Phù mạch gây sưng môi, sưng mắt khi nào là nguy hiểm?

Phù mạch gây sưng môi, sưng mắt khi nào là nguy hiểm?
Sưng mắt, sưng môi do phù mạch là một trong những vấn đề sức khỏe không quá hiếm gặp. Phù mạch là tình trạng sưng nề cục bộ của da, niêm mạc thường kéo dài từ vài giờ đến 72 giờ.

Tình trạng sưng do phù mạch chủ yếu ảnh hưởng tới mặt, lưỡi, môi, cổ họng, cánh tay, chân nhưng có thể trở nên nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tới tính mạng nếu phù mạch xảy ra ở cổ họng, phổi hoặc đường tiêu hóa.

Có 4 dạng phù mạch và chúng đều có những nguyên nhân khác nhau gây ra.

- Phù mạch dị ứng là loại phù mạch phổ biến nhất. Phản ứng này có liên quan nhiều tới thực phẩm như động vật có vỏ, cá, đậu phộng, hạt, trứng, sữa, phấn hoa, lông đông vật, côn trùng đốt.

- Phù mạch do thuốc như penicillin, aspirin, các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen; một số loại thuốc huyết áp ức chế men chuyển ACE (kể cả đã dùng trong một thời gian dài).

- Phù mạch di truyền (HAE) khá hiếm gặp. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể bạn không tạo ra đủ lượng protein trong máu gọi là chất ức chế C1 esterase (C1-INH) khiến chất lỏng từ máu di chuyển vào các mô khác, gây sưng tấy. Và thường xuất hiện lần đầu tiên trước khi tròn 12 tuổi. Bệnh có thể di truyền sang con bạn.

Có một dạng rất hiếm gặp khác là phù mạch mắc phải (acquired angioedema) có các triệu chứng khá giống với phù mạch di truyền. Bệnh sẽ không xảy ra cho tới khi bạn trên 40 tuổi - khi mà hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu. Phù mạch mắc phải là bệnh không di truyền.

- Phù mạch vô căn có nghĩa là không xác định nguyên nhân gây ra tình trạng sưng tấy của cơ thể. Nguyên nhân có thể bao gồm stress, nhiễm trùng/viêm nhẹ, nhiệt độ, làm việc quá sức hoặc khi tập thể dục, đổ mồ hôi quá nhiều,..

Phù mạch gây sưng môi, sưng mắt khi nào là nguy hiểm? - Ảnh 1.

Sưng môi do phù mạch (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

- Nổi mề đay có lây không? Cần làm gì khi bị nổi mề đay

- Những dấu hiệu có thai khi đang cho con bú đầy đủ mà mọi mẹ sau sinh đều nên biết

1. Triệu chứng phù mạch

Mặc dù phù mạch có liên quan chặt chẽ tới mề đay ở chỗ 2 bệnh đều có chung một nguyên nhân cơ bản, nhưng biểu hiện thường khác nhau.

Phù mạch xảy ra ở lớp hạ bì và biểu bì dẫn tới tình trạng sưng phù sâu hơn, toàn thân và có xu hướng kéo dài hơn so với mề đay. Trong khi đó nổi ban do mề đay đặc trưng là những mảng da gồ đỏ hồng lên với bờ rõ ràng.

Khi bị phù mạch, tình trạng sưng tấy có thể bắt đầu nhanh chóng trong vòng vài phút và phát triển trong vài giờ. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà vùng da có thể bị sưng ngứa hoặc nóng rát, nóng ran hoặc tê rần.

Tình trạng sưng tấy do phù mạch có thể kéo dài từ vài giờ tới vài ngày. Tới khi vùng sưng tấy thuyên giảm thì da sẽ trở lại trạng thái bình thường mà không bị bong tróc, bầm tím hay để lại sẹo.

Một số dạng phù mạch có thể nghiêm trọng hơn nếu bị lan rộng ra ngoài tứ chi, mặt hoặc cơ thể. Trong số đó:

- Phù mạch ở đường tiêu hóa có thể gây ra nôn mửa dữ dội, đau nghiêm trọng ở vùng bụng (hệ tiêu hóa) và mất nước

- Phù mạch ở phổi có thể gây thở khò khè, khó thở và tắc nghẽn đường thở nghiêm trọng

- Phù mạch ở thanh quản có thể dẫn tới ngạt thở và tử vong.

Phù mạch gây sưng môi, sưng mắt khi nào là nguy hiểm? - Ảnh 3.

Triệu chứng phù mạch phổ biến (Ảnh: SKHN - Nguồn: VeryWell)

2. Ai có nguy cơ cao bị phù mạch?

Bạn có thể có nguy cơ phù mạch cao hơn nếu:

- Từng nổi mề đay, có phản ứng dị ứng hoặc từng bị phù mạch trước đó

- Bị lupus ban đỏ, ung thư hạch, các bệnh tuyến giáp, viêm gan, HIV, đã từng được truyền máu,..

- Có tiền sử gia đình bị nổi mề đay hoặc bị phù mạch

- Bị hen suyễn và dùng các thuốc chống viêm không steroid

- Dùng thuốc ức chế ACE

- Đã từng được điều trị bằng chất hoạt hóa plasmogen mô trong đột quỵ nhồi máu não.

