Phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu: Chủng ngừa là phương án tốt nhất!

Phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu: Chủng ngừa là phương án tốt nhất!
Tuy là căn bệnh khá lành tính ở hầu hết các trường hợp mắc bệnh nhưng thủy đậu cũng có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu là điều hầu hết mọi người quan tâm.

Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng do vi rút varicella-zoster gây ra. Căn bệnh này gây phát ban ngứa với các mụn nước nhỏ trên da. Một số ít trường hợp mắc bệnh thủy đậu có thể gặp các biến chứng nặng nề, do đó việc phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu nên được chú trọng ngay từ đầu.

1. Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu

Tuy khá ít trường hợp mắc biến chứng nhưng đa số biến chứng của bệnh thủy đậu diễn ra khá nhanh chóng và gây nhiều ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh, bao gồm:

- Nhiễm trùng da và mô mềm do vi khuẩn ở trẻ em, bao gồm cả nhiễm trùng liên cầu nhóm A

- Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)

- Nhiễm trùng hoặc viêm não (viêm não, mất điều hòa tiểu não)

Phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu: Chủng ngừa là phương án tốt nhất! - Ảnh 1.

Việc phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu là điều hầu hết mọi người quan tâm - Ảnh: themombeat

- Các biến chứng xuất huyết

- Nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết)

- Mất nước

Một số người bị các biến chứng nghiêm trọng do bệnh thủy đậu có thể cần phải nhập viện để được điều trị tích cực. Bệnh thủy đậu cũng có thể gây tử vong.

2. Chăm sóc và điều trị phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh thủy đậu thường "vào mùa" bắt đầu từ tháng 11, 12 hàng năm và kéo dài tới tháng 5, 6 năm sau. Bệnh cũng có một số biến chứng, thường là biến chứng nhiễm trùng da.

Theo đó, bác sĩ Khanh lưu ý về việc chăm sóc trẻ em và cả người lớn như sau để đề phòng biến chứng bệnh thủy đậu:

- Không kiêng tắm, không kiêng gió theo truyền miệng trong dân gian

- Không nên trùm kín người bệnh mà nên ở trong phòng thông thoáng, có gió.

- Không tắm gốc rạ, uống nước gốc rạ

- Trẻ em nên cắt móng tay để tránh cào vào vết mụn nước gây nhiễm trùng hoặc để lại sẹo

>> Hướng dẫn vệ sinh mụn thủy đậu đúng cách để phòng tránh nhiễm trùng da

Phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu: Chủng ngừa là phương án tốt nhất! - Ảnh 2.

Chăm sóc và điều trị phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu - Ảnh: news-medical

Ngoài ra, nếu phát hiện trẻ mắc bệnh thủy đậu, hãy cho trẻ đi khám bác sĩ nhi gần nhà. Việc chẩn đoán sớm được bệnh và được điều trị sớm sẽ giúp phòng ngừa biến chứng của bệnh thủy đậu tốt hơn. Ngoài ra, hãy trao đổi trước với bác sĩ về tình trạng của con bạn để được sắp xếp khám, tránh lây nhiễm cho người khác tại nơi chờ khám.

Ngoài ra, nên quan sát tình trạng bệnh và nhanh chóng đến bệnh viện nếu phát hiện người bệnh có những đặc điểm sau:

- Phát ban lan ra một hoặc cả hai mắt.

- Phát ban rất đỏ và nóng. Đây rất có thể là biểu hiện của biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn.

- Phát ban kèm theo chóng mặt, mất phương hướng, tim đập nhanh, khó thở, run, mất phối hợp cơ, ho nặng hơn, nôn mửa, cứng cổ hoặc sốt cao hơn 38,9 C.

3. Tiêm vaccine – cách phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu tốt nhất

Tiêm thuốc chủng ngừa bệnh thủy đậu (varicella) là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Các chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính rằng vaccine có thể bảo vệ bạn trước vi rút thủy đậu lên đến 98% nếu tiêm đủ 2 liều theo khuyến cáo. Những trường hợp vẫn mắc bệnh thủy đậu dù đã tiêm vaccine thì mức độ bệnh nhẹ hơn rất nhiều và hiếm có biến chứng.

Phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu: Chủng ngừa là phương án tốt nhất! - Ảnh 3.

Tiêm vaccine – cách phòng ngừa biến chứng bệnh thủy đậu tốt nhất - Ảnh: cscpharma360

Thuốc chủng ngừa bệnh thủy đậu (Varivax) được khuyên dùng cho:

- Trẻ nhỏ: Tại Hoa Kỳ, trẻ em được chủng ngừa hai liều vaccine thủy đậu; mũi đầu tiên từ 12 đến 15 tháng tuổi và mũi thứ 2 từ 4 đến 6 tuổi.

- Trẻ từ 13 đến 23 tháng tuổi: Vaccine này có thể được kết hợp với vaccine sởi, quai bị và rubella. Hãy trao đổi về độ tuổi của con bạn với bác sĩ để được chỉ định vaccine phù hợp.

- Trẻ lớn chưa được tiêm phòng: Trẻ em từ 7 đến 12 tuổi chưa được chủng ngừa bệnh thủy đậu nên được tiêm 2 liều vaccine; 2 liều tiêm cách nhau ít nhất ba tháng. Trẻ em từ 13 tuổi trở lên chưa được chủng ngừa cũng sẽ được chỉ định tiêm 2 liều thuốc chủng ngừa, mỗi liều cách nhau ít nhất 4 tuần.

- Người lớn chưa được tiêm chủng, chưa từng bị thủy đậu và có nguy cơ bị phơi nhiễm cao: Nhóm đối tượng này bao gồm nhân viên y tế, giáo viên, khách du lịch quốc tế, người lớn sống cùng với trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Nguồn dịch: https://www.cdc.gov/chickenpox/about/complications.html

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/symptoms-causes/syc-20351282

(Bài viết có tham khảo ý kiến bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM)


Tác giả: Tiểu Quyên