Phân loại đau lưng: Đau lưng trên, đau lưng giữa và đau lưng dưới

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân loại đau lưng: Đau lưng trên, đau lưng giữa và đau lưng dưới
Đau lưng là một trong những tình trạng sức khỏe phổ biến nhất nhưng cơn đau của mỗi người trải qua rất khác nhau. Chúng ta có thể phân loại đau lưng dựa vào mức độ, thời gian, nguyên nhân và tính chất cơn đau. Cách phân loại phổ biến nhất chính là dựa vào vị trí cơn đau: Đau lưng trên, đau lưng giữa và đau lưng dưới.

Các vùng của lưng và cột sống có thể được tách thành nhiều phần: vùng cổ (đốt sống cổ), vùng ngực (đốt sống lưng trên), vùng thắt lưng (hoặc lưng dưới). Phần giữa lưng là một thuật ngữ có phần khái quát đề cập đến khu vực bên dưới xương sườn và phía trên hông. 

Đau lưng giữa và đau lưng trên không phổ biến như đau cổ và đau lưng dưới vì đốt sống ở vùng giữa của cột sống thường không uốn cong nhiều. Đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng uốn cong hơn và hoạt động cũng nhiều hơn để di chuyển đầu và hông.

1. Đau lưng trên

Đốt sống lưng trên bao gồm mười hai đốt sống mà xương sườn gắn vào. Đau lưng trên thường được gây ra bởi 1 tình trạng bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng. Vì điều này, điều quan trọng là phải theo dõi các cơn đau lưng trên và triệu chứng như sau:

- Sốt và/hoặc ớn lạnh

- Giảm cân không lý do, giảm cân không kiểm soát

-  Biến dạng dáng đi đáng chú ý 

- Đau thần kinh/tê/ngứa ran ở chân hoặc phần dưới cơ thể

- Cứng khớp nặng, đặc biệt là vào buổi sáng (có thể là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp)

- Chấn thương vật lý (ví dụ, từ một tai nạn xe, ngã,...).

Vì phần cột sống lưng trên được kết nối với xương sườn, bảo vệ cho phổi và tim của bạn nên tổn thương đốt sống ngực cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim phổi. Do vậy, nếu bạn bị đau lưng trên sau 1 chấn thương hoặc đau lưng trên phát triển cùng một lúc với các triệu chứng trên thì đừng ngần ngại tìm tới bác sĩ.

Nếu cơn đau lưng trên khởi phát trước tuổi 20, bắt đầu đau sau tuổi 50, hoặc đau liên tục, dữ dội mà không cải thiện bằng cách thay đổi tư thế thì bạn cũng nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

2. Đau lưng giữa

Đau lưng giữa là những cơn đau xuất hiện phía trên vùng thắt lưng của cột sống nhưng bên dưới lồng xương sườn. Trong trường hợp đau lưng giữa, các triệu chứng có thể mơ hồ và khó chẩn đoán, điều này có thể đặc biệt gây khó khăn trong các trường hợp mãn tính.

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đau lưng giữa của một người, bao gồm: mang thai, tăng cân nhanh, béo phì, thiếu hoạt động thể chất, tinh thần căng thẳng quá độ, hút thuốc,...

Giống như đau lưng trên, bất kỳ triệu chứng đột ngột hoặc bất thường nào như sốt, ớn lạnh, chóng mặt hoặc giảm cân có thể là một dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn nguy hiểm. Nếu bạn gặp các triệu chứng như vậy, hãy đi thăm khám ngay lập tức.

3. Đau lưng dưới

Đau lưng dưới là phân loại đau lưng thường gặp nhất. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng thắt lưng, gần mông, đôi khi lan xuống mông, đùi, thậm chí là 2 chân.

Nguyên nhân đau lưng dưới thường là do chân thương, nâng vật nặng, tăng sức căng ở lưng dưới, hoặc do ảnh hưởng từ một số bệnh lý xương khớp như thoái hóa cột sống lưng, thoát vị đĩa đệm thắt lưng, gai cột sống, viêm xương khớp, các bệnh về thận và phụ khoa,.... Những người tuổi cao, phụ nữ mang thai, ít tập thể dục hoặc vận động quá sức, nghề nghiệp yêu cầu phải nâng đẩy và kéo nặng,... cũng làm tăng nguy cơ đau lưng dưới.

Bạn có thể phòng ngừa đau lưng bằng cách tránh các cử động đột ngột là căng lưng, duy trì tư thế đúng, vận động điều độ, dinh dưỡng khoa học,.... Dù là đau lưng trên, giữa hay dưới đều tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy bệnh nhân cần thăm khám và điều trị kịp thời để ngăn ngừa bệnh biến chứng. Việc điều trị đau lưng còn dựa vào tình trạng từng bệnh nhân, cấp độ đau, nguyên nhân gây bệnh và khả năng đáp ứng phương pháp điều trị.

Tác giả: Minh Vy