Trong một số trường hợp, bệnh nhân ung thư lưỡi sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp hoá trị. Đây là phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư lưỡi. Cùng tìm hiểu về tác dụng, cách thức thực hiện, thời gian điều trị và tác dụng phụ của hoá trị trong bài viết sau.
Hoá trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc hoá học để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp hoá trị có thể được sử dụng là phương pháp điều trị chính, hoặc sử dụng trước hoặc sau các phương pháp điều trị ung thư lưỡi khác.
Hoá trị giúp tiêu diệt các tế bào còn sót lại sau phẫu thuật gọi là hoá trị bổ trợ. Trong trường hợp này, phương pháp hoá trị có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ tái phát của bệnh ung thư. Loại hoá trị sử dụng trước phẫu thuật để giảm kích thước khối u được gọi là hoá trị tân bổ trợ. Hoá trị tân bổ trợ sẽ giúp bệnh nhân ung thư lưỡi tránh được việc cắt bỏ diện tích rộng.
Phương pháp hoá trị điều trị ung thư lưỡi có tác dụng:
- Thu nhỏ kích thước và thể tích của các khối u trước khi phẫu thuật.
- Ngăn chặn các tế bào ung thư lưỡi phân chia và phát triển.
- Ngăn chặn sự phát triển của mạch máu cung cấp nguồn dinh dưỡng cho các khối u.
- Kiểm soát và hạn chế các triệu chứng của bệnh ung thư lưỡi.
- Nâng cao hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư lưỡi khác như phẫu thuật và xạ trị
Bệnh nhân có thể được chỉ định hóa trị điều trị ung thư lưỡi bằng đường uống hoặc đường tiêm. Với đường tiêm, các hoá chất sẽ được tiêm hoặc truyền dưới da, tĩnh mạch. Cụ thể:
Nếu sức khỏe cho phép, bệnh nhân hoàn toàn có thể sử dụng các loại thuốc hoá trị này tại nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần đến bệnh viện thường xuyên để kiểm tra sức khỏe và khả năng đáp ứng với thuốc. Thuốc dùng trong phương pháp hoá trị đường uống thường có dạng viên nang hoặc chất lỏng.
Thuốc được tiêm trực tiếp bằng kim hoặc truyền qua da, tĩnh mạch và cơ bắp.
- Truyền qua đường tĩnh mạch sẽ nhanh chóng hấp thu vào tuần hoàn máu và đi khắp cơ thể.
- Tiêm dưới da: Các bác sĩ sẽ dùng loại kim tiêm ngắn để đưa thuốc vào khoảng giữa da và cơ mà không đi quá sâu vào lớp cơ. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với bệnh nhân có số lượng tiểu cầu thấp bởi ít gây chảy máu cho người bệnh.
- Tiêm cơ bắp: Thuốc được đưa sâu vào lớp cơ bằng loại kim tiêm có kích thước lớn hơn kim tiêm dưới da. Đường tiêm này giúp người bệnh hấp thụ thuốc nhanh hơn đường uống nhưng lại chậm hơn đường dưới da và đường tiêm tĩnh mạch.
Để đạt kết quả tốt nhất, bệnh nhân cần được hóa trị thường xuyên trong một khoảng thời gian theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Giữa các đợt hoá trị điều trị ung thư lưỡi sẽ có khoảng nghỉ để cơ thể người bệnh kịp thích nghi và phục hồi.
Thời gian cho một đợt hoá trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và sự phát triển của bệnh. Hoá trị có thể hoàn thành trong một ngày, sau đó bệnh nhân sẽ được nghỉ trong một tuần và lại tiếp tục điều trị. Việc điều trị bằng phương pháp hoá trị sẽ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi bác sĩ yêu cầu ngừng hoá trị.
Đi kèm với hoá trị luôn là các tác dụng phụ từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Thông thường, bệnh nhân điều trị ung thư lưỡi bằng phương pháp hoá trị sẽ phải gặp phải các vấn đề sau:
- Thường xuyên có cảm giác buồn nôn và nôn khan.
- Khô da, sạm da và nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
- Rụng tóc.
- Viêm dạ dày, xuất huyết tiêu hoá.
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Miệng có hiện tượng viêm hoặc lở loét.
- Lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu giảm, sinh ra tình trạng thiếu máu.
- Hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim hoặc suy tim.
- Các vấn đề về đường ruột.
- Mệt mỏi và ăn không ngon miệng.
Hoá trị được sử dụng làm phương pháp chính hoặc phương pháp hỗ trợ trong điều trị ung thư lưỡi. Nắm rõ các kiến thức liên quan đến phương pháp này giúp người bệnh chủ động hơn trong quá trình điều trị.