Phương pháp điều trị ung thư vú di căn xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Phương pháp điều trị ung thư vú di căn xương
Phương pháp điều trị ung thư vú di căn xương bao gồm các liệu pháp giảm đau, liệu pháp làm chắc xương, liệu pháp nội tiết, sinh học, hoá trị, xạ trị và phẫu thuật. Các biện pháp điều trị có thể áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp tuỳ vào tình trạng của bệnh nhân.

Khi bước tới giai đoạn ung thư vú di căn vào xương, bệnh nhân sẽ được áp dụng biện pháp điều trị giảm nhẹ triệu chứng như là giảm đau, duy trì và cải thiện khả năng vận động, thuốc làm xương chắc, và làm chậm sự phát triển của ung thư. Phương pháp điều trị ung thư vú di căn xương có thể bao gồm:

- Giảm đau

- Liệu pháp làm chắc xương

- Liệu pháp nội tiết

- Liệu pháp nhắm trúng đích (liệu pháp sinh học)

- Hóa trị

- Xạ trị

- Phẫu thuật

Các điều trị này có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau.

Khi đưa ra quyết định về điều trị tốt nhất cho bạn, các bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố như:

- Mức độ ung thư trong xương

- Tế bào ung thư lây lan sang đến các cơ quan nào

- Biểu hiện của người bênh

- Phác đồ điều trị trong quá khứ

- Đặc tính của ung thư vú di căn

- Bệnh nhân đã mãn kinh chưa

- Tình trạng sức khoẻ tổng thể của người bệnh

Các bác sĩ sẽ thảo luận cách điều trị với bệnh nhân và có lưu tâm đến mong muốn của bạn. Họ sẽ nói chuyện với bạn về các lựa chọn, giải thích mục đích của điều trị và giúp bạn xem xét và cân nhắc các lợi ích so với các tác dụng phụ/ngoại ý có thể xảy ra.

Phương pháp điều trị ung thư vú di căn xương:

1. Liệu pháp làm chắc xương

1.1. Phân loại thuốc

Biphosphonates và denosumab là các thuốc tác dụng theo cách hơi khác nhau để làm chắc các xương và làm giảm tổn thương do ung thư gây ra.

Các thuốc này cũng giúp kiểm soát nồng độ canxi trong máu để nó không quá cao.

- Bisphosphonates

Là nhóm các thuốc làm chậm quá trình hủy xương trong khi cho phép xương mới được sinh ra như thường lệ. Bisphosphonates có tác dụng này bằng cách làm giảm số lượng và hoạt động của hủy cốt bào trong xương.

Biphosphonates có thể được đưa vào cơ thể qua:

+ Đường truyền (qua ven hay tĩnh mạch). Đường uống (viên nén hoặc viên con nhộng. Các điều trị bằng đường uống và truyền tĩnh mạch đều có hiệu quả và bác sĩ sẽ khuyến nghị loại nào thích hợp cho bạn.

+Truyền tĩnh mạch (IV) Bisphosphonates

Thường thì bệnh nhân cần được xét nghiệm máu trước khi truyền thuốc, bao gồm xét nghiệm chức năng thận (xem phần tác dụng phụ của bisphosphonates và denosumab) và kiểm tra lượng can-xi trong máu.

Truyền disodium pamidronate (Aredia) qua tĩnh mạch bệnh nhân trong khoảng 90 phút, khoảng 3-4 tuần/lần. Truyền Axit Ibandronic (Bondronat) cho bệnh nhân trong vòng 15 – 60 phút, khoảng 3-4 tuần/lần. Truyền Axit Zoledronic (Zometa) cho bệnh nhân trong vòng 15-30 phút, khoảng 3-4 tuần/lần. Một khi bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc này khoảng 1 năm rồi thì bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị cứ 12 tuần/lần.

Thuốc uống bisphosphonates

Uống bisphosphonates hàng ngày. Tốt nhất là dùng thuốc này sau khi thức dậy vào buổi sáng, trước khi ăn/uống và chỉ uống thuốc với nước lọc mà thôi. Thuốc không hấp thụ được khi có thức ăn hoặc chất lỏng có chứa canxi, như là sữa, trong dạ dày. 

