Tay chân miệng là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là các bé dưới 5 tuổi. Đây là bệnh cấp tính do virus gây ra và có khả năng lây lan rất nhanh qua đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với các dịch tiết mũi, họng hay dịch tiết đường tiêu hóa của trẻ.
Bệnh tay chân miệng thường có những đợt dịch bùng phát trong năm vào những lúc điều kiện thời tiết nóng ẩm. Bệnh lan rộng đôi khi xuất phát từ nguyên nhân những trẻ mang mầm bệnh trong người nhưng chưa biểu hiện (khoảng 71%) lây cho người khác. Tuy nhiên, một đứa trẻ có thể bị bệnh bất cứ thời điểm nào trong năm.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm ở trẻ em (Ảnh: Internet)
Bệnh tay chân miệng ở trẻ có những biểu hiện đặc trưng như sau: Xuất hiện rất nhiều các mụn nước nhỏ li ti ở niêm mạc miệng, cổ họng, bàn tay, bàn chân, thậm chí là đầu gối và mông. Có thể kèm những biểu hiện sốt nhẹ, bé quấy khóc. P
hần lớn bệnh ở trẻ biểu hiện dưới mức độ nhẹ, tuy nhiên không vì thế mà bố mẹ được chủ quan vì có những trường hợp diễn biến chuyển nặng rất nguy hiểm.
Các diễn biến chuyển nặng của bệnh thường gặp như viêm não, viêm màng nào, thậm chí là phù phổi, viêm cơ tim, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Việc phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ là điều bố mẹ cần hết sức lưu tâm. Trước những diễn biến bất thường hàng năm của dịch, Cục Y tế dự phòng đã có những hướng dẫn cho bố mẹ về cách phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ qua 5 biện pháp dưới đây.
Không chỉ trẻ em, bố mẹ và người lớn cũng cần tuyệt đối tuân thủ những hướng dẫn về vệ sinh cơ thể để phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ. Rửa tay bằng xà phòng là lưu ý quan trọng nhất. Trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ, bố mẹ cần rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn.
Trước khi bé ăn, sau khi vệ sinh hay chơi đùa, bố mẹ cũng phải cho con vệ sinh tay chân thật sạch sẽ. nên sử dụng các loại sữa tắm kháng khuẩn cho cả gia đình.
Rửa tay xà phòng là cách phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ đơn giản nhất (Ảnh: Internet)
Vì bệnh lây qua đường tiêu hóa nên thực hiện vệ sinh ăn uống là rất quan trọng để phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ em lây lan. Bố mẹ hãy đảm bảo cho con uống chín, ăn chín, sử dụng thức ăn an toàn, không cho bé mút tay, mút đồ chơi hay cho nhiều trẻ dùng chung bắt đũa khi ăn.
Với các dụng cụ nấu ăn và cho bé ăn, bố mẹ cần thường xuyên sát khuẩn cho bé bằng nước sôi. Với các đồ chơi, những bề mặt nấu ăn hay những vị trí thường xuyên tiếp xúc của các thành viên trong gia đình, bố mẹ nhớ thường xuyên sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn hoặc các chất tẩy rửa thông thường nhé,
Bệnh tay chân miệng sẽ lây lan rất nhanh khi trẻ mắc bệnh không được cách li và tiếp xúc với các trẻ khác hoặc người khác. Có nhiều trường hợp dịch bùng phát do bố mẹ nghi con nhiễm bệnh nhưng không cách li, vẫn đưa con đến trường, tiếp xúc với nhiều bạn khác.
Trẻ bệnh cần được điều trị cách li (Ảnh: Internet)
Trường mẫu giáo là nơi các bệnh của trẻ em có khả năng truyền nhiễm và lây lan rất nhanh. Không có biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng nào hiệu quả hơn việc cách li những trẻ bị bệnh ra để được điều trị triệt để đến khi khỏi bệnh.
Bố mẹ cần lưu ý thu gom và xử lí đúng cách với các chất thải của trẻ nhiễm bệnh để không lây lan virus ra ngoài môi trường.
Trẻ bệnh cần được đưa đến gặp bác sĩ điều trị kịp thời (Ảnh: Internet)
Ngoài các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ bên trên, bố mẹ cũng cần ghi nhớ đưa bé đến bệnh viện ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ của bệnh để được xử lí kịp thời.