Phun hóa chất diệt muỗi tại nhà có độc không?

Phun hóa chất diệt muỗi tại nhà có độc không?
Loại thuốc diệt muỗi được Bộ Y tế sử dụng để dập tắt dịch tại các cụm dân cư là những thuốc đã qua thử nghiệm và cho kết quả an toàn, không gây hại với sức khỏe con người.

Vào những tháng cuối năm, tại các tỉnh miền Nam đang là thời điểm mưa nhiều, còn miền Bắc thời tiết thay đổi khá thất thường. Vậy nên đây là thời điểm thích hợp để các dịch bệnh như sốt xuất huyết hay Zika phát triển và bùng phát. Biện pháp hữu hiệu hiện nay để dịch Zika và sốt xuất huyết bị ngăn chặn là người dân chủ động phòng ngừa, vệ sinh môi trường sống, không để ao tù nước đọng, mắc màn khi ngủ, thoa kem chống muỗi và phun thuốc diệt muỗi trong, quanh nhà. 

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng phương pháp phun thuốc diệt muỗi mới, đó là phun thuốc dưới dạng khí nóng để có độ lan tỏa rộng hơn, cao hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều người thắc mắc và lo ngại việc phun thuốc diệt muỗi sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người già và trẻ nhỏ vì chứa nhiều hóa chất.

Trước mối nghi ngờ này, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho biết: "Nếu phát hiện người dân bị sốt xuất huyết thì có nghĩa khu dân cư mà người đó sống đang nằm trong ổ dịch, cần phải phun thuốc diệt muỗi cho từng nhà để khống chế dịch bệnh.

Loại thuốc phun diệt muỗi hiện nay để dập tắt dịch ở các cụm dân cư được Bộ Y tế sử dụng là thuốc đã qua thử nghiệm và cho kết quả an toàn, không gây độc hại đối với sức khỏe của con người nên người dân không nên lo lắng. Hiện các nước trên thế giới cũng đang sử dụng loại thuốc này".

Ngoài ra, loại thuốc phun này được dùng dưới dạng phun sương, chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian nên người dân không nên lo ngại loại thuốc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sau khi phun thuốc diệt muỗi, người dân chỉ cần chờ thuốc khô khoảng 30 phút là có thể vào nhà. Đối với những người dễ bị kích ứng thì có thể tránh vào nhà lâu hơn, từ 2 đến 3 tiếng thì có thể vào nhà.

Việc phòng ngừa muỗi mang dịch bệnh cần có sự hành động đồng nhất của tất cả mọi gia đình trong một khu dân cư, bởi nếu một hộ gia đình có ý thức phòng bệnh, diệt bọ gậy, phun thuốc nhưng những hộ khác lại vẫn để ao tù nước đọng, không phát quang bụi rậm thì muỗi vẫn có thể bay sang và truyền mầm bệnh từ nhà này sang nhà khác.

Ngoài ra, việc phun thuốc diệt muỗi nên để các nhân viên thuộc đội y tế dự phòng của phường, xã tới phun để đảm bảo chất lượng thuốc, kỹ thuật phun, thời gian phun, pha chế hóa chất và xử lý sau khi phun theo quy định của Bộ Y tế. Nếu người dân có ý định phun thuốc từ những cơ sở tư nhân nên tìm hiểu kỹ càng về chất lượng thuốc, loại thuốc và quy trình phun.

Trước đây, các sản phẩm diệt côn trùng, muỗi thường được sản xuất theo 3 nhóm: nhóm gốc clo hữu cơ, gốc phốt pho hữu cơ và nhóm gốc Pyrethrine. Những thuốc xịt muỗi nhóm clo và phốt pho hữu cơ đã được cấm sử dụng do độc, còn nhóm Pyrethrine chính là những loại thuốc diệt côn trùng đang được lưu hành. 

Ưu điểm của nhóm này là an toàn cho người, động vật máu nóng và nồng độ tương đối thấp. Dù vậy, nếu tiếp xúc quá nhiều với loại thuốc này cũng không tốt nên người dân chỉ nên phun theo định kỳ 3 - 6 tháng theo liều lượng từ nhà sản xuất.

https://vtv.vn/suc-khoe/phun-thuoc-diet-muoi-tai-nha-co-doc-khong-2016120521430304.htm


Tác giả: MN