - 6 tuần và kiểm tra lại sau 1 tháng.

Polyp cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh 3.

Điều trị polyp cổ tử cung bằng cách xoắn chân polyp trên bề mặt - Ảnh Internet.

7. Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị bệnh polyp cổ tử cung

7.1. Cắt polyp cổ tử cung nên ăn gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị polyp cổ tử cung sau khi tiến hành các thủ thuật điều trị bệnh, cần tăng cường các thực phẩm sau đây vào trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày:

- Các thực phẩm từ đậu: Một số thực phẩm như đậu phụ, sữa đậu nành, đậu hũ, đậu Hà Lan,… không những có chứa estrogen thực phẩm mà tốt cho người bị polyp cổ tử cung.

- Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C có nhiều trong các loại quả cam, quýt, bưởi, dâu tây,… giúp khống chế những tổn thương do virus gây ra.

- Thực phẩm giàu kẽm và selenium: Nhóm thực phẩm này bao gồm thịt bò, yến mạch, nấm, cá hồi,… Bổ sung những thực phẩm này có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và ngăn chặn sự tấn công của các vi khuẩn gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, bệnh lý vùng kín.

7.2. Sau khi cắt polyp cổ tử cung nên kiêng gì?

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị polyp cổ tử cung và tiến hành các thủ thuật loại bỏ nó, người bệnh nên tránh xa các thực phẩm sau đây để nhanh lành bệnh:

- Các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ.

- Các loại gia vị cay, nóng.

- Thực phẩm chứa nhiều chất béo, đường.

- Các loại thực phẩm có vị chua.

- Hải sản và các thực phẩm có tính hàn.

- Rượu, bia, đồ uống có gas, thuốc lá và các chất kích thích. 

Ngoài ra, khi điều trị polyp cổ tử cung, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau:

- Kiêng quan hệ tình dục: Khi cổ tử cung chưa được phục hồi, bệnh nhân cần kiêng quan hệ vì trong mỗi “cuộc yêu” sẽ gây đau đớn cho vùng kín, cổ tử cung tổn thương, vi khuẩn xâm nhập làm viêm nhiễm trầm trọng hơn.

- Không thụt rửa sâu: Thụt rửa quá sâu vì sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào âm đạo gây ảnh hưởng xấu.

- Tránh dùng đồ lót ẩm ướt.

- Không làm việc nặng, ngủ quá giấc.

8. Một số câu hỏi liên quan tới bệnh polyp cổ tử cung

8.1. Polyp cổ tử cung có tái phát không?

Polyp cổ tử cung có tái phát không là băn khoăn của rất nhiều người bệnh. Câu trả lời cho câu hỏi này là trong một số trường hợp cắt bỏ polyp, một thời gian sau lại thấy xuất hiện lại.

Nguyên nhân tái phát bệnh polyp cổ tử cung là do nếu đơn thuần cắt bỏ polyp mà không tiêu viêm, các chứng viêm trong tử cung vẫn tồn tại khiến polyp xuất hiện trở lại. Ngoài ra, khi cắt bỏ nhưng vẫn chưa được triệt để gốc rễ các polyp mọc sâu trong tử cung hoặc chỉ xử lý được những polyp có thể nhìn thấy được thì polyp cổ tử cung tái phát.

Do đócác bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đến gặp bác sĩ ngay khi có bất cứ dấu hiệu bất thường.

8.2. Polyp cổ tử cung có tự rụng không?

Polyp cổ tử cung không thể tự rụng được và chúng chỉ được loại bỏ khi được can thiệp bởi các kỹ thuật y tế.

8.3. Mang thai bị polyp cổ tử cung có sao không?

Có bầu bị polyp cổ tử cung có nguy hiểm không là băn khoăn của rất nhiều chị em. Theo đó, những khối polyp không những khiến người bệnh cảm thấy đau rát và khó chịu mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng sinh sản.

Tùy vào kích thước khối u, mẹ bầu bị polyp cổ tử cung có thể đối mặt với những rủi ro sức khỏe sau đây:

- Nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa do tăng tiết dịch âm đạo.

- Ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý và sức khỏe mẹ bầu do polyp cổ tử cung khiến các mẹ lo lắng và khó chịu.

-Những khối polyp sẽ phát triển ngày càng lớn theo thời gian có thể bịt kín cổ tử cung và gây khó khăn trong quá trình sinh đẻ, nhất là khi sinh thường.

- Nguy cơ sảy thai và sinh non, nhất là với những ai áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Polyp cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh 4.

Phụ nữ mang thai mắc polyp cổ tử cung có thể gặp khó khăn khi vượt cạn - Ảnh Internet.

9. Phòng ngừa polyp cổ tử cung bằng cách nào?

Theo các bác sĩ, chị em hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh polyp cổ tử cung bằng các biện pháp sau:

- Theo dõi kỹ chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng nhằm phát hiện những triệu chứng hoặc dấu hiệu bất thường một cách sớm nhất. Nếu phát hiện bệnh từ sớm thì tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn rất cao và ít gây ra biến chứng nguy hiểm.

- Khám phụ khoa định kỳ.

- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

- Chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn nhiều trái cây và rau xanh. Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia hay hút thuốc lá, hạn chế những đồ ăn nhiều dầu mỡ,…

- Sử dụng đồ lót được làm từ vải cotton thoáng mát, khô ráo, giúp quá trình lưu thông không khí trở nên tốt hơn,ngăn ngừa được những tình trạng viêm nhiễm do độ ẩm quá mức.

Polyp cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa trị khỏi hoàn toàn là rất cao. Vì vậy, ngay khi có các triệu chứng bất thường, phụ nữ cần đi thăm khám và chẩn đoán càng sớm càng tốt.


Tác giả: Ngọc Điệp