Bệnh á sừng là một dạng viêm da cơ địa, gây ra những mảng vảy, nứt nẻ ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể, phổ biến nhất là ở ngón tay, chân, gót chân.
Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm da khác nên dẫn tới điều trị không đúng cách, bệnh khó thuyên giảm và tái phát nhiều lần.
Vào mùa đông, da thường bị khô nên có thể làm tình trạng á sừng trầm trọng hơn. Vì vậy, mọi người nên có những biện pháp chăm sóc da phù hợp, giảm nhẹ triệu chứng và phòng bệnh tái phát.
Á sừng là tình trạng da bị nứt nẻ (nhất là phần rìa); da tay và da chân dễ bong tróc, có vảy, sưng đỏ. Đến mùa lạnh các triệu chứng có thể trầm trọng hơn như da toét ra, rướm máu, đau. Vì vậy, người bệnh có thể gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, cụ thể:
- Di truyền, cha mẹ hoặc anh em trong nhà bị á sừng, tỷ lệ bạn bị là khá cao.
- Tiếp xúc với các chất gây kích ứng như vải sợi tổng hợp, giày dép làm từ chất liệu nylon hoặc vinyl.
- Tiếp xúc với các chất có thể gây kích ứng như xà phòng, sữa tắm, dầu gội có chất tẩy mạnh, nước bị ô nhiễm hoặc nhiễm hoá chất, …
- Thời tiết thay đổi.
- Thiếu hụt các vitamin và dưỡng chất khiến da bị suy yếu
- Rối loạn nội tiết: Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh có khả năng mắc bệnh do nội tiết thay đổi.
Đọc thêm:
- Viêm da cơ địa và chàm có giống nhau không? Phân biệt như thế nào?
- Nguyên nhân lòng bàn tay nổi đốm đỏ là gì? Cách điều trị như thế nào?
Những người làm đầu bếp, nhà hàng, nội trợ, y tá, hộ lý là những đối tượng có nguy cơ bị bệnh cao hơn bình thường.
Bệnh á sừng dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng viêm da khác. Vì vậy, mọi người có thể dựa vào một số triệu chứng đặc trưng để nhận biết:
- Da khô, bong tróc, nứt nẻ
- Đau rát, chảy máu
- Ngứa ngáy
- Mất dấu vân tay, vân chân
- Nếu bị á sừng vào mùa hè thì vùng da có thể đỏ rát, bong tróc, xuất hiện thêm các mụn nước li ti. Nếu vào mùa đông, da bị nứt nẻ, chảy máu.
- Xung quanh móng tay, móng chân xuất hiện những mụn nhỏ li ti, sần sùi, ngứa rát
Để làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh á sừng cũng như phòng bệnh tái phát, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Hầu hết những người bị á sừng, nhất là bệnh tái phát liên tục, tình trạng nặng cần uống thuốc hoặc thoa kem theo chỉ định của bác sĩ. 3 mục tiêu cần thiết trong quá trình điều trị bệnh á sừng đó là: cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, ngăn ngừa tái phát.
Các bác sĩ có thể kê các loại thuốc như thuốc bôi bạt sừng bong vảy, làm bong lớp da sừng như mỡ salicyle. Thuốc bôi chống viêm nhiễm chẳng hạn như mỡ kháng sinh hoặc mỡ corticoid có thêm kháng sinh, kem dưỡng ẩm, ... Nếu bệnh nhân bị ngứa dữ dội, có nguy cơ nhiễm trùng cần phải uống thuốc kháng histamin, kháng sinh chống nhiễm khuẩn Corticoid.
- Hạn chế tiếp xúc với các chất tẩy rửa, xà phòng, sữa tắm hoặc dầu gội có tính tẩy mạnh. Các bạn nên lựa chọn những sản phẩm dành riêng cho bệnh á sừng, viêm da, chàm, …
Khi cần thiết phải làm các công việc hàng ngày như rửa bát, giặt quần áo nên đeo găng tay để bảo vệ da. Tuy nhiên, cần lưu ý, không đeo găng tay quá lâu vì sẽ làm ra mồ hôi tay, dẫn tới tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Nên lựa chọn găng tay nhựa dẻo vì ít khả năng kích ứng hơn găng tay cao su.
- Không bóc vảy, gãi hay cọ sát mạnh vào các vùng da bị tổn thương. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
- Dưỡng ẩm cho da, nhất là thời điểm mùa đông. Sau khi tắm xong, bạn có thể thoa kem để kem thẩm thấu tốt.
Lưu ý, người bị á sừng thường có làn da dễ kích ứng. Vì vậy, nên lựa chọn kem dưỡng ẩm dành riêng cho da viêm, chàm.
- Thường xuyên cắt móng tay, chân, giữ vệ sinh sạch sẽ.
- Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp. Tránh các thực phẩm dễ gây kích ứng như tôm, cua, nhộng, thịt gà.
Ngoài ra, nên bổ sung những thực phẩm giàu A, C, D, E như giá đỗ, cà chua, các loại đậu, rau ngót, bắp cải, bưởi, đu đủ, cà rốt, rau xanh, …
- Uống đủ nước sẽ cung cấp độ ẩm cho da, phòng ngừa và giảm triệu chứng bệnh á sừng hiệu quả. Tuỳ vào cơ địa từng người, mỗi người nên uống từ 2 đến 2,5 lít/ngày.
- Không nên ngâm chân tay với nước muối vì da sẽ bị khô rát hơn, làm các triệu chứng trầm trọng hơn.
- Mùa đông nên đi tất, đi găng tay để bảo vệ lớp sừng ở da. Nên lựa chọn tất được làm từ chất liệu cotton.
Nhìn chung, bệnh á sừng không quá nguy hiểm nhưng để bệnh diễn ra lâu ngày, các triệu chứng trầm trọng có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng, tái phát liên tục, khó điều trị. Vì vậy, khi có các dấu hiệu của bệnh á sừng, nên đến các bệnh viện da liễu để kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.