Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây ra. Đối tượng mắc bệnh sởi là người chưa có miễn dịch với bệnh do chưa tiêm chủng đầy đủ và chưa từng mắc bệnh, phổ biến nhất là trẻ em dưới 15 tuổi. Nhiệt độ thay đổi kết hợp với độ ẩm không khí thấp là điều kiện lí tưởng để virus sởi lây lan mạnh mẽ.
Đối với những trường hợp mắc sởi nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Lúc này, việc chăm sóc bệnh nhân sởi cần cần được lưu ý để bệnh sớm khỏi, đồng thời hạn chế lây lan sang những người xung quanh. Cụ thể:
Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sởi (Ảnh: Internet)
- Khi bệnh nhân sốt trên 38 độ, cần sử dụng các loại thuốc hạ sốt được bác sĩ chỉ định (thường là paracetamol) theo đúng liều lượng. Ngoài ra, có thể sử dụng các phương pháp hạ thân nhiệt vật lý như chườm khăn mát, lau người bằng nước ấm. Khi chăm sóc bệnh nhân sởi cũng cần lưu ý việc bù nước, bù điện giải trong cơn sốt bằng oresol, nước cam, nước ép trái cây,....
- Thức ăn của bệnh nhân sởi cần nước nấu chín kỹ, mềm để đảm bảo dễ ăn, dễ tiêu hoá. Các món ăn nên được chế biến phù hợp với khẩu vị của người bệnh và chia thành nhiều bữa nhỏ. Đối với bệnh nhân là trẻ còn đang bú mẹ, nên tiếp tục cho trẻ dùng sữa mẹ kết hợp với chế độ ăn uống hợp lí.
Các loại đồ ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hoá như cháo, súp,... phù hợp với bệnh nhân sởi (Ảnh: Internet)
Thực đơn hàng ngày của bệnh nhân cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A. Sự thiếu hụt vitamin A có thể khiến bệnh sởi trầm trọng hơn, làm giảm thị lực thậm chí dẫn đến mù loà. Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin A hoặc kẽm qua đường uống theo liều lượng nhất định.
- Vệ sinh thân thể và thay đồ hằng ngày
Khi mắc sởi, bệnh nhân không nên kiêng nước hoặc mặc quần áo quá dày (Ảnh: Internet)
Việc kiêng nước hay trùm kín, mặc quần áo quá dày có thể làm tích tụ mồ hôi, bệnh nhân khó hạ sốt dẫn đến viêm phổi hoặc các bệnh về da.
- Vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước muối sinh lí 3 lần 1 ngày. Cắt móng tay, móng chân để hạn chế làm xước da.
Để hạn chế lây bệnh, khi chăm sóc bệnh nhân sởi cần lưu ý những điều sau:
- Cách li bệnh nhân sởi với người không mắc bệnh.
- Người chăm sóc bệnh nhân sởi phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Nên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân sởi (Ảnh: Internet)
- Giữ gìn nhà ở, khu vệ sinh khô thoáng, sạch sẽ. Thường xuyên dọn dẹp, lau chùi, làm sạch khu vực vui chơi, tay nắm cửa, cầu thang,....
- Khi bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện lạ: sốt cao trên 39 độ liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, co giật, hôn mê,... cần tới ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
Chỉ nên đưa bệnh nhân sởi lên các bệnh viện tuyến trên khi có sự chỉ định của bác sĩ. Các bệnh viện tuyến trên thường có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc sởi nặng, trẻ bị sởi thông thường khi tiếp xúc rất dễ bị lây nhiễm chéo.