Viêm phổi do vi khuẩn hay còn gọi là nhiễm trùng phổi. Đây là bệnh nhiễm trùng ở phổi do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn thâm nhập vào phổi thông qua đường hô hấp hoặc qua đường máu. Thông thường bệnh viêm phổi vi khuẩn thường nhẹ, nhưng trong một số trường hợp bệnh cũng có thể gây tử vong.
Người bị bệnh viêm phổi do vi khuẩn thường có những triệu chứng như: đau ngực, ớn lạnh, hay nhầm lẫn, ho, sốt, đau đầu hoặc đau cơ. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng khác, bao gồm:
- Đau tức ngực khi thở, đờm có màu vàng hay xanh (đôi khi có máu), hụt hơi, đổ mồ hôi, mệt mỏi.
- Bệnh nhân bị viêm phổi nặng thường thở gấp, huyết áp thấp, thân nhiệt cao hơn 39 độ C và hay nhầm lẫn.
- Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác, nếu gặp những triệu chứng bất thường, hãy tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
- Viêm phổi do vi khuẩn xuất hiện khi vi khuẩn vượt qua cơ chế bảo vệ của cơ thể và lọt vào phổi, gây ra tình trạng viêm nhiễm. Các loại vi khuẩn phổ biến gây ra viêm phổi vi khuẩn là Streptococcus, Mycoplasma, Staphylococcus, Haemophilus và Legionella.
- Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, hai nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là:
+ Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, vì hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển;
+ Người lớn hơn 65 tuổi.
- Một yếu tố khác làm tăng nguy cơ gây viêm phổi do vi khuẩn là hút thuốc. Hút thuốc lá ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của phổi, gây hại đến hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
- Một số bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh tim mà bạn đang mắc phải cũng là yếu tố gây viêm phổi do vi khuẩn.
- Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi là do hệ thống miễn dịch bị suy yếu hoặc bị ức chế do các yếu tố như HIV/AIDS, ghép tạng, hóa trị cho bệnh ung thư hay sử dụng steroid trong thời gian dài.
- Phương pháp điều trị bệnh viêm phổi do vi khuẩn phổ biến nhất là sử dụng thuốc kháng sinh. Người bệnh nhẹ có thể uống thuốc kháng sinh và thường cảm thấy khỏe hơn từ 2-3 ngày. Phần lớn người bệnh có thể hồi phục lại sau 7-10 ngày.
- Nếu bệnh trở nặng, người bệnh cần được nhập viện và truyền dịch kháng sinh. Họ cần được hỗ trợ thở oxy và dùng thuốc đặc trị để làm sạch đờm. Ngoài ra, bệnh nhân có thể cần được lọc máu và điều trị ở khu vực chăm sóc đặc biệt.
Một số lưu ý khi điều trị viêm phổi do vi khuẩn:
- Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang sử dụng (kể cả thuốc kê toa hay thuốc không kê toa).
- Bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc đang điều trị bệnh khác.
- Liên lạc với bác sĩ nếu tình trạng bệnh xấu đi hay bạn không khỏe hơn sau 2-3 ngày.
- Rửa tay thường xuyên nhằm tránh làm bệnh lây lan.
- Uống kháng sinh theo đúng như đơn thuốc, cho đến khi hết bệnh.
- Uống paracetamol hay aspirin để giảm sốt và đau (không dùng cho trẻ em).
- Uống nhiều nước để tránh bị mất nước.
- Hít thở không khí trong lành, có thể sử dụng máy làm ẩm không khí.
- Liên hệ với bác sĩ nếu sốt cao, nước bọt có màu xanh hay vàng, khó thở, đau ngực hay da sạm đi, môi và móng tay tím tái.
- Tránh các khu vực có không khí ô nhiễm và khói thuốc, đặc biệt nếu bạn có vấn đề về phổi.