Phân biệt trớ sữa và trào ngược thực quản ở trẻ em

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân biệt trớ sữa và trào ngược thực quản ở trẻ em
Trớ sữa là hiện tượng khá thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh chủ quan, có thể bị nhầm lẫn trớ sữa và trào ngược thực quản - một căn bệnh khá nghiêm trọng. Dưới đây là cách phân biệt trớ sữa và trào ngược thực quản ở trẻ em.

1. Nguyên nhân gây trớ sữa và trào ngược thực quản ở trẻ em

Trớ sữa và trào ngược thực quản là tình trạng sữa đã được nuốt xuống dạ dày nhưng lại chảy ngược lên thực quản và trào lên họng của bé.

Có rất nhiều nguyên do gây trớ sữa và trào ngược thực quản:

- Dung tích dạ dày của trẻ còn nhỏ, nhưng bố mẹ cho bé bú quá nhiều sẽ gây ra nôn trớ.

- Trẻ vận động, nô đùa nhiều ngay sau khi ăn cũng là 1 trong những nguyên nhân gây trớ sữa.

- Tâm vị là cơ vòng giữa dạ dày và thực quản. Tâm vị ở người lớn như cái van 1 chiều, chỉ cho thức ăn đi từ thực quản xuống dạ dày và chống trào ngược trở lại. Ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, tâm vị còn yếu nên nếu bị kích thích, rất dễ gây trớ sữa và trào ngược thực quản.

- Ở người lớn, cổ dạ dày và thực quản gập góc ở tâm vị, nhưng ở trẻ sơ sinh nó lại thẳng hàng, là lý do trẻ dễ bị trớ sữa.

- Trong 1 số trường hợp, trẻ bị dị ứng với một số chất trong sữa mẹ do mẹ ăn thực phẩm lạ, hoặc dị ứng với các protein trong sữa công thức cũng có thể khiến trẻ bị trớ sữa.

- Những trẻ bị nhiễm trùng toàn thân, bại não, hở van tâm vị bẩm sinh có nguy cơ cao bị trào ngược thực quản.

2. Phân biệt trớ sữa và trào ngược thực quản

- Trớ sữa là hiện tượng sinh lý, còn trào ngược thực quản là bệnh lý. Nếu trẻ bị trớ sữa sóm và thường xuyên khiến cho tâm vị dễ bị kích thích thì có thể bị biến chứng thành trào ngược thực quản bệnh lý.

- Có thể phân biệt trớ sữa và trào ngược thực quản nhờ theo dõi thời gian và lượng sữa trẻ ói ra. Trớ sữa thường xảy ra sau khi bú, với lượng trớ ít, có thể kèm ho nhẹ hoặc nấc cụt. Trào ngược thực quản thường xảy ra sau khi bú trên 1 giờ đồng hồ, trẻ ói phun thành vòi, ói thường xuyên, kèm theo cáu gắt, khóc nhiều, bỏ bú, khó ngủ, tăng trưởng kém, tăng cân chậm.

- Trớ sữa là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trong 3 tháng đầy, 50% trẻ có thể bị trớ sữa vài lần 1 ngày, và 5% bị đến 12 tháng tuổi. Bé sẽ vẫn phát triển bình thường, không cần quá lo lắng. Nhưng trào ngược thực quản là bệnh lý khá nghiêm trọng, bé cần được đi khám và điều trị sớm.

Trẻ trớ sữa và trào ngược thực quản thường xuyên đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng như mất nước, mất dịch dạ dày, mất men tiêu hóa. Dịch ói có thể bị trào vào tai, phổi, phế quản gây viêm nhiễm.

3. Phòng chống trớ sữa và trào ngược thực quản ở trẻ em như thế nào?

- Các bậc phụ huynh cần nắm rõ dung tích dạ dày của trẻ theo tháng tuổi để cho bé bú vừa đủ, tránh để bé bú quá no. Dung tích dạ dày trẻ sơ sinh là:

1 ngày tuổi: 5 - 7ml

3 ngày tuổi: 25ml

7 ngày tuổi: 50ml

10 ngày tuổi: 75ml

1 - 6 tháng tuổi: 100ml

- Mẹ nên cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ trực tiếp bởi sữa mẹ hiếm khi gây dị ứng và dễ tiêu hóa hơn so với sữa công thức, giúp trẻ không bị đầy bụng, trớ sữa và trào ngược thực quản.

- Nếu bé bú mẹ trực tiếp, nên bế bé bú đều cả 2 bên, bế hơi nâng cao đầu. Nếu bé bú bình, khi cho bé nằm bú cần kê gối nâng cao đầu để hạn chế trớ sữa và trào ngược thực quản.

- Sau khi bé bú sữa xong, nên bế thẳng đứng, vỗ nhẹ lưng cho bé ợ hơi. Sau khoảng 20 phút mới cho bé nằm.

- Ngay sau khi bé bú xong, không nên đùa giỡn, để trẻ chơi các trò chơi vận động mạnh, hoặc gây cười nhé có thể khiến bé bị trớ sữa và trào ngược thực quản.


Tác giả: Mai Nhung