Phân biệt tay chân miệng và sởi: Tìm hiểu điểm giống và khác nhau để phòng tránh và điều trị bệnh đúng cách

Phân biệt tay chân miệng và sởi: Tìm hiểu điểm giống và khác nhau để phòng tránh và điều trị bệnh đúng cách
Tay chân miệng và sởi đều có các dấu hiệu như phát ban, sốt cao, tiêu chảy,... dễ gây nhầm lẫn. Tìm hiểu kỹ các điểm giống và khác nhau giữa tay chân miệng và sởi để có phương pháp điều trị phù hợp.

Tay chân miệng và sởi là hai loại bệnh do virus truyền nhiễm gây ra. Đối tượng dễ mắc bệnh thường là trẻ nhỏ, có sức đề kháng yếu. Cả hai loại bệnh đều rất nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Dưới đây là điểm giống và khác nhau giữa tay chân miệng và sởi.

1. Điểm giống nhau giữa tay chân miệng và sởi

Tay chân miệng và sởi đều là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do virus gây ra. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và phát triển thành dịch trong điều kiện thích hợp.

Con đường lây lan của sởi và tay chân miệng thường là do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc sinh hoạt trong môi trường chứa mầm bệnh.

Phân biệt tay chân miệng với sởi để phòng tránh và điều trị bệnh đúng cách - Ảnh 1.

Phân biệt tay chân miệng và sởi để điều trị đúng cách - Ảnh: Internet

Cả hai loại bệnh đều gây ra các triệu chứng ban đầu như: Mệt mỏi, sốt cao liên tục trên 38 độ C. Bệnh nhân nổi ban đỏ ở tay, chân, mông, miệng,... Kèm theo đó là các triệu chứng đau họng, sổ mũi, ho hoặc hắt hơi liên tục,...

Đây là 2 loại bệnh truyền nhiễm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, triệu chứng gây bệnh để phòng tránh và điều trị đúng cách.

2. Tay chân miệng và sởi khác nhau như thế nào?

Mặc dù giữa hai loại bệnh có nhiều điểm giống nhau. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể phân biệt được thông qua những triệu chứng đặc trưng của từng bệnh để không nhầm lẫn trong quá trình điều trị.

2.1. Nguyên nhân, đối tượng mắc bệnh

Cả tay chân miệng và sởi đều là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Chúng rất dễ lây lan ra cộng đồng và bùng phát thành dịch nếu không được xử lý kịp thời. Mặc dù có vài điểm chung về dấu hiệu bệnh, nhưng nguyên nhân gây bệnh và đối tượng lại hoàn toàn khác biệt.

- Với bệnh sởi

Nguyên nhân gây bệnh thường là do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc sống trong môi trường chứa virus sởi. Bệnh lây nhanh qua đường hô hấp.

Đối tượng dễ mắc sởi là:

+ Người dưới 20 tuổi chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

+ Người có sức đề kháng yếu

+ Người chăm sóc bệnh nhân.

+ Người tiếp xúc với các giọt hô hấp như nước mũi, nước bọt của người bệnh.

+ Không rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Phân biệt tay chân miệng với sởi để phòng tránh và điều trị bệnh đúng cách - Ảnh 2.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh sởi và tay chân miệng - Ảnh: Internet

- Với bệnh tay chân miệng

Nguồn lây bệnh chính thường là nước bọt, dịch phỏng nước bị vỡ và chất bài tiết của trẻ em mắc bệnh.

+ Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bị bệnh cũng có nguy cơ cao bị lây tay chân miệng.

+ Thức ăn, nước uống bị nhiễm virus.

+ Tiếp xúc với đồ chơi, đồ dùng sinh hoạt, bàn ghế,... bị dây dính nước bọt, chất tiết của người bệnh.

Đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng thường là trẻ em dưới 5 tuổi. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ em dưới 3 tuổi.

2.2. Triệu chứng của bệnh sởi và tay chân miệng khác nhau như thế nào?

- Triệu chứng bệnh sởi

+ Trẻ thường sốt cao từ 39 - 40 độ C. Kèm theo đó là các triệu chứng khác như: Ho nhiều, chảy nước mũi, đỏ mắt, đau đầu, kén ăn, đau cơ...

+ Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân sởi xuất hiện phát ban sẩn, mịn, không có nước. Ban sởi mọc theo thứ tự từ đầu đến cổ, thân mình, tay, chân.

