Phân biệt viêm VA và amidan như thế nào?

Phân biệt viêm VA và amidan như thế nào?
Viêm VA và amidan đều là những bệnh lý liên quan tới hô hấp, các triệu chứng khá giống nhau nên có thể gây nhầm lẫn. Vậy để làm thế nào để phân biệt viêm VA và amidan?

Chẩn đoán chính xác bệnh giúp quá trình điều trị diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Vì vậy, việc phân biệt viêm VA và amidan là điều quan trọng để đưa ra hướng điều trị phù hợp và phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.

1. Viêm VA và amidan là gì?

VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng. Đây là bộ phận làm nhiệm vụ bắt giữ những vi khuẩn gây hại cho cơ thể, không khí qua đây sẽ được VA lọc và bắt giữ vi khuẩn gây hại trước khi đi vào cơ thể. Khi tổ chức này bị xâm nhập bởi vi khuẩn khiến VA quá phát, sưng to về kích thước (hay còn gọi là sùi vòm họng) gây cản trở tới tình trạng lưu thông không khí.

Viêm amidan là một cấu trúc giống mô thịt, nhưng trên thực tế thì amidan là hạch bạch huyết ở 2 bên phía sau họng. Nhiệm vụ của amidan là giúp ngăn chặn các vi khuẩn và virus tấn công, xâm nhập cơ thể thông qua đường hô hấp từ mũi và miệng.

Viêm VA và amidan đều là những bệnh lý phổ biến về đường hô hấp. Cả 2 bệnh lý viêm VA và viêm amidan dù có một số triệu chứng giống nhau nhưng trong phương pháp điều trị có những điểm khác nhau. Nếu không được điều trị đúng cách có thể làm chậm quá trình hồi phục, nguy hiểm hơn các gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Do đó, việc phân biệt và chẩn đoán chính xác đâu là viêm VA, đâu là viêm amidan đóng vai trò rất quan trọng.

Phân biệt viêm VA và amidan như thế nào? - Ảnh 2.

Viêm VA và amidan có một số triệu chứng giống nhau nên có thể gây nhầm lẫn trong chẩn đoán ban đầu (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

9 cách tự nhiên giúp trẻ giảm ho, sổ mũi hạn chế dùng thuốc

Viêm amidan dễ tái phát khi thay đổi thời tiết. Nên làm thế nào để phòng bệnh?

2. Phân biệt viêm VA và amidan như thế nào?

Để phân biệt viêm VA và amidan có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng, triệu chứng thực thể và độ tuổi.

2.1. Triệu chứng thực thể và độ tuổi

Về độ tuổi, hầu hết, viêm VA đều xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi thì viêm Amidan có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. 

Về triệu chứng thực thể, tức là dấu hiệu có thể quan sát được. Đối với viêm VA, VA nằm ở sau vòm mũi họng nên không thể quan sát bằng mắt. Nhưng ngược lại, amidan nằm ở bên vòm họng nên rất dễ quan sát. Nếu nghi ngờ bị viêm amidan, mọi người có thể há miệng và quan sát biểu hiện thực thể ở amidan. Khi có hiện tượng viêm, amidan thường có dấu hiệu sưng đỏ và kích thước sung to hơn bình thường.

2.1. Triệu chứng lâm sàng

Viêm VA có hai thể là cấp tính và mãn tính, các triệu chứng điển hình của bệnh được biểu hiện như:

- Triệu chứng Viêm VA cấp tính: Sốt 38 - 39 độ C, chảy mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, hơi thở có mùi khó chịu.

- Triệu chứng Viêm VA mãn tính: Chảy nước mũi, nghẹt mũi kéo dài cả ngày và đêm, khó ngủ, thở bằng miệng.

Phân biệt viêm VA và amidan như thế nào? - Ảnh 3.

Viêm VA thường gây ra triệu chứng nghẹt mũi, khó thở trong khi viêm amidan thường gây đau họng, nuốt vướng (Ảnh: Internet)

Giống như viêm VA, viêm Amidan có 2 thể ở dạng cấp tính và mãn tính, các triệu chứng phổ biến như:

- Triệu chứng viêm amidan cấp tính: Sốt từ 38-39 độ C, người mệt mỏi, uể oải, đau nhức đầu, chán ăn, nuốt đau, đau họng nhói lên tai khó chịu.

- Triệu chứng viêm amidan mãn tính: Sốt vặt, có hiện tượng ngứa và rát họng thường xuyên, nuốt vướng, khó chịu, khạc nhổ do xuất tiết, ho khan, hơi thở có mùi hôi, …

Ngoài ra, để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất, bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra. Tại đây, bác sĩ có thể nội soi mũi họng để đánh giá tình trạng của người bệnh.

3. Viêm VA và amidan bệnh nào nguy hiểm hơn?

Viêm VA và viêm amidan đều để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, về mức độ nguy hiểm của bệnh còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể của người bệnh như: sức khỏe, tình trạng bệnh, … Một số biến chứng có thể gặp khi bị viêm VA và viêm Amidan:

3.1. Biến chứng viêm VA

Viêm VA nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra một số các biến chứng như:

- Viêm phế quản

- Viêm thanh quản

- Viêm tai giữa

- Viêm mũi xoang

- Gây áp xe thành họng

- Tăng trưởng sọ mặt

Phân biệt viêm VA và amidan như thế nào? - Ảnh 4.

Viêm Va và amidan đều có thể gây biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị đúng cách (Ảnh: Internet)

3.2. Biến chứng viêm amidan

Viêm amidan cũng tương tự như viêm VA, nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách rất có thể sẽ xảy ra một số các biến chứng nguy hiểm như:

- Viêm mủ hạch cổ

- Viêm tai giữa

- Viêm xoang

- Gây áp xe quanh amidan

- Nhiễm trùng máu

- Viêm đa khớp

- Viêm cơ tim

- Viêm cầu thận

4. Cách điều trị viêm VA và viêm amidan

4.1. Điều trị viêm VA

- Điều trị nội khoa: Điều trị nội khoa tức là sử dụng thuốc thường dùng trong các trường hợp viêm VA cấp tính. Các loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm VA như thuốc hạ sốt, long đơm, kháng viêm, nhỏ mũi, kháng sinh, ... 

Lưu ý, thuốc kháng sinh chỉ nên dùng trong các trường hợp bội nhiễm do vi khuẩn và cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. 

- Điều trị ngoại khoa: Áp dụng phương pháp nạo VA, dành cho những trường hợp viêm VA mãn tính, bệnh tái phát và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của người bệnh.

4.2. Điều trị viêm amidan

- Điều trị nội khoa: Nguyên tắc điều trị viêm amidan thường tập trung điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, ... giúp người bệnh nâng cao thể trạng và chỉ dùng kháng sinh khi có đe dọa biến chứng xảy ra. 

- Điều trị ngoại khoa: Đối với những người bị viêm amidan mãn tính và bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cắt amidan. Tuy nhiên, những người mắc bệnh hoặc gặp các hội chứng chảy máu như rối loạn đông máu; các bệnh nội khoa như suy tim, cao huyết áp, suy thận, ... sẽ chống chỉ định với phương pháp này.

Nhìn chung, người bệnh viêm VA và amidan đều được hồi phục nhanh chóng nếu điều trị kịp thời và đúng cách. Cả 2 bệnh lý đều có thể tái phát nhiều lần nên mọi người nên chủ động phòng bệnh. Nếu để bệnh quá phát, nạo VA hoặc cắt amidan có thể được chỉ định.


Tác giả: Nguyễn Lương