Phân loại bệnh gai cột sống

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân loại bệnh gai cột sống
Gai cột sống phát sinh là do sụn khớp bị tổn thương khi có hoạt động chèn ép, va chạm, cọ xát,... Để có thể nhận biết, điều trị và phòng ngừa hiệu quả, chúng ta cần phải nắm được các kiến thức quan trọng, bao gồm phân loại bệnh gai cột sống.

Gai cột sống phát sinh là do sụn khớp bị tổn thương khi có hoạt động chèn ép, va chạm, cọ xát,... Khi đó, đĩa sụn và xương bị thoái hóa, bào mòn làm cho gai mọc ra.

Nếu như gai nhỏ, mọc ở mặt bên hoặc trước thân đốt sống thì người bệnh sẽ không có triệu chứng khó chịu. Nhưng nếu gai to, mọc ở sau thân đốt sống thì sẽ chèn ép lên dây thần kinh, gây đau đớn cho người bệnh.

Chính vì vậy, để có thể nhận biết, điều trị và phòng ngừa hiệu quả bệnh gai cột sống, chúng ta cần phải nắm được các kiến thức quan trọng liên quan đến căn bệnh này.

1. Phân loại bệnh gai cột sống thường gặp

Có 3 loại gai cột sống thường gặp, đó là:

1.1. Gai cột sống cổ

Trong giai đoạn đầu của bệnh gai cột sống cổ, bệnh nhân thường không có các triệu chứng rõ ràng, cụ thể. Bệnh chỉ được phát hiện khi nhìn qua phim X- quang với các chi tiết như giảm chiều cao đĩa đệm, có những mẩu xương bị mọc ra, đốt sống mọc gai trắng và bị xơ cứng.

Khi bệnh phát triển nặng thêm thì người bệnh sẽ có những dấu hiệu sẽ rõ ràng hơn bao gồm: cứng cổ, đau và ngứa ran ở khu vực một hoặc cả hai cánh tay và bàn tay, giảm vận động cổ khi quay đầu, nhức đầu nhẹ.

Nếu gai cột sống phát triển theo chiều ngang và chạm vào rễ thần kinh sẽ gây đau lan ra phần cổ, vai, cánh tay và ngón tay. Nếu các gai xương phát triển ra sau và chèn vào trong tủy sống khiến cơ tay bị teo sẽ gây chóng mặt, mất thăng bằng. Nếu nặng hơn, sẽ làm cho cổ bị ngắn lại và làm mất đi đường cong tự nhiên của cổ. Ở một số trường hợp còn gặp khó khăn khi nuốt do gai mọc ở phía trước cột sống cổ.

1.2. Gai cột sống ngực

Đây là trường hợp ít gặp nhất trong các loại bệnh gai cột sống. Gai cột sống đoạn ngực có những dấu hiệu khá giống với gai cột sống cổ, tuy nhiên, chúng vẫn có sự khác biệt đó là vị trí đau nhức.

Khi đĩa đệm bị thoái hóa và gai xương phát triển ở cột sống ngực sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau ở khu vực giữa hai bả vai, đôi khi là cả hai bên xương sườn. Người bệnh sẽ cảm thấy đau, nhức khi uốn cong người về phía trước.

1.3. Gai cột sống thắt lưng

Các chuyên gia đánh giá, đây là vùng cột sống bị thoái hóa nhanh nhất. Bởi vì cột sống lưng phải chịu áp lực phần lớn trọng lượng của cơ thể, do đó người bệnh sẽ cảm thấy đau khi chuyển động.

Khi người bệnh ngồi một tư thế sai trong một thời gian dài sẽ gây đau. Cơ thể uốn cong, nâng người đều cảm thấy mức độ đau tăng cao. Khi gai xương bị to ra sẽ gây tê và ngứa ran xuất hiện ở vùng mông, chân, bàn chân. Nếu gai chèn ép lên tủy sống thì lực chân sẽ yếu đi và khiến cho rối loạn chức năng bàng quang, ruột khi đó cần cấp cứu khẩn cấp.

Hiện nay, bệnh gai cột sống ngày càng trẻ hóa và có nhiều biến chứng khó lường, do đó mỗi người bệnh cần phải kiểm tra sức khỏe, thăm khám kịp thời để có kết quả tốt nhất.

2. Các giai đoạn của bệnh gai cột sống

Khi ở giai đoạn mới, người bệnh rất khó thấy được triệu chứng của bệnh gai cột sống. Tuy nhiên khi bệnh nặng dần, sự tiếp xúc giữa gai cột sống và các xương khác hoặc dây chằng hay rễ thần kinh sẽ gây cho người bệnh cảm giác đau tại vị trí mọc gai. Cơn đau có thể lan tỏa sang xung quanh gây cảm giác tê bì, tê tay, chân,…

Ở sang giai đoạn nặng, bệnh có thể gây đau tê ở cổ lan sang hai tay ở người bị gai đốt sống cổ, đau ở lưng, đau dọc xuống hai chân đối với người bệnh mắc gai cột sống thắt lưng... Vì vậy, căn bệnh sẽ làm giảm sút khả năng vận động của người bệnh, thậm chí là tàn phế nếu không điều trị kịp thời.

Tác giả: Thúy Nga