Thông thường, các bệnh nhân Rubella sẽ chỉ đến gặp bác sĩ khi đã có những triệu chứng nặng như phát ban, đau nhức, ngứa rát,... Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai, những biểu hiện lâm sàng này thường không thể hiện rõ ràng, nhiều trường hợp còn không có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh, mà bệnh nhân chỉ thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Lúc này, những chẩn đoán lâm sàng thường không chính xác, các bác sĩ sẽ phải làm các xét nghiệm để đưa ra kết luận thai phụ có bị Rubella hay không và nếu phát hiện Rubella IgG dương tính, mẹ bầu cần nhanh chóng tìm đến bác sĩ để đưa hướng điều trị kịp thời.
Xét nghiệm huyết thanh học (IgM/IgG) là xét nghiệm thường được áp dụng để chẩn đoán bệnh Rubella ở phụ nữ có thai.
Phương pháp này chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực. Các phương pháp xét nghiệm virus học, xét nghiệm sinh học phân tử đều được thực hiện ở bệnh viện tuyến khu vực và quốc gia.
Khi làm xét nghiệm Rubella, các bác sĩ sẽ phát hiện kháng thể trong máu của bạn, được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng virus Rubella.
Kháng thể chính là một loại protein mà hệ thống miễn dịch của con người tạo ra để chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Ở đây, hai loại kháng thể đó chính là IgM và IgG. Việc chẩn đoán một người đã bệnh Rubella hay chưa sẽ dựa vào xét nghiệm miễn dịch định lượng Rubella IgM và IgG trong máu.
Nhiều người khi nghe kết quả xét nghiệm dương tính với Rubella thì rất lo lắng. Tuy nhiên, lúc này thai phụ có thể chưa bị bệnh. Bạn bị bệnh hay không phụ thuộc vào dương tính là loại nào: là IgG hay IgM?
Cụ thể: Khi cơ thể bạn bị virus Rubella tấn công, nó tự bảo vệ mình bằng cách tạo ra hai loại kháng thể là IgM và IgG.
Sau khi xuất hiện triệu chứng và xuất hiện trong vài tuần, kháng thể IgM có từ 3 đến 7 ngày, và sau đó thì IgG mới xuất hiện và tồn tại trong cơ thể chúng ta cho đến hết đời.
Nói cách khác, kháng thể IgG cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài, thế nên những người đã từng bị Rubella hoặc từng tiêm vaccine ngừa Rubella trước khi mang thai thì đã miễn nhiễm với virus. Bạn vẫn có thể bị Rubella nhưng ở thể yếu và không quá nguy hại.
Sau khi xét nghiệm, sẽ có 4 trường hợp xảy ra như sau:
- Trường hợp 1: Kháng thể IgM âm tính, kháng thể IgG âm tính:
Kết quả này cho thấy người mẹ chưa từng bị nhiễm virus Rubella trước đây, hoặc đang trong thời gian ủ bệnh. Thai phụ cần làm xét nghiệm lại sau khoảng 3 đến 4 tuần sau đó, bởi vì lúc này, bệnh Rubella chưa phát ra, nên các kháng thể IgM và IgG chưa được tạo ra để chống lại virus gây bệnh.
- Trường hợp 2: Kháng thể IgM dương tính, kháng thể IgG âm tính:
Kết quả này cho thấy người mẹ mới nhiễm virus Rubella. Tuy nhiên, vẫn cần làm xét nghiệm IgM và IgG sau 2 tuần để biết là đang mắc Rubella nguyên phát hay IgM không đặc hiệu để có biện pháp xử lý phù hợp.
Kết quả xét nghiệm sau 2 tuần:
Nếu IgM dương tính, IgG âm tính: kết quả IgM không đặc hiệu.
Nếu kết quả cho thấy IgM vẫn dương tính, IgG dương tính: Lúc này IgG đã bắt đầu xuất hiện, chứng tỏ thai phụ đang mắc bệnh Rubella.
- Trường hợp 3: Kháng thể IgM âm tính, kháng thể IgG dương tính:
Hiện tại, cơ thể bệnh nhân đã có kháng thể IgG bảo vệ, thời gian nhiễm là đã lâu, ít nhất cũng khoảng 10 tuần trước khi làm xét nghiệm.
Để phân biệt rằng người mẹ đã bị Rubella từ lúc đang mang thai hoặc đã từ lâu trước khi có thai thì nên xét nghiệm lại IgG sau 2 tuần.
Bác sĩ sẽ kết luận người mẹ mới nhiễm bệnh khi đang mang thai nếu kết quả cho thấy IgG tăng lên 3-4 lần kể từ lần xét nghiệm trước đó.
- Trường hợp 4: Kháng thể IgM dương tính, kháng thể IgG dương tính:
Tương tự như trường hợp IgM dương tính, IgG âm tính, có nghĩa là bạn đang mắc rubella nguyên phát hoặc IgM không đặc hiệu. Thai phụ cần phải làm xét nghiệm lại sau 2 tuần tiếp theo để có kết quả chính xác.
Kết quả xét nghiệm lần 2:
Nếu IgM dương tính thấp như lần 1, IgG dương tính (không tăng gấp đôi): người mẹ không cần lo lắng vì rất có khả năng IgM dương tính sau lần tiêm vaccine, dương tính chéo với siêu vi khác hoặc bạn chỉ đang bị nhiễm rubella thứ phát, chỉ ở thể nhẹ, không hề nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Nếu Rubella IgM âm tính và IgG dương tính (với nồng độ tăng): người mẹ mới bị nhiễm Rubella kể từ khi có thai. Lúc này, nếu thai nhi đang trong giai đoạn 3 tháng đầu (đang dần hình thành) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, các bác sĩ thường sẽ tư vấn bỏ thai.
Đối với trường hợp khi thai đã trên 3 tháng, người mẹ sẽ được điều trị và có chế độ chăm sóc đặc biệt để giảm thiểu rủi ro cho thai nhi, tránh hiện tượng trẻ sinh ra đã bị mắc Rubella bẩm sinh.
Rubella là nỗi lo của rất nhiều phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, sau khi có kết quả xét nghiệm huyết thanh học, nếu có kết quả Rubella IgG dương tính, các mẹ bầu phải thật bình tĩnh và làm xét nghiệm lần 2 mới có thể khẳng định mình có đang mắc bệnh Rubella hay không.
Trong quá trình chờ đợi kết quả, các mẹ cũng đừng quá lo lắng, việc cần làm lúc này vẫn là ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng và điều trị theo những chỉ dẫn của bác sĩ.