Có nghĩa là bệnh nhân không nên ăn hay uống gì cả khoảng 1 tiếng trước và sau khi uống bisphosphonates. Bạn nên đứng hoặc ngồi trong một giờ sau khi uống thuốc để tránh sự khó chịu trong thực quản.

Thuốc axit Ibandronic (Bondronat) dạng viên nén. Thuốc Disodium clodronate (Bonefos, Loron, Clasteon) có thể uống dạng viên nén hoặc viên nhộng.

- Denosumab (Xgeva)

Denosumab là một dạng liệu pháp nhắm đích (liệu pháp sinh học) chuyên điều trị ung thư vú di căn xương.

Thuốc denosumab giảm sự tiêu xương, giảm nguy cơ xảy ra biến chứng do di căn xương như gãy xương. Thuốc này tác dụng bằng cách gắn vào và ức chế chất có tên gọi là RANKL liên quan tới quá trình tiêu xương.

Thường thì thuốc sẽ được dùng suốt thời gian mà ung thư di căn xương còn trong tầm kiểm soát. Denosumab được tiêm dưới da cứ 4 tuần một lần.

1.2. Tác dụng phụ của bisphosphonates và denosumab

Mỗi người phản ứng khác nhau với thuốc và một số người có tác dụng phụ/ngoại ý nhiều hơn những người khác. Các tác dụng phụ có thể khác nhau tùy vào từng thuốc làm chắc xương, nhưng thường là nhẹ.

Nếu bạn lo ngại về bất kỳ tác dụng phụ nào, không kể đến việc tác dụng phụ có được liệt kê ở đây hay không, hãy nói chuyện với bác sĩ do họ có thể giúp bạn xử trí các tác dụng phụ.

- Các triệu chứng giống như bị cúm

Bipshosphonates và denosumab có thể gây ra các triệu chứng giống cúm như là đau khớp và cơ, mệt lả, run rùng mình và sốt.

- Hạ canxi máu

Bipshosphonates và denosumab có thể làm lượng canxi trong máu hạ xuống quá thấp, được gọi là chứng hạ canxi máu.

Các triệu chứng sớm gồm tê ran xung quanh miệng và môi, ở bàn tay và bàn chân. Bác sĩ thường kê đơn bổ sung Canxi và Vitamin D cùng với bisphosphonates và denosumab để ngăn ngừa lượng canxi trong máu hạ quá thấp.

Ăn chế độ ăn cân bằng gồm thực phẩm có chứa canxi và Vitamin D cũng có thể có tác dụng hỗ trợ. Canxi có trong hầu hết các sản phẩm từ sữa như là sữa và pho mát, và trong rau lá xanh như là cải bó xôi hoặc bông cải xanh. Bạn cũng có thể tìm thấy canxi trong các loại hạt đỗ rang, cá trích, cá mòi, các quả hạch và trái cây khô như là mơ và quả vả.

Vitamin D giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi. Vitamin D có trong bơ, margarine, lòng đỏ trứng, cá béo như là cá thu và cá trích, dầu gan cá nước lạnh và ngũ cốc bữa sáng có bổ sung vitamin D. Vitamin D cũng được cơ thể tạo ra khi da được phơi ra nắng.

Các xét nghiệm máu sẽ được đề nghị để kiểm tra mức canxi và vitamin D trong máu trước khi bắt đầu dùng denosumab.

- Ảnh hưởng của bisphosphonates truyền tĩnh mạch lên thận

Bisphosphonates truyền tĩnh mạch có thể ảnh hưởng tới chức năng thận mặc dù không phải tất cả bisphosphonates đều gây hại giống nhau. Bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng thận của bệnh nhân trước khi truyền tĩnh mạch bisphosphonates.

Denosumab có lợi điểm là không gây hại cho thận.

- Các vấn đề về xương hàm

Hoại tử xương hàm (ONJ) không phổ biến nhưng là một tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài của các thuốc làm chắc xương.

ONJ xảy ra khi một số xương hàm mất nguồn cung cấp máu và chết đi. Hàm dưới hay bị ảnh hưởng hơn.