3. Điều trị phù mạch

Phù mạch thường có thể được chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng và xem xét bệnh sử cũng như các triệu chứng kèm theo.

Nếu nghi ngờ bạn bị phù mạch do dị ứng bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm kiểm tra dị nguyên bằng test lẩy da để xác định nguyên nhân gây dị ứng là gì. Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán phù mạch do di truyền trong trường hợp tất các cả nguyên nhân gây phù mạch khác đã được loại trừ.

Một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn phù mạch trong tương lai là tránh mọi tác nhân có thể kích hoạt nó. Việc điều trị sẽ tập trung vào việc làm dịu phản ứng miễn dịch của cơ thể để giảm mức độ histamine hoặc bradykinin trong máu của bạn. Chẳng hạn:

- Thuốc kháng histamine đường uống thường được kê đơn để điều trị phù mạch có liên quan đến dị ứng.

- Tùy thuộc vào nguyên nhân gây phù mạch, một số trường hợp có thể đáp ứng tốt với corticosteroid toàn thân. Prednisone là một trong những lựa chọn được kê đơn phổ biến hơn nhưng chỉ được sử dụng để giảm đau trong thời gian ngắn do nguy cơ tác dụng phụ.

Phù mạch gây sưng môi, sưng mắt khi nào là nguy hiểm? - Ảnh 4.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây phù mạch là gì sẽ có điều trị tương ứng (Ảnh: Internet)

- Phù mạch do di truyền có thể được điều trị bằng thuốc Kalbitor (ecallantide) hoặc Firazyr (icatibant). Kalibor ngăn chặn các enzyme kích thích sản xuất bradykinin, trong khi Firazyr ngăn chặn bradykinin gắn vào các thụ thể trên tế bào mục tiêu. Buồn nôn, mệt mỏi, nhức đầu và tiêu chảy là những tác dụng phụ thường gặp.

Ngoài ra, những người bị phù mạch do di truyền có thể giảm nhẹ triệu chứng bằng cách dùng nội tiết tố androgen (nội tiết tố nam) như methyltestosterone và danazol. Chúng hoạt động bằng cách ức chế mức bradykinin lưu thông trong máu. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài có thể gây ra tác dụng nam hóa ở phụ nữ (bao gồm chứng hói đầu và mọc lông mặt ở nam giới) và nở ngực (gynecomastia) ở nam giới.

- Phù mạch nghiêm trọng ở thanh quản nên được điều trị bằng tiêm khẩn cấp epinephrine (adrenaline). Những người từng bị dị ứng nghiêm trọng nên mang theo bút tiêm EpiPen để đề phòng sốc phản vệ khi bị dị ứng.

Lưu ý, người bị phù mạch do nguyên nhân nào cũng đều phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà không có tư vấn từ thầy thuốc hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ hay tự ý tăng liều sử dụng để tránh những tác dụng phụ tiêu cực đối với sức khỏe.

4. Khi nào phù mạch cần gặp bác sĩ?

Tình trạng phù mạch có thể gây khó chịu, đặc biệt nếu người bệnh bị sưng phù nghiêm trọng ở một phần cơ thể như tay, chân, bộ phận sinh dục hoặc tái phát nhiều lần. Ngay cả khi không có triệu chứng rõ ràng nào khác kèm theo thì bạn cũng cần thăm khám bác sĩ nếu tình trạng sưng phù ở môi, lưỡi, mặt, toàn thân,... kéo dài trên một vài ngày.

Trong trường hợp phù mạch được cho là có liên quan tới dị ứng, hãy chú ý theo dõi và ghi lại bất kì loại thực phẩm nào bạn đã ăn, thuốc đã uống hay hoa đã tiếp xúc,... để có thể thu hẹp lại tác nhân (chất gây dị ứng) và có những đối phó phù hợp trong tương lai.

Phù mạch gây sưng môi, sưng mắt khi nào là nguy hiểm? - Ảnh 5.

Thận trọng quan sát các triệu chứng khi bị phù mạch (Ảnh: Internet)

Đặc biệt, nếu bạn bị phù mạch gây:

+ Sưng cổ họng kèm theo khó thở ở bất kì hình thức nào như thở nhanh, thở khò khè hoặc như bị nghẹt thở

+ Môi, miệng hoặc lưỡi đột ngột bị sưng tấy

+ Cảm thấy căng cứng cổ họng và bạn phải cố gắng mới có thể nuốt được

+ Da, lưỡi, môi chuyển sang màu xanh, xám hoặc nhợt nhạt ở bàn tay, bàn chân

+ Đột nhiên cảm thấy choáng váng, lú lẫn, mệt mỏi cực độ

+ Li bì, ngất xỉu

+ Người mềm nhũn, đi lại khập khiễn (đầu có thể nghiêng sang một bên, đi lùi, khó ngẩng đầu hoặc khó tập trung nhìn thẳng vào mặt người đối diện).

Hãy nhanh chóng di chuyển tới cơ sở y tế để được cấp cứu ngay lập tức, tránh nguy hiểm tới tính mạng.

Nguồn dịch:

1. What Is Angioedema?

2. Angioedema

3. What Is Angioedema? (WebMD)


Tác giả: Allen