Phân loại bệnh gout và đặc điểm của bệnh gout nguyên phát và bệnh gout thứ phát

Tham vấn chuyên môn:
Phân loại bệnh gout và đặc điểm của bệnh gout nguyên phát và bệnh gout thứ phát
Bệnh gout gồm có hai loại là bệnh gout nguyên phát và bệnh gout thứ phát. Bệnh gout nguyên phát thường có tỷ lệ người mắc cao hơn so với bệnh gout thứ phát.

1. Phân loại bệnh gout

1.1. Bệnh gout nguyên phát

Nguyên nhân gây ra bệnh gout nguyên phát vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo nhận định của các chuyên gia thì bệnh gout nguyên phát thường có yếu tố nguy cơ từ tính chất gia đình và khởi phát khi ăn quá nhiều thực phẩm có chứa nhiều purin kèm theo đó là thói quen sử dụng rượu bia thường xuyên.

Đa số những bệnh nhân bị gout thường là bị bệnh gout nguyên phát. Bệnh gout nguyên phát thường được gặp nhiều ở nam giới đang ở độ tuổi trung niên và ở nữ giới sau mãn kinh. Tỷ lệ nữ mắc bệnh gout ở Việt Nam thấp (0 – 0,7%), tỷ lệ này trong các nghiên cứu nước ngoài cũng chỉ khoảng 1 – 4%.

1.2. Bệnh gout thứ phát

Bệnh gout thứ phát có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn so với bệnh gout nguyên phát. Tỷ lệ mắc các ca bệnh gout thứ phát thường chỉ chiếm từ 5 - 10%. Tuy nhiên bệnh gout thứ phát lại là loại bệnh khó điều trị hơn.

Nếu như bệnh gout nguyên phát thường xảy ra ở nam giới thì bệnh gout thứ phát lại có đối tượng phổ biến là nữ giới. Nghiên cứu của Massé và De Sèze, với gần 500 bệnh nhân, nhận xét:

- Nam: gout thứ phát  là 6%

- Nữ: gout thứ phát xác định là 17%, nghi ngờ là 33%

Bệnh gout thứ phát có nguyên nhân là do suy thận, do huyết học, gout do vẩy nến, do uống thuốc lợi tiểu, do bệnh cao huyết áp, do nồng độ hormon tuyến giáp thấp,... Những nguyên nhân này đều khiến nồng độ acid uric tăng.

1.3. Bệnh gout xảy ra do những bất thường về enzyme

Đây là một dạng bệnh gout có tính di truyền do sự thiếu hụt toàn bộ hoặc một phần enzyme hypoxanthine guanine phosphoribosyltransterase (HGPRT), hoặc tăng hoạt tính của enzyme phosphoribosyl pyrophosphat synthetase (PRPP).

2. Cơ chế sinh ra bệnh gout là gì?

Cơ chế sinh ra bệnh gout là quá trình tích tụ của các tinh thể urat và hình thành cơ chế viêm ở các mô khớp. Trong tất cả các trường hợp thì sự tăng acid uric sẽ dẫn tới các tinh thể muối này được hình thành từ đó tạo thành các hạt micro tophi.

Khi mà những hạt tophi tại các sụn khớp nếu bị vỡ sẽ khởi phát thành cơn gout cấp. Đồng thời sự lắng đọng của các tinh thể cạnh khớp, trong màng bao hoạt dịch, ở trong mô sụn và mô xương sẽ dẫn tới bệnh xương khớp mãn tính do bệnh gout. Ngoài ra sự có mặt của các tinh thể urat này tại các mô mềm hay bao gân còn làm tăng nguy cơ hình thành các hạt tophi. 

Và cuối cùng nếu như tinh thể urat lắng đọng tại thận sẽ gây ra bệnh viêm thận.

3. Các bệnh lý liên quan

Một số những bệnh lý mãn tính có liên quan tới bệnh gout và vấn đề tăng nồng độ acid uric trong máu (bao gồm carb bệnh gout nguyên phát và bệnh gout thứ phát). Trong đó thì bệnh hay gặp liên quan nhất là bệnh lý liên quan tới thận. Đa số những tổn thương ở thận đối với bệnh nhân bị gout đều là xơ hóa thận do cao huyết áp.

Mặc dù vậy thì việc tăng acid uric trong máu cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp nhất tới sự phát triển của bệnh thận và tăng huyết áp. Bệnh lý thận cấp tính do acid uric có liên quan với hội chứng ly giải khôi u gặp ở bệnh nhân lơ xê mi hoặc u lympho đang điều trị liên quan tới hoá chất. 

Hậu quả là dẫn tới hội chứng suy thận cấp. Mối liên quan giữa bệnh nhân bị bệnh gout với bệnh thận và nhiễm độc chì mạn tính đã được chú ý ở một số cộng đồng dân cư.

Ngoài ra thì bệnh gout cũng có liên quan tới bệnh béo phì và bệnh tiểu đường hay bệnh lý tăng lipid máu cùng với xơ vữa động mạch.

Nghiện rượu cũng sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các cơn gout cấp đối với những người nhạy cảm.


Tác giả: Phạm Thanh