Phòng bệnh viêm mũi dị ứng an toàn và hiệu quả

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phòng bệnh viêm mũi dị ứng an toàn và hiệu quả
Viêm mũi dị ứng là bệnh có thể gây ra nhiều bất tiện và khó chịu cho bệnh nhân. Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh viêm mũi dị ứng để bảo vệ sức khoẻ

1. Vì sao phải phòng bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là bệnh ở đường hô hấp với các triệu chứng khó chịu, gây cản trở sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, viêm mũi dị ứng thường gây ra ra các triệu chứng sau:

- Hắt hơi

Đây là triệu chứng viêm mũi dị ứng điển hình, với những cơn hắt hơi đột ngột, liên tục, nhiều lần và thường kéo dài trong nhiều phút. Triệu chứng này cũng thường xuyên tái phát trong các đợt dị ứng.

- Ngứa mũi

Ngứa mũi cũng là triệu chứng viêm mũi dị ứng thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân còn có cảm giác ngứa cả mũi, mắt, họng hoặc cả da ống tai ngoài, da vùng cổ.

- Chảy nước mũi

Trong hoặc sau cơn hắt hơi, người bị viêm mũi dị ứng thường xuất hiện hiện tượng chảy nước mũi. Nước mũi thường không có mùi, trong suốt và có thể xuất hiện ở cả hai bên.

Ảnh 1.

Chảy nước mũi là một trong những biểu hiện của viêm mũi dị ứng (Ảnh: Internet)

- Ngạt mũi, tắc mũi

Cảm giác ngạt mũi, tắc mũi là triệu chứng tiêu biểu của bệnh, xuất hiện sau khi chảy nước mũi liên tục và do hiện tượng phù nề niêm mạc mũi gây ra. Người bệnh lúc này phải thở bằng miệng hoặc sử dụng thuốc hỗ trợ.

- Đau

Ngoài ra, cơn dị ứng mũi thường kèm theo dị ứng cả vùng mặt, ổ mặt, gây cảm giác đau đầu hoặc đau vùng xoang, ngứa và chảy nhiều nước mắt.

Theo kết quả của một số nghiên cứu, 30% trường hợp viêm mũi dị ứng sẽ gây ra hen suyễn và 80% người bị hen suyễn bị viêm mũi dị ứng cùng lúc. Do đó, cả hai căn bệnh cần phải được điều trị song song. Nếu không, các triệu chứng khó chịu của bệnh sẽ liên tục thay phiên nhau xuất hiện, cản trở sinh hoạt hằng ngày.

Trong một nghiên cứu khác, các triệu chứng viêm mũi dị ứng xuất hiện và gây phiền toái cho 93% bệnh nhân vào ban ngày, 47% bệnh nhân vào ban đêm. Các triệu chứng này có xu hướng tăng lên khi làm việc hằng ngày trong máy môi trường điều hoà, gây xao nhãng, không thể tập trung vào công việc.

Hơn nữa, một khi đã bị viêm mũi dị ứng, bệnh nhân thường phải kiên trì điều trị trong thời gian dài, thậm chí lên tới hàng năm trời. Sẽ có những khoảng thời gian, các dấu hiệu viêm mũi dị ứng ngưng xuất hiện, song có thể quay trở lại bất cứ khi nào, đặc biệt là thời điểm giao mùa.

Ảnh 3.

Cần loại trừ các yếu tố nguyên nhân để phòng bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả (Ảnh: Internet)

Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh viêm mũi dị ứng là cần thiết để bảo vệ sức khoẻ, đặc biệt là đối với những người có cơ địa dễ bị viêm mũi dị ứng.

2. Cách phòng bệnh viêm mũi dị ứng

2.1. Hạn chế tiếp xúc với lông động vật

Lông động vật như chó, mèo,... có thể làm kích thích niêm mạc mũi. Do đó, để phòng bệnh viêm mũi dị ứng, đặc biệt là đối với người nhạy cảm với bệnh, nên hạn chế tiếp xúc với động vật, không để thú cưng nhảy lên giường, thường xuyên vệ sinh chăn, gối, đệm, ghế sofa,...

Ngoài ra, cũng cần giữ nơi ở, nơi làm việc được khô thoáng, có ánh sáng tự nhiên để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh.

2.2. Giữ vệ sinh đường hô hấp

Đây là biện pháp phòng bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả, đặc biệt là khi không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thường xuyên vệ sinh răng miệng và tai mũi họng hằng ngày, đeo khẩu trang khi đi ra đường hoặc tiếp xúc với khói bụi, giữ ấm cho đường hô hấp khi thời tiết trở lạnh.

Ngoài ra, hút thuốc lá cũng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của đường hô hấp.

2.3. Không lạm dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng

Trên thị trường hiện nay, có hai dạng thuốc chủ yếu để điều trị triệu chứng ngạt mũi là dạng xịt (nhỏ) và dạng uống. Các loại thuốc dạng xịt thường có khả năng làm giảm cảm giác ngạt mũi, thông đường thở ngay lập tức.

Tuy nhiên, về lâu dài, các loại thuốc này không thể điều trị dứt điểm viêm mũi dị ứng, thậm chí còn khiến người bệnh phụ thuộc vào thuốc và gây ra các tác dụng phụ.

Ảnh 6.

Không nên lạm dụng thuốc xịt mũi trong điều trị viêm mũi dị ứng (Ảnh: Internet)

Tóm lại, để phòng bệnh viêm mũi dị ứng, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, đảm bảo giữ ấm cho cơ thể (đặc biệt là đường hô hấp) khi thời tiết thay đổi,... Khi có các triệu chứng viêm mũi dị ứng, nên tới gặp bác sĩ để khám và điều trị đúng cách.


Tác giả: Thảo Ngân