+ Sau giai đoạn toàn phát, ban dần biến mất theo trình tự này. Các nốt ban sởi thường xuất hiện sau 4 - 5 ngày sốt, ho. Các biến chứng chủ yếu của sởi thường là viêm nhiễm đường hô hấp.

- Triệu chứng của bệnh tay chân miệng

+ Trẻ sốt nhẹ từ 38 - 38,5 độ sau 5 - 6 ngày mệt mỏi, kèm theo đó là các triệu chứng đau họng, sổ mũi.

+ Các mụn nước đầu tiên xuất hiện ở niêm mạc miệng. Kích thước nốt ban từ 2 - 3 mm, thường gặp ở má, lợi, mặt bên trong của lưỡi,...

+ Xuất hiện tình trạng loét miệng khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc, bỏ bữa.

+ Các nốt ban đỏ, mụn nước, bọng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, chân. Nốt mụn có đường kính từ 2 - 10mm. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, khi sờ không đau, không ngứa.

+ Trên mông xuất hiện các nốt mụn lở, rộp da. Toàn thân có dấu hiện rối loạn tri giác, co giật, thậm chí là mê sảng.

+ Các nốt ban xẹp xuống và tự biến mất sau 7 - 10 ngày kể từ khi xuất hiện. Chúng để lại thâm, sẹo trên cơ thể của trẻ.

Phân biệt tay chân miệng với sởi để phòng tránh và điều trị bệnh đúng cách - Ảnh 3.

Mọc mụn nước, loét miệng là dấu hiệu bệnh tay chân miệng - Ảnh: Internet

2.3. Mức độ nguy hiểm của tay chân miệng và sởi

Cả tay chân miệng và sởi đều có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm. Có rất nhiều trường hợp trẻ em tử vong do hai căn bệnh này.

- Mức độ nguy hiểm của bệnh sởi

+ Bệnh sởi dễ gây ra các biến chứng ở đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi...

+ Các biến chứng thần kinh như viêm màng não - tủy cấp, viêm màng não, vô cùng nguy hiểm. Đây chính là nguyên nhân gây co giật, thậm chí là tử vong ở trẻ.

+ Bên cạnh đó, sởi có thể gây ra một số biến chứng khác như viêm loét giác mạc dẫn đến mù loà. Biến chứng đường tiêu hóa khiến trẻ bị mất nước, tiêu chảy liên tục.

- Mức độ nguy hiểm của tay chân miệng

+ Tay chân miệng gây ra những biến chứng chủ yếu về thần kinh như viêm não, viêm thân não, viêm não tuỷ, viêm màng não ở trẻ nhỏ.

+ Bên cạnh đó bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng về tim mạch, phù phổi cấp, tăng huyết áp, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, yếu, liệt chi...nếu không được điều trị kịp thời.

+ Các biến chứng của bệnh tay chân miệng xảy ra rất nhanh và nguy hiểm.

Mức độ nguy hiểm của tay chân miệng phụ thuộc vào từng đối tượng. Với những trẻ mắc bệnh nhẹ, sau một thời gian được chăm sóc đúng cách sức khỏe sẽ ổn định và dần hồi phục. Tuy nhiên với những trẻ bị sốt cao liên tục kèm theo các biểu hiện nôn mửa, co giật, tay chân run rẩy, tim đập nhanh, khó thở,... Tốt hơn hết bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

=>> Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm những biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng qua bài viết: Tìm hiểu về các biến chứng thần kinh của bệnh tay chân miệng: diễn biến nhanh, trẻ có thể tử vong sau vài giờ!

Phân biệt tay chân miệng với sởi để phòng tránh và điều trị bệnh đúng cách - Ảnh 4.

Cả tay chân miệng và sởi đều vô cùng nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh: Internet

3. Hướng dẫn phòng tránh tay chân miệng và sởi đúng cách

Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng và sởi bạn cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc xuất hiện ở chỗ đông người. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hàng ngày.

Sau khi tiếp xúc với người bệnh, người nghi bệnh hoặc từ khu vực chứa mầm bệnh cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn.

Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và các loại thực phẩm dễ tiêu hoá. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể để nâng cao sức đề kháng.

Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ. Cần tiến hành cách ly ngay khi có dấu hiệu bệnh để tránh lây lan ra cộng đồng. Đối với trẻ em cần nghỉ học, người lớn phải nghỉ làm ngay khi xuất hiện phát ban.

Hi vọng với những thông tin trên có thể giúp bạn phân biệt được bệnh sởi và bệnh tay chân miệng để không nhầm lẫn gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.


Tác giả: HT