Các triệu chứng gồm:

+ Đau hàm dai dẳng

+ Lỏng chân răng

+ Lợi/nướu sưng, tấy đỏ hoặc có vết loét.

Điều trị ONJ là rất khó, nên việc quan trọng là cố gắng ngăn ngừa. Thói quen vệ sinh răng miệng có thể làm giảm nguy cơ bị ONJ; việc này bao gồm đánh răng đều đặn và làm sạch bằng chỉ nha khoa, đảm bảo răng khít tốt và kiểm tra răng đều đặn ở nha sĩ.

Đến nha sĩ kiểm tra trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc làm chắc xương. Hãy nói với nha sĩ rằng bạn đang/sẽ dùng thuốc làm chắc xương vì thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề như nhiễm trùng và lâu lành sau khi làm thủ thuật răng miệng.

Hãy nói với bác sĩ nếu nha sĩ đề nghị bạn cần điều trị răng miệng.

Trong trường hợp hiếm gặp, ONJ cũng có thể ảnh hưởng tới tai. Nếu bạn bị đau tai, chảy dịch từ tai hoặc nhiễm trùng tai trong khi đang dùng thuốc làm chắc xương, hãy liên lạc với bác sĩ.

- Nứt gãy xương

Mặc dầu hiếm gặp, các thuốc làm chắc xương có thể gây nứt gãy xương. Người ta chưa hiểu hết nguyên nhân nhưng hiện tượng này hay xảy ra ở những người dùng thuốc lâu dài.

Nứt gãy xương có thể xảy ra do chấn thương hoặc không do chấn thương. Nếu bạn bị đau hông, đùi hoặc háng mãi không khỏi, hãy liên lạc với bác sĩ để được đánh giá.

- Sức khoẻ sinh sản

Dùng thuốc bisphosphonates hoặc denosumab trong khi mang thai có thể có gây hại lên sự phát triển của trẻ. Một số phụ nữ vẫn có thể mang thai thậm chí khi kinh nguyệt của họ không đều hoặc đã dừng, vì vậy nên dùng các biện pháp tránh thai có hiệu quả như là bao cao su.

2. Liệu pháp nội tiết

Liệu pháp nội tiết được sử dụng để điều trị những dạng ung thư vú  kích thích phát triển nhờ hormone estrogen. Dạng ung thư này có các cảm thụ thể trên tế bào đính với estrogen, và được gọi là ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen hay là ung thư vú ER+.

Mô từ ung thư vú nguyên phát thường được xét nghiệm để tìm xem có ER+ hay không. Tuy nhiên, ở một số người thì các thụ thể estrogen thay đổi trong quá trình phát triển ung thư vú di căn. Do đó, bác sĩ có thể thảo luận về việc sinh thiết xương (hoặc một khu vực khác của ung thư vú di căn) để xét nghiệm lại tìm cảm thụ thể nội tiết.

Nếu trước đây bệnh nhân đã từng được điều trị liệu pháp nội tiết thì bác sĩ có thể kê đơn cùng loại thuốc hoặc có thể thay thế loại khác. Có khi phải mất đến 2-3 tháng mới thấy được hiệu quả của liệu pháp nội tiết.

Thuốc dùng trong liệu pháp nội tiết phổ biến nhất là tamoxifen, goreselin (Zoladex), các chất ức chế aromatase (anastrozole, exemestane và letrozole) và fulvestrant (Faslodex).

Để biết thêm thông tin về các thuốc của liệu pháp nội tiết kể cả các tác dụng phụ, hãy tìm đọc các tài liệu về thuốc.

3. Liệu pháp nhắm đích (sinh học)

Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách chặn sự phát triển và lan tỏa của ung thư. Các thuốc này nhắm vào và can thiệp vào các quá trình giúp tế bào ung thư phát triển.

Các liệu pháp nhắm đích được dùng phổ biến nhất hiện nay là phù hợp cho những người có ung thư vú có biểu hiện HER2 cao (được gọi là dương tính với HER2). HER2 là một protein giúp tế bào ung thư phát triển.

