Phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng có giúp phòng tránh ung thư?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng có giúp phòng tránh ung thư?
Ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú (những người có tiền sử gia đình bị mắc bệnh hoặc mang gen đột biến BRCA1, BRCA2) thì việc phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng cũng là một cách tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Phòng tránh ung thư ngoài thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh thì việc phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng cũng là cách phòng ngừa ung thư buồng trứng và ung thư vú. 

Phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng là phẫu thuật để cắt bỏ cả hai buồng trứng và thường kèm theo cả ống dẫn trứng. Buồng trứng là cơ quan sản sinh trứng và cũng là nguồn hoóc-môn estrogen và progesterone chính của cơ thể. Ống dẫn trứng là nơi nối giữa buồng trứng với tử cung.

Ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú (những người có tiền sử gia đình bị mắc bệnh hoặc mang gen đột biến BRCA1, BRCA2) thì việc cắt buồng trứng là một cách tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên, việc phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng cũng có những mặt lợi và hại đối với cơ thể phụ nữ. Việc cắt bỏ sẽ gây ra những phiền toái đặc biệt là vấn đề suy giảm hormone và mang thai, do vậy người bệnh cần thảo luận thật kỹ với các chuyên gia để có phương án dự phòng ung thư một cách phù hợp nhất. 

1. Những lợi ích của phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng

- Giảm nguy cơ ung thư vú: Nhiều nghiên cứu cho thấy cắt buồng trứng dự phòng làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ nguy cơ cao. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, phẫu thuật này sẽ làm giảm 50% số ca mắc mới ung thư vú ở phụ nữ nguy cơ cao.

Tuy nhiên, lợi ích này chỉ xảy ra khi việc phẫu thuật được tiến hành trước thời kỳ mãn kinh bởi phương pháp này có thể làm giảm lượng estrogen trong cơ thê người phụ nữ, làm ngừng tiến triển các tế bào gây ung thư vú. 

Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy mức giảm nguy cơ ung thư vú sau khi cắt buồng trứng còn cao hơn ở những phụ nữ mang đột biến gen BRCA2.

- Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng: Khác với ung thư vú, việc phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng có thể làm giảm tối đa đến 90% nguy cơ ung thư buồng trứng dù thực hiện trước hay sau mãn kinh. Đây là một lợi ích quan trọng vi hiện nay chưa có phương pháp phòng tránh tuyệt đối với căn bệnh này ngoài việc cắt buồng trứng. 

Ung thư buồng trứng là căn bệnh phụ khoa nguy hiểm đối với phụ nữ, đây cũng là căn bệnh rất khó nhận biết sớm các dấu hiệu vì đại đa số những triệu chứng đau bụng, đau xương chậu thường dễ bị nhầm lẫn với chu kỳ kinh nguyệt. 

Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy mức giảm nguy cơ ung thư buồng trứng sau mổ cắt buồng trứng là lớn hơn ở phụ nữ mang đột biến gen BRCA1.

2. Các tác dụng phụ khi phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng

Bên cạnh những lợi ích trong việc phòng tránh ung thư thì phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ, ảnh hưởng đến cơ thể của người phụ nữ. 

Phụ nữ chưa mãn kinh khi cắt buồng trứng có thể khiến họ bị mất kinh, suy giảm nội tiết, gặp vấn đề trong việc thụ thai và sinh con. Các tác động sức khỏe lâu dài của mất kinh do phẫu thuật cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng có thể gặp một số vấn đề về biến chứng ca mổ như: 

- Chảy máu hoặc nhiễm trùng

- Sẹo, nhất là nếu mổ mở (thay vì mổ nội soi). Mô sẹo có thể đau.

- Tắc ruột và/hoặc tổn thương các cơ quan bên trong, mặc dù hiếm gặp

Nguy cơ trước mắt: Những tác dụng phụ sau đây có thể xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần sau mổ:

- Đau do vết mổ hoặc do bơm khí vào khoảng ổ bụng để mổ nội soi

- Mệt mỏi trong 3-4 tuần sau mổ nội soi và có thể tới 6 tuần nếu phẫu thuật có đường mổ ở bụng lớn hơn

- Thay đổi ở hệ tiêu hóa, bao gồm chán ăn, ít đi ngoài và cần ăn nhiều bữa nhỏ

- Các vấn đề do suy giảm hoặc mất estrogen như bốc hỏa, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, khô và kích ứng âm đạo. Những triệu chứng này thường mạnh hơn đối với những người chưa bắt đầu mãn kinh tự nhiên.

Nguy cơ lâu dài

- Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng dự phòng khiến bạn bị mất buồng trứng hoàn toàn, không thể khôi phục được

- Không còn khả năng mang thai

- Phụ nữ chưa mãn kinh thường bị mãn kinh do phẫu thuật, làm tăng nguy cơ loãng xương và các triệu chứng khó chịu của mãn kinh, bao gồm bốc hỏa/đổ mồ hôi trộm, khô và kích ứng âm đạo, và giảm ham muốn.

- Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong quan hệ vợ chồng vì người phụ nữ thường bị khô âm đạo, đau âm đạo, suy giảm ham muốn tình dục. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Cắt buồng trứng có kinh nguyệt không?

3. Có nên dùng hooc môn thay thế sau phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng?

Sau phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng, bệnh nhân có thể sử dụng liệu pháp thay thế hooc môn (HRT) để giảm triệu chứng mãn kinh và hạn chế những tác dụng phụ trên cơ thể người bệnh. 

HRT ngắn ngày được đánh giá là an toàn cho phụ nữ cần giảm tác dụng phụ của mất kinh do phẫu thuật tuy nhiên vẫn còn những ý kiến trái ngược trong việc sử dụng liệu pháp hooc môn thay thế. Do vậy, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ và trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng liệu pháp này. 

Mặc dù cắt buồng trứng sự phòng làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng, song nó không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị một bệnh tương tự ung thư buồng trứng gọi là ung thư phúc mạc tiên phát. Đây là loại ung thư bắt nguồn ở phúc mạc – lớp mô bao phủ buồng trứng và tiểu khung. Ung thư phúc mạc có đặc điểm rất giống với ung thư buồng trứng, và cũng rất khó phát hiện sớm.

Những triệu chứng khác có thể gặp phải sau phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng:

- Đau cơ và khớp

- Đau ngực/đánh trống ngực

- Co thắt cơ (chuột rút)

- Khó ngủ

- Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm nấm tái phát

- Tiểu không tự chủ

- Những tác động về cảm xúc như lo âu, trầm cảm và thay đổi tâm trạng

* Các kiến thức trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không đưa ra bất kỳ lời khuyên chuyên khoa nào. 


Tác giả: TMH