Nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy, tác động tâm lý của cách ly có thể rất lớn, dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần từ lo âu và tức giận đến rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Các nghiên cứu riêng biệt trên những bệnh nhân cách ly vì SARS, một đợt bùng phát virus Corona khác vào năm 2003, đã phát hiện từ 10% đến 29% bị PTSD.
Báo cáo của Lancet cũng chỉ ra những lo ngại về sức khỏe tinh thần có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây căng thẳng liên quan đến cách ly bắt buộc như nỗi sợ lây nhiễm, sự thất vọng, sự nhàm chán, nguồn cung không đủ, thiếu thông tin, hao hụt mất mát mặt tài chính và sự kỳ thị liên quan đến việc mắc bệnh...
Dấu hiệu cần quan tâm về sức khỏe tâm thần
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lưu ý rằng mọi người nên chú ý các dấu hiệu sức khỏe tâm thần ở bản thân và những người khác. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sợ hãi và lo lắng về sức khỏe của bản thân.
- Thay đổi giấc ngủ hoặc ăn uống.
- Khó ngủ hoặc khó tập trung.
- Các vấn đề sức khỏe mạn tính xấu đi.
- Tăng sử dụng rượu, thuốc lá hoặc các loại thuốc khác.
CNBC Make It đã tổng hợp lời khuyên của các chuyên gia tâm lý cùng một số cơ quan y tế và đưa ra những cách bảo vệ sức khỏe tâm thần tại nhà như sau:Cách bảo vệ sức khỏe tâm thần khi cách ly giữa đại dịch COVID-19
1. Tạo thói quen
Thay quần áo, tắm gội, lập và hoàn thành danh sách việc cần làm mỗi ngày… để tạo cảm giác bình thường và hoạt động hiệu quả.
2. Chăm sóc cơ thể
Ăn uống lành mạnh, ngủ nhiều và tập thể dục hằng ngày. Không ra ngoài, ta có thể thực hiện bài tập trong nhà, giãn cơ và hành thiền.
3. Luôn kết nối
Tận dụng tối đa công nghệ và giữ liên lạc với đồng nghiệp, bạn bè, gia đình thông qua gọi điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội và hội nghị video.
4. Không xem tin quá nhiều
Hãy chọn cập nhật tình hình thông qua các nguồn đáng tin cậy. Hạn chế xem, đọc, nghe quá nhiều tin tức trên phương tiện truyền thông để tránh cảm giác quá tải.
5. Chuẩn bị thuốc men
Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần khuyên, khi cần thiết, hãy đề nghị bác sĩ cung cấp toa thuốc dài hơi hơn để thuận tiện cho bạn vượt qua thời gian cách ly.
6. Chống lại sự nhàm chán
Tận dụng tối đa các bộ phim truyền hình, sách, tập trung vào dự án riêng… để bớt chán và duy trì tinh thần linh hoạt.
7. Tránh kiệt sức nghề nghiệp
Đặt giới hạn cho công việc nhằm tránh bị quá tải và còn có thời gian để thư giãn.
8. Tập trung vào các mặt tích cực
9. Hãy nhớ rằng đây chỉ là những biện pháp tạm thời và bạn không hề đơn độc.
Chúc bạn khỏe!