Nguyên nhân gây sốt xuất huyết chủ yếu là do sự lan truyền virus Dengue từ cơ thể loài muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti) sang cơ thể người trong quá trình đốt (cắn).
Bệnh lây truyền từ người sang người theo vòng tuần hoàn: Muỗi vằn cái hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, ủ bệnh trong cơ thể khoảng 1 đến 2 tuần. Trong thời gian này, muỗi vằn tiếp tục đốt và truyền virus cho người chưa nhiễm bệnh. Vòng tuần hoàn này tiếp tục được lặp đi lặp lại khiến bệnh ngày càng nhân rộng trong cộng đồng.
Muỗi vằn là nguyên nhân duy nhất khiến sốt xuất huyết lây truyền từ người sang người. Vì vậy, việc phòng tránh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể bắt đầu từ cách nhận biết muỗi vằn và ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của chúng ở môi trường sống.
- Đặc điểm nhận biết muỗi vằn: Muỗi Aedes aegypti là loài muỗi có thân màu đen, trên cơ thể thường có các vạch, khoang đen trắng rõ ràng ở chân, bụng và thân. Ngoài ra, trên ngực của muỗi vằn có các hàng vảy màu trắng, trên lưng cũng xuất hiện đàn hai dây màu trắng.
- Nơi trú ẩn ưa: Muỗi vằn thường ưa thích ẩn nấp trong bóng tối, không có ánh sáng (hoặc ánh sáng yếu) như xó nhà, tủ quần áo, khe cửa, chăn màn, dây phơi,... Muỗi vằn thường sinh sống trong nhà và gần người hoặc động vật.
Cách nhận biết muỗi vằn (Ảnh: Internet)
- Thời gian đốt: Muỗi vằn cái bay đi kiếm ăn nhiều nhất vào khoảng 8-10 giờ sáng hoặc chiều tối. Muỗi vằn bay nhanh, tấn công nhanh và bám theo con mồi rất lâu, chỉ bay đi khi đã hút căng máu. Đây cũng là đặc điểm để nhận biết muỗi vằn và phân biệt với các loại muỗi khác.
- Điều kiện thuận lợi để hoạt động: Muỗi vằn Aedes bay đi kiếm ăn mạnh nhất trong môi trường có nhiệt độ 23 độ C. Khi nhiệt độ giảm xuống dưới ngưỡng này, muỗi vằn hầu như không còn khả năng hút máu. Đây là lí do loài muỗi này thường hoạt động mạnh nhất vào mùa mưa hoặc trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, khi nhiệt độ và độ ẩm trong không khí đều ở mức cao.
- Nơi sinh sản: Muỗi vằn Aedes ưa thích sinh sôi, đẻ trứng tại các vũng nước đọng, dụng cụ chứa nước sạch, xung quanh ao hồ, bể nước, chum vại, giếng nước, gốc cây,... Ngoài ra, muỗi vằn cũng có thể đẻ trứng trong các vật dụng như lốp xe, lọ hoa, đồ phế thải, vỏ dừa, bát, chậu, gáo nước,...
- Chu kỳ phát triển: Đặc điểm nhận biết muỗi vằn có thể dựa vào thời gian phát triển rất nhanh của chúng. Thời gian phát triển từ trứng muỗi thành bọ gậy của muỗi vằn thường rơi vào khoảng 7 ngày. Sau đó chỉ từ 2-3 ngày, từ bọ gậy, chúng đã phát triển thành muỗi trưởng thành và có thể bay đi kiếm ăn. Vòng đời của muỗi vằn cái hút máu người không dài, thường từ 20-40 ngày.
- Loại bỏ những nơi sinh sản của muỗi: đậy kín dụng cụ chứa nước, thường xuyên thay rửa dụng cụ chứa nước, thả cá vào các nơi chứa nước lớn như chum, vại,... để diệt loăng quăng, bọ gậy, đặt bát có muối ở chân giường, tủ, trạm,... để muỗi không thể đẻ trứng.
Thực hiện các biện pháp chống muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)
- Giữ gìn vệ sinh: Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát. Tiến hành phát quang bụi rậm, thu gom các loại rác thải xung quanh nơi ở, nơi làm việc, lật úp các dụng cụ chứa nước để hạn chế nước đọng.
- Phòng chống muỗi đốt: Mắc màn khi đi ngủ, sử dụng thuốc chống muỗi vào ban ngày. Tiến hành các phương phát diệt muỗi: phun thuốc, thắp hương muỗi, sử dụng tinh dầu xả,...
- Phun thuốc muỗi trên diện rộng: Tích cực phối hợp với các cơ quan y tế để tiến hành phun thuốc trên diện rộng giúp làm giảm nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương, đặc biệt là trong thời gian cao điểm của dịch.
Sau khi nhận biết muỗi vằn, việc tiến hành các biện pháp diệt muỗi cần được thực hiện rộng khắp để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.