Tay chân miệng và viêm họng có những triệu chứng ban đầu tương tự. Điều này rất dễ gây nhầm lẫn dẫn đến việc bỏ qua thời gian điều trị tốt nhất khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Đau họng, khó nuốt khi ăn, khó thở...là một số triệu chứng tương đồng giữa tay chân miệng và viêm họng. Dưới đây là các dấu hiệu cụ thể của từng loại bệnh.
Mặc dù giữa tay chân miệng và viêm họng có một số triệu chứng tương tự, như về cơ bản hai loại bệnh này rất dễ phân biệt. Bởi dấu hiệu bệnh tay chân miệng rất dễ nhận biết, bao gồm:
- Sốt nhẹ là dấu hiệu ban đầu khi trẻ bị tay chân miệng. Tuỳ vào cơ địa của từng người, bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao. Trường hợp trẻ bị sốt cao liên tục, không phản ứng với thuốc hạ sốt là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Đồng thời nó là nguyên nhân gây ra biến chứng thần kinh như viêm màng não, co giật...vô cùng nguy hiểm.
- Tổn thương ngoài da: Trẻ em bị tay chân miệng thường nổi mụn nước, rát đỏ ở các vị trí đặc biệt như xung quanh miệng, bên trong lưỡi, họng, lòng bàn tay, bàn chân, mông...Các nốt mụn nước có đường kính từ 2 - 10 mm.
- Trẻ thường bị đau miệng, bỏ ăn, nôn kèm theo các triệu chứng đau bụng, tăng tiết nước bọt, quấy khóc nhiều... Khi bị bệnh nặng trẻ sẽ quấy khóc dai dẳng kéo dài. Thậm chí là khóc cả đêm không ngủ. Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh giai đoạn rất sớm. Do đó khi phát hiện tình trạng này, tốt hơn hết phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị sớm nhất có thể.
Mùa hè nắng nóng là giai đoạn nhạy cảm, khiến cổ họng bị viêm nhiễm. Nguyên nhân đau họng có đến 80% do virus gây ra. Viêm họng khiến cổ đau rát, khó thở, khản tiếng, gây khó khăn khi ăn uống...
- Bệnh viêm họng cấp khiến người bệnh có cảm giác nóng, rát họng. Kèm theo đó là họng tắc nghẽn, nuốt nước miếng khó khăn khi nói và nuốt, ho khạc có chất nhầy...
- Nhiều trường hợp trẻ em bị đau họng sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, ớn lanh, sốt, kèm viêm amidan và cúm.
-Một số trường hợp khác, người bệnh bị sổ mũi, nhức đầu, niêm mạc họng đỏ rực, có hạch vùng cổ dưới hàm, sưng đau.
- Đối với bệnh nhân bị viêm họng mãn tính thường khạc đờm đặc, ho nhiều khi trời lạnh. Nuốt hay bị tắc nghẽn và bị khàn tiếng.
Tay chân miệng và viêm họng là hai loại bệnh hoàn toàn khác nhau. Do đó, với mỗi loại bệnh chúng ta cần có chế độ chăm sóc đặc biệt.
Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau đớn, khiến trẻ lười ăn. Đây là nguyên nhân dẫn đến hạ đường máu, giảm sức đề kháng ở trẻ. Đối với trường hợp bệnh nhẹ, phụ huynh có thể điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc sát trùng niêm mạc miệng theo chỉ định.
- Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hoá như cháo loãng, sữa...
- Vệ sinh da thường xuyên, tránh bội nhiễm vi khuẩn. Sử dụng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước trà xanh, rau chân vịt...để tắm cho bé.
- Bôi các tổn thương ngoài da bằng dung dịch Betadin sau khi tắm.
Khi trẻ bị viêm họng cấp, phụ huynh nên tiến hành đo nhiệt độ thường xuyên. Bên cạnh đó tiến hành chườm hạ nhiệt bằng nước ấm cho trẻ. Đồng thời giữ ấm vùng cổ họng, ngực, mũi,... để phòng ngừa viêm họng.
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng nước muối ấm để bảo vệ cổ họng và đường hô hấp.
- Uống nhiều nước, ăn các loại trái cây như cam, chanh để giải nhiệt, kháng viêm.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
- Sử dụng thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhi. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, cần đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm họng cấp ở trẻ em có thể tái phát nhiều lần vào các mùa trong năm. Do đó phụ huynh nên đưa trẻ đi tái khám định kỳ để phát hiện và ngăn chặn bệnh phát triển.
=>> Viêm họng cấp ở trẻ, phụ huynh có thể tìm hiểu thêm thông tin về bệnh qua bài viết: Thời tiết chuyển mùa, cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị viêm họng cấp? Có những dạng viêm họng phổ biến nào ở trẻ?
Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh tay chân miệng và viêm họng do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ, phụ huynh nên thực hiện các nguyên tắc phòng bệnh dưới đây.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cả cơ thể và môi trường sống của bạn.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Nhất là trước khi chế biến thức ăn, cho bé ăn, ẵm, bế trẻ. Sau khi đi vệ sinh, thay tã hoặc làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Đồ dùng, vật dụng cá nhân phải luôn đảm bảo lau rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Đảm bảo sử dụng nước sạch, không bị ô nhiễm trong sinh hoạt hàng ngày.
- Không nên mớm thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi...
- Không cho trẻ sử dụng chung khăn tay, khăn ăn, đồ dùng để ăn uống như cốc, bát, thìa, đồ chơi...
- Lau rửa sạch sẽ các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, đồ dùng học tập, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế...bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa diệt khuẩn.
- Không cho bé tiếp xúc với người lạ hoặc bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh. Tiến hành cách ly tại nhà ngay khi phát hiện bệnh để tránh lây lan. Đối với trẻ em cần phẩm nghỉ học, không đến nơi trẻ chơi tập trung trong khoảng 10 - 14 ngày đầu của bệnh.