Phương pháp và những lưu ý khi sử dụng máy hút đờm giúp tan đờm hiệu quả

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phương pháp và những lưu ý khi sử dụng máy hút đờm giúp tan đờm hiệu quả
Máy hút đờm hiện nay được áp dụng hiệu quả với các bệnh đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi…dành cho cả người lớn và trẻ em. Tuy máy khá dễ sử dụng, nhưng người dùng cần lưu ý để đạt được hiệu quả cao nhất.

Nhìn chung, máy hút đờm hiện nay có thiết kế nhỏ gọn, phù hợp sử dụng cho cá nhân và gia đình. Cách thức vận hành của máy cũng rất đơn giản, chỉ bằng một nút nhấn.Máy hút đờm có thể giúp người bệnh thoát khỏi các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi, bệnh viêm mũi, viêm đường hô hấp, viêm phổi.


1. Mục đích của việc hút đờm

- Làm sạch dịch, chất nhầy, đờm để khai thông đường hô hấp.

- Tạo thuận lợi cho sự lưu thông trao đổi khí.

- Phòng tránh nhiễm khuẩn do sự tích tụ, ứ đọng đờm dãi.

- Hút sâu (hút đường hô hấp dưới) còn để kích thích phản xạ ho.

2. Ai nên dùng máy hút đờm?

- Bệnh nhân có nhiều đờm nhưng không tự khạc ra được.

- Bệnh nhân hôn mê, co giật có xuất tiết nhiều đờm.

- Bệnh nhân hít phải chất nôn, trẻ em bị sặc bột.

- Trẻ sơ sinh sặc nước ối ngạt.

- Bệnh nhân mở khí quản, đặt ống nội khí quản thở máy

3. Cách thực hiện quy trình hút đờm

- Kỹ thuật hút đờm được thực hiện trên nguyên tắc cơ bản là ứng dụng lực từ máy hút đờm để lấy hết các dịch ứ đọng trên đường hô hấp, sau đó đẩy chúng ra bên ngoài. 

- Trước khi thực hiện, người hút phải rửa tay sạch, đeo khẩu trang, đeo găng tay vô khuẩn. Sử dụng ống thông dùng một lần hoặc ống vô khuẩn, khuyến khích dùng loại ống hút có lỗ phụ bên cạnh. Khi hút thực hiện điều chỉnh áp lực hút trên máy hút đờm cho phù hợp: Từ âm 100 đến âm 120mmHg đối với người lớn.

Hút thông đờm hô hấp trên: 

Thực hiện hút các đờm tại mũi, miệng. 

Hút thông đường hô hấp dưới: 

Hút đờm dãi thông qua miệng hoặc qua mũi hoặc có thể là đường thở nhân tạo tới khí quản và phế quản.

- Để tránh nhiễm khuẩn thì khi hút đờm cần phải cầm ống hút bằng tay thuận. Đưa ống hút vào trực tiếp qua mũi hoặc qua miệng một cách nhẹ nhàng tránh tổn thương niêm mạc. Đặt ống hút đờm vào đúng vị trí cần hút, bịt lỗ phụ bên cạnh ống rồi thực hiện rút ống thông ra. Sau mỗi lần hút nhớ vệ sinh và khử trùng đầu ống hút. Vệ sinh mũi miệng cho người bệnh sau khi hoàn thành.

4. Những điều cần lưu ý khi sử dụng máy hút đờm

- Trước hàng loạt sản phẩm máy hút đờm trên thị trường hiện nay sẽ khiến bệnh nhân khó khăn khi lựa chọn. Tùy thuộc vào giá cả, mẫu mã, cách sử dụng tiện lợi cũng như tính an toàn của sản phẩm để người dùng đưa ra sự lựa chọn tốt nhất.

- Cần chú ý máy hút đờm do nước nào, thương hiệu nào sản xuất và có uy tín không? Tìm hiểu phản hồi của các khách hàng đã từng sử dụng như thế nào? Nghiên cứu các thông số kỹ thuật của máy hút đờm. Lưu ý dung tích bình hút và kích thước máy hút đờm có phù hợp hay không?

- Một số vấn đề có thể xảy ra khi thực hiện kỹ thuật hút đờm dãi như tổn thương niêm mạc mũi, niêm mạc đường thở, gây chảy máu, nhiễm khuẩn, tăng hoặc hạ huyết áp …Vì vậy, tốt nhất nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như nắm rõ kỹ thuật hút đờm để tránh những biến chứng trên.

- Phải đảm bảo kỹ thuật vô khuẩn trong khi hút thông đường hô hấp dưới cho bệnh nhân để tránh gây bội nhiễm cho người bệnh.

- Không được dùng chung ống thông, khay quả đậu, kẹp phẫu tích cho cả hút đường hô hấp trên và dưới.

- Dụng cụ dùng để hút đường hô hấp trên và hút đường hô hấp dưới phải để ở những khu vực riêng hoặc đánh dấu rõ ràng để tránh nhầm lần khi sử dụng.

- Phải thường xuyên hút đờm dãi cho bệnh nhân nhưng không được hút nhiều lần liên tục. Không được hút quá dài trong một lần hút, không được hút quá sâu và phải đảm bảo áp lực hút, không được hút với áp lực mạnh. Lý do là bởi vì:

+ Hút thường xuyên để đường hô hấp luôn được thông thoát, không bị tắc nghẽn.

+ Hút nhiều lần liên tục và hút lâu gây thiếu oxy.

+ Hút áp lực mạnh. làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp.



Tác giả: HNL