Có nhiều xét nghiệm để đo mức biểu hiện HER2, thường được thực hiện trên mô lấy từ ung thư vú nguyên phát. Tuy nhiên, ở một số người thì mức độ HER2 có thể thay đổi trong quá trình điều trị, nên bác sĩ có thể thảo luận về việc sinh thiết lại để xét nghiệm lại HER2.

Thuốc dùng phổ biến nhất của liệu pháp nhắm đích cho ung thư vú dương tính với HER2  là trastuzumab (Herceptin). Những loại thuốc khác trong lớp này bao gồm trastuzumab emtansine (Kadcyla), pertuzumab (Perjeta) và Lapatinib (Tyverb).

Các thuốc ngắm đích khác để điều trị ung thư vú thứ phát gồm palbociclib (Ibrance), riociclib (Kisqali), everolimus (Afinitor), denosumab (Xvega) và bevacizumab (Avastin).

4. Hóa trị

Hóa trị là việc dùng thuốc chống ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư.

Có nhiều loại thuốc hóa trị dùng điều trị ung thư vú di căn. Những thuốc này có thể được dùng đơn lẻ hoặc kết hợp. Loại thuốc bệnh nhân được kê đơn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại thuốc nào đã được dùng trước đây và trong thời gian bao lâu.

Muốn biết thêm thông tin, xin xem cuốn Hóa trị dành cho ung thư vú, hoặc đọc các quyển sách về từng loại hóa chất riêng biệt.

5. Xạ trị

- Tia xạ

Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng để  giảm đau và ngăn ngừa ung thư phát triển thêm ở khu vực di căn. Xạ trị cũng có thể được dùng sau phẫu thuật để ổn định những vùng xương bị yếu đi.

Tia xạ thường  phát huy tác dụng vài tuần sau khi đợt xạ trị kết thúc, nên bệnh nhân có thể không cảm nhận được ngay tác dụng của nó. Việc đau nhiều hơn một hoặc hai ngày sau xạ trị không phải là chuyện hiếm.

Xạ trị thường được chiếu theo một liều duy nhất hoặc chia thành nhiều liều trong vài ngày. Xạ trị thường được thực hiện một lần duy nhất ở mỗi vùng bị di căn. Tuy nhiên, một số người có thể cần xạ trị thêm ở cùng khu vực, phụ thuộc vào liều xạ đã chiếu trong quá khứ.

- Xạ phẫu

Xạ phẫu là điều trị bằng xạ trị rất chính xác, có thể được xem xét cho một số người có một hoặc một số ít điểm/nốt di căn xương.

Phương pháp này cho phép chiếu tia phóng xạ với độ chính xác cực cao và hạn chế tối đa việc gây tổn thương cho mô xung quanh.

Xạ phẫu cũng có thể được gọi là CyberKnife, là tên của máy xạ. Xạ phẫu là dạng điều trị đặc biệt và có thể chưa khả thi ở nơi bạn sống. Hãy hỏi thêm bác sĩ xem xạ phẫu có phù hợp với bạn không.

- Đồng vị phóng xạ

Đây là cách thức khác của xạ trị, mặc dầu hiếm được sử dụng để điều trị ung thư vú di căn xương và hiện chỉ là một phần của thử nghiệm lâm sàng. Đồng vị phóng xạ được dùng dưới dạng chất lỏng được tiêm vào tĩnh mạch. Đồng vị phóng xạ theo dòng máu và đưa tia xạ tới vùng xương bị di căn. Đôi khi đồng vị phóng xạ là hữu ích khi có một vài khu vực ung thư trên cơ thể.

6. Phẫu thuật

Khi ung thư vú lan tới xương thì có thể làm xương yếu đi và nhiều khả năng bị gãy. Phẫu thuật chỉnh hình can thiệp lên hệ cơ-xương-khớp có thể được cân nhắc để điều trị hoặc phòng ngừa gãy xương do ung thư.

Đôi khi phẫu thuật là cũng là giải pháp điều trị khi tủy sống bị chèn ép. Loại phẫu thuật này gọi là phẫu thuật giải áp.


Tác giả: Kim Phụng