Phân loại bệnh cong vẹo cột sống

Phân loại bệnh cong vẹo cột sống
Bệnh cong vẹo cột sống là tình trạng cong của cột sống sang phía bên của trục cơ thể và vẹo xoay của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang.

Bệnh cong vẹo cột sống là tình trạng cong bất thường của cột sống sang một bên và thường không rõ nguyên nhân mặc dù có tính chất gia đình. Bệnh cong vẹo cột sống nhẹ không cần điều trị tuy nhiên, nếu nặng sẽ phải phẫu thuật. Căn bệnh này thường nặng lên theo thời gian, tuổi tác.

1. Phân loại bệnh cong vẹo cột sống

Bệnh cong vẹo cột sống có hai nhóm chính: vẹo không cấu trúc và vẹo cấu trúc.

Vẹo không cấu trúc:

- Vẹo không cấu trúc là vẹo với cột sống không biến dạng, bao gồm các loại: 

+  Vẹo tư thế: Cột sống vẹo khi đứng thẳng, lúc cúi lưng, lúc nằm, lúc được xách bổng lên, lúc bảo bệnh nhân đứng nghiêng về bên đường cong vồng thì hết vẹo. 

+  Vẹo bù trừ: Bệnh nhân chân dài chân ngắn. Nếu đi dép nâng đế ở chân thấp cho hai chi dưới bằng nhau thì hết vẹo. 

+  Vẹo do thoát vị đĩa đệm cột sống: Nhân đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh gây đau thần kinh hông. Để cho rễ thần kinh đỡ bị chèn ép, bệnh nhân nghiêng cột sống. Thoát vị đĩa đệm thường ở người lớn nhưng cũng gặp ở trẻ em. 

+  Vẹo do viêm: Viêm cơ thắt lưng - chậu, bệnh nhân nghiêng cột sống về bên đau cho các cơ đỡ đau.

- Bệnh cong vẹo cột sống không cấu trúc có thể quan sát được ở tư thế đứng và được nắn chỉnh thẳng khi cúi. Trong trường hợp trên, mỗi đốt sống đều bình thường, cột sống cong nhưng không xoay và vẹo không bao giờ có thể tiến triển trở thành vẹo cấu trúc.

Vẹo cấu trúc: 

- Bệnh cong vẹo cấu trúc là vẹo với cột sống biến dạng (đốt sống bị biến dạng ở đường cong). Trong hầu hết các trường hợp vẹo cấu trúc xuất hiện trước tuổi xương ngừng lớn, kèm xoay và bao gồm bốn loại: 

+ Vẹo tự phát; 

+ Vẹo do liệt; 

+ Vẹo bẩm sinh; 

+ Vẹo trong một số bệnh như bệnh u xơ thần kinh, bệnh rỗng tuỷ sống, bệnh thoát vị tuỷ - màng tuỷ, bệnh lao xương sống. 

- Bệnh cong vẹo cột sống cấu trúc có thể phát hiện trên lâm sàng và X quang. 

- Một số trường hợp vẹo xuất hiện sau tuổi xương ngừng phát triển và không kèm xoay như: Vẹo do gẫy lún một bên thân sống; Lao với lún một bên thân đốt sống; Bệnh khớp thoái hoá; Chứng loãng xương.

Tỷ lệ người mắc bệnh cong vẹo cột sống tương đối cao 3-4% trong đó 2% cần điều trị.

 2. Nguyên nhân gây bệnh cong vẹo cột sống

Trong số những trường hợp mắc bệnh, tỷ lệ bệnh nhân cong vẹo cột sống chưa tìm ra nguyên nhân chiếm từ 60 - 70%.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ xét đến bệnh cong vẹo cột sống học đường. Trẻ bị cong vẹo cột sống thường do:

- Thiếu bàn ghế ngồi học, kích thước bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi, sự sắp xếp không đúng cách, trẻ ngồi học ở nơi thiếu ánh sáng…

- Lao động quá sớm, tư thế lao động bị gò bó như gánh, vác, đội, cõng hoặc bế nách em nhỏ, đeo cặp sách quá nặng so với tuổi và không đều hai bên vai. 

- Trẻ nghiêng vẹo trong quá trình học tập, rèn luyện, sinh hoạt, lao động (ví dụ như trẻ phải nghiêng người về chỗ có ánh sáng do thiếu ánh sáng). 

- Do bệnh tật, còi xương, suy dinh dưỡng, tai nạn. 

Đa số trẻ dưới 3 tuổi bị vẹo cột sống bẩm sinh hay liên quan đến các bệnh lý khác đều khó điều trị và tiên lượng nặng hơn. Khoảng 20% trẻ vẹo cột sống ở độ tuổi thiếu nhi (từ 3 – 10 tuổi) có nguyên nhân từ các bệnh lý khác kèm theo, phần lớn chưa tìm ra nguyên nhân. 

Sau 10 tuổi, đa số trẻ vẹo cột sống vô căn diễn biến nặng cho đến tuổi trưởng thành. Tuổi càng nhỏ, nguyên nhân bệnh lý kèm theo càng nhiều, càng khó điều trị. Bệnh nhân đến khám càng muộn, vẹo cột sống càng nặng thì phẫu thuật điều trị càng nguy hiểm.


Tác giả: Thúy Nga