Phòng tránh giông sét mùa mưa bão

Phòng tránh giông sét mùa mưa bão
Bắt đầu vào mùa mưa giông, việc phòng tránh giông sét và xử lý kịp thời khi đang di chuyển trên đường hoặc ở ngoài trời có thể giúp bạn tránh được những rủi ro không đáng có.

Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do mưa giông gây ra, ở thành phố lẫn ở nông thôn. Giông sét cũng vô cùng nguy hiểm, nhiều người đã bị sét đánh do chưa biết cách xử lý kịp thời. 

1. Việt Nam là nơi nhiều giông sét nhất khu vực Châu Á

Mưa giông thường đi kèm với hiện tượng sấm chớp và sét. Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây mang điện tích trái dấu. Sét có thể đánh vào bất kỳ đâu, bất kỳ đối tượng hoặc vật thể nào khi có đủ các yếu tố hình thành nên sét.

Nguy hiểm hơn, khi phóng điện, tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000km/h và ảnh hưởng trong vòng 8km với nhiệt độ lên đến 27.700 độ C (nóng hơn 5 lần bề mặt của Mặt Trời), gây chết người hoặc bị thương hay hư hại tài sản... Sét thường xuất hiện trước, trong, thậm chí cả sau cơn mưa.

Theo báo cáo thống kê, hàng năm có khoảng 25 nghìn người bị sét đánh và chục nghìn người thiệt mạng do sét đánh. Những người còn sống sau sét đánh cũng bị tổn thương sức khỏe nghiêm trọng

Giông sét ở nước ta thường xuất hiện nhiều vào mùa hè. Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á, do vậy hoạt động giông sét thường diễn biến rất mạnh và thất thường. Thời gian mùa mưa giông ở Việt Nam kéo dài, khoảng 100 ngày mỗi năm, tương đương với 250 giờ. 

Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới hai triệu cú sét. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam Bộ. Ở vùng núi, tuy sét xuất hiện nhiều hơn nhưng lại ít gây nguy hiểm vì có nhiều cây to là những vật dẫn điện tốt. Vùng trung du và đồng bằng có ít cây xanh nên người và gia súc dễ bị sét đánh trúng.

2. Cơ chế hoạt động của sét

Sét có thể gây thương tích, gây thiệt mạng cho con người nếu đánh thẳng vào vị trí từ trên đám mây xuống. Hoặc khi nạn nhân đứng cạnh vật bị sét đánh, sét có thể phóng qua khoảng cách không khí giữa người và vật (gọi là sét đánh tạt ngang), khi nạn nhân tiếp xúc với vật bị sét đánh, khi người tiếp xúc với mặt đất ở một vài điểm (sét lan truyền trên mặt đất)…

Người bị sét đánh thường sẽ bị tổn thương rất nặng ở tim, da, cơ gân, hệ thần kinh, những tổn thương này gần như là vĩnh viễn như ở não, gây ra câm, điếc hoặc tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Có khoảng 30% nạn nhân sét đánh bị tử vong do tim ngừng đập.

3. Cách phòng tránh giông sét mùa mưa bão

Cách tốt nhất để phòng tránh giông sét là bạn hãy ở yên trong nhà hoặc nơi trú ẩn cho đến khi hết mưa giông. Tuy nhiên khi bạn chưa kịp tìm nơi trú ẩn hoặc đang di chuyển trên đường thì cần xử lý kịp thời tránh xảy ra tai nạn. 

1/ Nhận biết trời sắp giông: Khi sắp xảy ra giông, trời thường có nhiều mây đen, gió mạnh và không khí lạnh. Lúc này cần vào nhà trú mưa hoặc không đi ra ngoài. Khi ở trong nhà, nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. 

2/ Chú ý các thiết bị điện trong nhà: Rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Bởi vậy nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là một mét.

Phòng tránh giông sét mùa mưa bão - Ảnh 1.

3/ Tìm chỗ trú ẩn khi đang di chuyển ngoài trời, nếu không tìm được cần tránh xa các cây cao, không đứng ở đỉnh đồi, các vùng đất trống, vứt bỏ vật dụng kim loại trong người. 

Tuyệt đối không đứng hoặc ngồi cạnh cột điện, dây tải điện, đây là những nơi dễ bị sét đánh nhất. 

4/ Nếu đang ở vùng đất trống: Cần chụm 2 chân, cúi người sát mặt đất (nhưng không chạm hay nằm xuống đất) với hai tay bịt tai… Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh. Không đứng thành nhóm người gần nhau.

Phòng tránh giông sét mùa mưa bão - Ảnh 2.

5/ Nhận biết có thể bị sét đánh: Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác tĩnh điện vào mùa Đông) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.

6/ Cảnh giác với những phương tiện ô tô, tàu thủy, tàu hỏa không có vỏ bọc kim loại vì chúng rất nguy hiểm khi giông sét. Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hỏa, ôtô... nếu không thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc thì ở những chỗ này là an toàn. 

Phòng tránh giông sét mùa mưa bão - Ảnh 3.

Thông thường, những nhà cao tầng ở thành phố nên thiết kế có cột thu lôi. Ở vùng nông thôn hoặc đồi núi, cần trồng nhiều cây xanh sẽ giúp giảm số lần sét đánh.  

Khi gặp trường hợp bị sét đánh, cần kiểm tra tim phổi của nạn nhân. Nếu ngừng đập, cần tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức.

- Đặt nạn nhân nằm ngửa.

- Tiến hành hồi sức hô hấp miệng-miệng: Lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu. Sau đó ngậm kín miệng của nạn nhân, thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở ra bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.

- Ép tim ngoài lồng ngực: Xác định 1/3 dưới xương ức. Đặt hai tay lên vị trí vừa xác định và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/phút, ép sâu khoảng 3-5cm.

- Luân phiên thổi ngạt-ép tim như vậy với tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ và có các trang thiết bị thiết yếu.

- Phải cố định cột sống cổ, lưng cho bệnh nhân trong trường hợp nghi ngờ có vết thương trên đầu hoặc vùng cổ sưng nề có máu tụ.

- Lưu ý, sau khi cấp cứu, sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Tác giả: Nắng Mai