Phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng bằng các tư thế đúng trong sinh hoạt

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng bằng các tư thế đúng trong sinh hoạt
Có nhiều nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Một trong những cách phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể ở tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hàng ngày.

Đau thắt lưng rất thường gặp trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt và trong cuộc sống hàng ngày. Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng đau thắt lưng là nguyên nhân hay gặp nhất gây ốm đau và mất sức lao động ở những người dưới 45 tuổi; tỷ lệ đau thắt lưng hàng năm khoảng 5% dân số; 50% người đau thắt lưng ở trong độ tuổi lao động.

Chi phí ở Mỹ cho đau thắt lưng hàng năm khoảng 63 đến 80 tỷ USD trong đó 16 tỷ cho điều trị; hàng năm có khoảng 5,4 triệu người ở Mỹ trở thành khuyết tật do đau lưng gây nên. Ở Việt Nam những nghiên cứu cho kết quả đau thắt lưng chiếm tỷ lệ 2% dân số; 6% trong tổng số các bệnh xương khớp; 59% với công nhân may mặc; 40,3% với công nhân hái chè; 52,4% chung cho các đối tượng quân nhân, công nhân, học sinh từ 18 đến 60 tuổi.

1. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Đau thắt lưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và có tỷ lệ tái phát khoảng từ 16 đến 81%. Có thể những lần đau sau của bệnh nhân là do tổn thương thực thể của cột sống hoặc do một tình trạng bệnh lý mới xuất hiện, nhưng rất nhiều trường hợp đau lưng cấp và đau lưng tái phát là do người bệnh vận động ở tư thế không đúng.

Có hai nguyên nhân chính gây nên thoát vị đĩa đệm đó là thoái hóa cột sống và chấn thương. Các chấn thương thường gặp như vận động mạnh, đột ngột, mang vác nặng, ngã, trượt chân… có thể trực tiếp gây nên thoát vị đĩa đệm thắt lưng

2. Phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Một trong những cách phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể luôn luôn ở tư thế đúng trong mọi hoạt động, trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong lao động sản xuất. Sau đây là một số hướng dẫn cụ thể

- Đứng:

Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân, không ưỡn bụng và thắt lưng, cần giữ độ cong bình thường của cột sống. Không nên đứng ở những tư thế cố làm cho thân mình dài ra đặc biệt là dùng giày hoặc guốc cao gót để phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

- Ngồi:

Khi ngồi nên ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân. Có thể kê một gối mỏng vùng thắt lưng để giữ đường cong bình thường của đoạn này.

- Bê hoặc nâng đồ vật lên:

Khi muốn bê hoặc nâng một vật từ dưới đất lên cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình để phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng, khoảng cách giữa đồ vật đó với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác, cụ thể như sau:

– Hai bàn chân cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc.

– Ngồi xổm xuống (gấp khớp gối và khớp háng, không cúi gấp cột sống).

– Bê đồ vật vào sát bụng, căng cơ bụng ra.

– Nâng đồ vật lên bằng cách đứng dậy (không dùng cơ thắt lưng để nâng).

– Giữ cho cột sống thẳng, không xoắn vặn.

– Độ ưỡn của đoạn thắt lưng vẫn được duy trì ở mức bình thường.

Bê và mang đồ vật đi:

Khi muốn bê và mang một vật nào đó đi chỗ khác, chúng ta cũng cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình cũng như vị trí và khoảng cách của vật đó đối với cơ thể để có thể phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng tốt nhất. Một số vấn đề cần chú ý như sau:

– Bê vật đó lên như đã hướng dẫn ở trên.

– Ôm chắc vật cần mang đi bằng hai tay.

– Giữ đồ vật đó sát vào bụng, ở mức ngang Ngực – Thắt lưng.

– Giữ cột sống thẳng, giữ đoạn thắt lưng ở độ ưỡn bình thường.

– Bước đi bình thường, thoải mái, không bước xiêu vẹo, xoắn vặn.

Lấy đồ vật ở trên cao:

Khi muốn lấy đồ vật ở độ cao trên vai trở lên thì cần lưu ý:

– Nếu đồ vật để cao quá nên dùng bục, ghế hoặc thang để đứng lên.

– Không cố để với lấy đồ vật bằng cách kiễng chân lên.

– Thu xếp đồ dùng xung quanh cho có diện tích đủ rộng để không phải với lấy đồ vật qua bàn, qua tủ, ở tư thế không thoải mái.

Kéo hoặc đẩy đồ vật đi:

Nếu có thể chọn nên dùng cách đẩy hơn là kéo, nhất là với những đồ vật to, nặng. Khi kéo hoặc đẩy cũng cần lưu ý đến tư thế của cột sống và các khớp, khoảng cách giữa hai chân, các động tác phối hợp như sau:

– Hai chân đứng cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc, hai gối hơi gấp.

– Kéo hoặc đẩy trọng lượng của cơ thể trên hai chân để tạo nên lực kéo hoặc đẩy đồ vật đó đi. Không đẩy hoặc kéo đồ vật đó bằng cơ lưng.

– Giữ độ ưỡn của đoạn thắt lưng ở mức bình thường.

Đọc thêm:

Giữ tư thế đúng trong các hoạt động hàng ngày

Trị bệnh đau lưng hiệu quả nhờ kéo giãn cột sống

Phòng khám đa khoa Vietlife cung cấp dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện tất cả các chuyên khoa. Hệ thống phòng khám được trang bị công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. Áp dụng quy trình dịch vụ khách hàng đồng bộ nhất quán từ khâu tiếp đón đến chăm sóc trước và sau khi sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống. Đảm bảo kết quả chẩn đoán lâm sàng chính xác và đưa ra tư vấn hướng điều trị tốt nhất.

Bạn có thể đăng ký và đặt lịch khám tại: Phòng khám MRI Trần Bình Trọng – Số 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, HN và phòng khám Vietlife Sư Vạn Hạnh – Số 583 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP.HCM. Hoặc liên hệ Hotline: 024.7307.8999 để được tư vấn.

Theo dõi và cập nhật những thông tin tư vấn về sức khỏe sớm nhất tại: http://vietlifeclinic.com/

Phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng bằng các tư thế đúng trong sinh hoạt - Ảnh 4.

Tác giả: Thanh Hoa