Phục hồi sau phẫu thuật chữa gai cột sống

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phục hồi sau phẫu thuật chữa gai cột sống
Phẫu thuật chữa gai cột sống phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chăm sóc và phục hồi sau đó. Nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh nhân có thể đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm.

1. Phục hồi cho bệnh nhân khi ở viện

Ngay từ thời điểm ca mổ hoàn thành, việc hồi phục cho bệnh nhân sau phẫu thuật chữa gai cột sống cần được thực hiện ngay lập tức.

Trong 24 giờ sau khi mổ, bệnh nhân nên được nằm cố định trên giường. Các cử động mạnh, xoắn, vặn cơ thể không nên thực hiện.

2 ngày sau khi phẫu thuật chữa gai cột sống, việc tiểu tiện, đại tiện có thể được thực hiện tại chỗ với sự hỗ trợ của người thân.

Từ ngày thứ 3 trở đi, bệnh nhân có thể di chuyển, vận động nhẹ nhàng với sự giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên, khi thực hiện, người hỗ trợ cần lưu ý:

- Khi bệnh nhân đứng lên: Co chân từ khi vẫn đang nằm, nghiêng người sang một phía, chống hai tay xuống giường rồi đẩy người ngồi dậy. Tiếp đến, hai chân bước xuống giường rồi đứng thẳng lên.

- Khi bệnh nhân nằm xuống: Thực hiện ngược lại khi đứng. Khi ngồi xuống giường, bệnh nhân nghiên người sang một bên rồi từ từ đặt lưng xuống và duỗi thẳng chân.

Lưu ý, trong 4 ngày từ khi mổ, bệnh nhân không được ngồi, đứng quá lâu ở một tư thế.

Khi bệnh nhân có dấu hiệu đầy hơi, người thân có thể bổ sung dinh dưỡng bằng các món ăn. Nguồn thực phẩm chế biến nên mềm, dễ tiêu như súp, cháo, canh với các loại thịt băm, rau củ qua,… Các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, cứng, quá cay hoặc quá nóng không nên sử dụng để hạn chế hiện tượng khó tiêu.

2. Phục hồi sau phẫu thuật chữa gai cột sống tại nhà

Mục đích chính của quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật chữa gai cột sống là hồi phục các chức năng vận động đã mất để giúp bệnh nhân quay lại cuộc sống thường nhật. Vậy nên, sau khi sức khỏe đã ổn định, bệnh nhân được phép quay lại gia đình thực hiện nốt giai đoạn phục hồi còn lại.

1 tháng đầu sau khi về nhà, bệnh nhân cần hạn chế hoạt động mạnh để ảnh hưởng tới cấu trúc xương, cột sống của cơ thể. Thời gian này dành toàn bộ để tịnh dưỡng là tốt nhất.

Các vị trí phẫu thuật nên đeo nẹp để cố định và giảm áp lực tác động lên. Thời gian được khuyến khích đeo khoảng 3 tháng. Khi ngủ, nghỉ ngơi có thể tháo nẹp. Thói quen đeo triền miên sẽ khiến các khối cơ xung quanh cột sống bị yếu khi tháo nẹp.

Bệnh nhân có thể dùng đệm chống loét (đệm nước hoặc đệm hơi) để phòng ngừa tình trạng viêm loét cơ thể do bị đè ép quá lâu. Tư thế bệnh nhân cần thay đổi 2 giờ mỗi lần sao cho da luôn khô ráo, sạch sẽ. Điều này cũng giúp các vết loét có thể dễ dàng được phát hiện hơn.

Sau khi mổ được 3 tháng, bệnh nhân không nên xoắn, cúi, ưỡn, vặn cột sống. Hạn chế không vác, mang, bưng đồ vật nặng. Không nên nằm ngủ trên ghế sofa, võng. Bệnh nhân nên rèn luyện thói quen ngồi thẳng lưng dựa vào ghế có điểm tựa. Hoạt động đi lại nhẹ nhàng, cẩn thận.

Lúc này, bệnh nhân bắt đầu có thể rèn luyện sức khỏe bằng các môn thể thao nhẹ nhàng không có tính đối kháng. Một số môn tiêu biểu như bơi lội, đi bộ, đạp xe, yoga, tập xà đơn,… Trong khi hoạt động, nếu có dấu hiệu đau thì bệnh nhân cần dừng ngay lập tức.

Chế độ ăn uống cho bệnh nhân sau phẫu thuật chữa gai cột sống cần đáp ứng đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hồi phục. Bệnh nhân không nên kiêng khem quá mức làm cơ thể bị thiếu chất, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ngược lại, sự bồi bổ quá đà gây nên tình trạng tăng cân cũng tạo lên áp lực lớn cho cột sống, khiến tỉ lệ bệnh tái phát tăng cao. Thói quen đại tiện theo giờ cố định nên rèn luyện để thuận tiện cho quá trình chăm sóc.

Đặc biệt hơn, bệnh nhân cần chú tâm với việc hạn chế nguy cơ bệnh tái phát sau phẫu thuật chữa gai cột sống. Phẫu thuật không loại bỏ hoàn toàn các gai. Nó chỉ cắt ngắn các gai này để hạn chế ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Vậy nên, nếu không có sự chăm sóc đặc biệt, các gai này sẽ lại tiếp tục mọc và gây đau cơ thể.


Tác giả: Quang Anh