Nhiều tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh nhân COVID-19 vẫn có nguy cơ cao bị đột quỵ, đau tim, suy tim và các vấn đề tim mạch khác, theo một nghiên cứu mới công bố ngày 5 tháng 10.
Theo đó, nguy cơ này không chỉ ghi nhận ở những người từng mắc COVID-19 nặng mà còn ở những người mắc bệnh nhẹ không cần nhập viện.
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ.
Hơn 43 triệu người Mỹ - và hơn 234 triệu người trên toàn thế giới - đã mắc và khỏi COVID-19. Những bệnh nhân này có thể phải hứng chịu thêm các bệnh liên quan đến tim trong vài năm tới.
Các tác giả của nghiên cứu mới viết: "Các chiến lược chăm sóc bệnh nhân COVID-19 sau khi qua đợt bệnh cấp tính nên bao gồm cả chiến lược chăm sóc sức khỏe tim mạch".
Hầu hết các nghiên cứu trước đây về tổn thương tim ở bệnh nhân COVID-19 đều tập trung vào những bệnh nhân nằm viện. Nhưng nghiên cứu mới xem xét cả người mắc COVID-19 nhẹ, được điều trị ngoại trú.
Ngoài ra, nghiên cứu mới cũng theo dõi người bệnh trong thời gian dài hơn so với các nghiên cứu trước - 8 tháng đến hơn một năm sau khi nhiễm virus.
Nhiều tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh nhân COVID-19 vẫn có nguy cơ cao bị đột quỵ, đau tim, suy tim và các vấn đề tim mạch khác, theo một nghiên cứu mới công bố ngày 5 tháng 10. (Ảnh minh họa)
Đọc thêm:
- Những triệu chứng Covid-19 mới kỳ lạ nhất và ‘thủ phạm’ bất ngờ đằng sau
- Tình trạng dinh dưỡng có thể ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh Covid-19?
Để xác định mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đến tim, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 151.000 cựu chiến binh Mỹ sống sót sau khi mắc COVID-19, bao gồm cả người nhập viện, nhập đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) và không cần nhập viện.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh những bệnh nhân này với hai nhóm cựu chiến binh tương tự nhưng không mắc COVID-19.
Hầu hết các bệnh nhân là người da trắng và nam giới, điều này có thể là một trong những hạn chế của kết quả nghiên cứu khi áp dụng đối với các nhóm khác, các tác giả viết.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều tháng sau khi nhiễm virus, những người sống sót sau COVID-19 có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch cao hơn so với nhóm không mắc COVID-19. Cụ thể, nguy cơ đột quỵ cao hơn 48%, nguy cơ rung nhĩ (AFib) cao hơn 79%, nguy cơ đau tim cao hơn 61% và nguy cơ suy tim cao hơn 73%.
Những rủi ro này cao hơn đối với những người mắc COVID-19 nặng. Nhưng ngay cả bệnh nhân ngoại trú cũng có nguy cơ mắc các vấn đề về tim cao hơn.
Những người được nhận vào ICU có nguy cơ mắc bất kỳ tình trạng tim mạch nào cao hơn gần 6 lần so với những người không mắc COVID-19.
Đối với những bệnh nhân nhập viện nhưng không được đưa vào ICU, nguy cơ tổng thể cao hơn khoảng 3 lần. Những bệnh nhân không nhập viện có nguy cơ cao hơn 1,4 lần.
Là một nghiên cứu quan sát, các nhà nghiên cứu không thể kết luận COVID-19 có trực tiếp khiến nguy cơ tim mạch tăng cao hơn hay không.
Nhưng một nghiên cứu khác đã tìm thấy mối liên hệ tương tự giữa COVID-19 và các vấn đề về tim.
Zoë Hyde, Tiến sĩ, nhà dịch tễ học tại Đại học Tây Úc, viết trên Twitter: "Nghiên cứu đến từ một nhóm uy tín, cho thấy COVID-19 khiến mọi người gặp một loạt vấn đề sức khỏe mãn tính và điều này xảy ra ở mức độ lớn hơn và thường xuyên hơn so với bệnh cúm mùa".
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định lý do tại sao những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ mắc các bệnh về tim cao hơn, thậm chí nhiều tháng sau khi nhiễm bệnh.
Các nguyên nhân đang được xem xét là tổn thương kéo dài xảy ra khi coronavirus lây nhiễm các tế bào trong tim, hoặc phản ứng miễn dịch quá mức liên tục sau khi coronavirus gây thêm tổn thương trong cơ thể.
Các tác giả của nghiên cứu công bố ngày 5/10 chỉ ra rằng các yếu tố gián tiếp cũng có thể đóng một vai trò nào đó, như tác động của phong tỏa, giãn cách xã hội, mất việc làm, thay đổi thói quen ăn uống hoặc mức độ hoạt động thể chất trong đại dịch hoặc sự ra đi của một thành viên trong gia đình.
Các yếu tố gây căng thẳng từ xã hội, kinh tế… mà bệnh nhân COVID-19 trải qua "có thể góp phần tạo nên những vấn đề tim mạch", các nhà nghiên cứu viết.