Phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ

Phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ
Mặc dù tiêm vacxin là phương pháp rất an toàn để phòng bệnh. Nhưng đôi khi một số phản ứng sau tiêm chủng có thể xảy ra. Nhận biết, xử lý đúng cách phản ứng sau tiêm chủng sẽ giúp đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa các nguy hiểm sức khỏe cho trẻ.

Cho đến thời điểm hiện tại, vacxin vẫn là phương tiện được đánh giá an toàn và hiệu quả để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng. Trong một số trường hợp nhất định trẻ có thể sẽ gặp phải một số phản ứng sau tiêm chủng, tuy nhiên tỷ lệ này là rất nhỏ trên thực tế.

Để tiện cho việc theo dõi và xử lý các phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ, người ta thường chia các phản ứng này thành hai nhóm là các phản ứng sau tiêm chủng thông thường và các phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Tổng hợp những phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ - Ảnh 1.

Nhận biết sớm, xử lý đúng cách các phản ứng sau tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho bé (ảnh: internet)

1. Những phản ứng sau tiêm chủng thông thường

Những phản ứng sau tiêm chủng thông thường sau tiêm chủng là những phản ứng nhẹ xuất hiện sau tiêm chủng vài giờ hoặc có thể là vài ngày, có tỷ lệ xuất hiện cao trên thực tế, và có thể tự hết mà không cần thiết thực hiện các can thiệp y tế.

Những phản ứng sau tiêm chủng thông thường bao gồm:

- Sốt: Sốt là phản ứng sau tiêm chủng toàn thân rất thường gặp ở trẻ. Sốt sau tiêm chủng thường là sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, bắt đầu khởi phát sau khi tiêm vài giờ và sẽ tự hết sau 1-2 ngày. Nếu trẻ sốt cao liên tục, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và xử lý.

- Sưng đỏ tại chỗ tiêm: Sưng đỏ sau tại chỗ tiêm cũng là một phản ứng sau tiêm chủng thông thường mà trẻ có thể gặp phải. Trẻ thường biểu hiện bằng trạng thái sung đỏ tại chỗ tiêm sau khi tiêm chủng khoảng 1 ngày. Tình trạng này thường tự hết sau khoảng vài ngày cho tới 1 tuần.

- Đau khớp: Sau tiêm chủng vacxin trẻ có thể xuất hiện tình trạng đau một số khớp trên cơ thể. Tình trạng đau khớp sau tiêm chủng có thể chỉ là thoáng qua nhưng cũng có thể kéo dài lên đến hàng tuần hoặc thậm chí 10 ngày. Đau khớp do phản ứng sau tiêm chủng tự hết mà không cần điều trị đặc hiệu, một số trường hợp có thể được xem xét sử dụng giảm đau.

- Bầm tím, chảy máu sau tiêm chủng: Tình trạng giảm tiểu cầu sau tiêm chủng (tế bào máu đảm nhận chức năng đông máu) có thể khiến trẻ xuất hiện các vết bầm tím bất thường hoặc các chảy máu tự nhiên như chảy máu cam, chảy máu chân răng,... Tuy nhiên tình trạng này thường thoáng qua, nhẹ và tự khỏi.

Ngoài ra, một số phản ứng sau tiêm chủng thông thường khác cũng có thể xảy ra như trẻ mệt mỏi, lả người, ít hoạt bát hơn, ăn không ngon miệng, sưng hạch sau tiêm BCG,...

2. Phản ứng nặng sau tiêm chủng

Không giống các phản ứng sau tiêm chủng thông thường, các phản ứng nặng sau tiêm chủng là những phản ứng hiếm khi xảy ra hơn, tuy nhiên phản ứng ở mức nặng và thường cần can thiệp y tế để xử lý, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Một số phản ứng nặng sau tiêm chủng ở trẻ:

- Sốc phản vệ: Sốc phản vệ sau tiêm chủng là một phản ứng sau tiêm chủng cực kỳ nguy hiểm, diễn tiến nhanh chóng và có khả năng tử vong cao. Tình trạng sốc phản vệ có thể được nhận biết sớm với các biểu hiện như phù, thở khò khè, khó thở, nhịp tim nhanh, đái ỉa không tự chủ, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt,...

- Quá mẫn vacxin: Quá mẫn với vacxin sau tiêm chủng cũng là một phản ứng nặng sau tiêm chủng mà cha mẹ cần chú ý. Phản ứng quá mẫn với vacxin có thể biểu hiện bằng các triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng, phù nề ở mặt hoặc toàn thân,...

- Co giật sau tiêm chủng: Sau tiêm chủng, trẻ có thể xuất hiện các cơn co giật ở toàn thân. Những cơn co giật có thể xuất hiện đơn độc hoặc cũng có khi xuất hiện cùng với sốt và một số triệu chứng khác.

- Nhiễm trùng huyết: Nhiễm khuẩn huyết là một phản ứng sau tiêm chủng hết sức nặng nề. Nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết chủ yếu là do vệ sinh không đảm bảo như vô khuẩn dụng cụ tiêm và động tác tiêm không tốt, chăm sóc sau tiêm không đảm bảo,...

Nhìn chung đối với các trường hợp trẻ có phản ứng sau tiêm chủng nặng, cha mẹ cần phải nhận biết sớm nhất các triệu chứng và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được cấp cứu kịp thời.

Có thể thấy rằng, những phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ có thể là nhẹ và thoáng qua nhưng cũng có thể hết sức nguy hiểm cần được cấp cứu kịp thời. Do vậy, cha mẹ cần tự trang bị cho mình kiến thức, đảm bảo thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng để đảm bảo phát hiện và xử lý đúng cách khi các phản ứng sau tiêm chủng xảy ra.


Tác giả: QN