Cảm cúm, hay còn gọi là bệnh cúm, là một căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh bắt đầu đột ngột và thường kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày. Hầu hết mọi người đều có thể bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên đối với người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cảm cúm có thể chuyển biến nghiêm trọng.
Ngoài ra, hiện nay các loại virus cúm rất nguy hiểm, có khả năng lây lan rộng, đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn như H5N1, H1N1, H7N9…
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 10 – 15% dân số mắc bệnh cảm cúm, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này ước tính khoảng 250.000 – 500.000 người. Mùa của dịch bệnh thường là vào mùa thu và mùa đông.
Hiện nay có 3 chủng virus cúm là A, B và C. Tuy nhiên, virus cúm phổ biến nhất tại Việt Nam là cúm A và cúm B. Trong đó chủng cúm A và B hay gặp ở người và là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh.
Phân loại cảm cúm đúng sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình điều trị cảm cúm. Cúm A là loại cúm có khả năng gây bệnh trên người và một số động vật khác như các loài chim, heo, ngựa,... Virus cúm A là một trong hai tác nhân gây bệnh cúm mùa hàng năm và là nguyên nhân của nhiều đại dịch lớn trên thế giới.
Cúm A có khả năng gây nguy hiểm tới sức khỏe mà chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý. Cúm A được phân loại dựa vào kháng nguyên bề mặt của chúng. Theo đó, hai kháng nguyên đặc trưng quan trọng của virus cúm A là kháng nguyên Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N):
- Kháng nguyên H (Haemagglutinin): là loại kháng nguyên ngưng kết hồng cầu giúp virus xâm nhập vào tế bào hô hấp của người bị nhiễm bệnh.
- Kháng nguyên N (Neuraminidase): có tính chất men giúp cho sự lắp ráp các thành phần của virus và phóng thích virus từ các tế bào bị nhiễm virus ra ngoài.
Theo các nghiên cứu, chủng virus cúm A có tổng cộng 16 loại H và 9 loại N. Điều đáng chú ý là khi một trong 2 loại kháng nguyên H và N này được virus cúm chuyển đổi thì nó sẽ trở thành một loại khác (một tuýp khác).
Tìm hiểu rõ hơn về bệnh cúm A thông qua bài viết: Cúm A là gì? Tổng hợp các thông tin cần biết về bệnh cúm A.
Đối với loại cúm H1N2: nếu thay đổi kháng nguyên N2 thành N5 thì sẽ tạo thành loại mới là H1N5; nếu thay đổi kháng nguyên H1 chuyển thành H5 thì sẽ tạo ra loại mới là H5N5. Khả năng chuyển đổi các kháng nguyên H và N là rất lớn nên có rất nhiều loại cúm A.
Chúng ta có thể kể đến với một số loại cúm có khả năng gây bệnh nguy hiểm như cúm heo H1N1, cúm gia cầm H5N1.
Không chỉ lây từ người qua người, virus cúm A còn có khả năng gây nhiễm các loài động vật có vú như lợn và ngựa, các loài chim và gia cầm.
Khác với bệnh cúm do virus cúm loại A gây ra, virus cúm B chỉ được tìm thấy ở người. Đây là loại virus lành tính, đa số người bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi và ăn uống điều độ.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bị đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Virus loại B chỉ lây truyền từ người sang người, có khả năng gây ra dịch bệnh theo mùa và được truyền trong suốt cả năm.
Không như cúm A hoặc cúm B, cúm C gây bệnh nhẹ và chỉ gây bệnh lẻ tẻ trên người, không gây ra dịch.
Virus cúm C là một loài trong chi Influenzavirus C, thuộc họ virus Orthomyxoviridae. Nó giống như các loại virus cúm khác, là nguyên nhân gây ra bệnh cúm ở người.
Trên thực tế, cúm do các loại virus cúm C gây ra rất hiếm so với virus cúm A hoặc B. Virus cúm C có 7 phân đoạn RNA và mã hóa 9 protein, trong khi đó virus cúm A và B có 8 phân đoạn RNA và mã hóa ít nhất 10 protein.
Cúm gia cầm là bệnh do nhiễm virus lây lan từ chim sang các loại động vật khác như chó, lợn, gà...trong đó, đặc biệt nguy hiểm là virus H5N1.
Virus cúm động vật như cúm lợn, cúm chó thường lây lan ở động vật nhưng cũng có thể lây truyền sang người. Người bị nhiễm virus chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh, xảy ra khi có một lượng virus nhất định xâm nhập vào mắt, mũi hoặc miệng hoặc hít phả hoặc cũng có thể nhiễm virus cúm động vật hay cúm gia cầm do môi trường ô nhiễm.
Khi bệnh nhân bị nhiễm virus cúm gia cầm và cúm động vật như cúm lợn, cúm chó có thể có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như chỉ sốt và ho, đến nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong.